Dấu hiệu bạn bị kiệt sức khi ôn thi

Kiệt sức khi ôn tập có thể gây mất thời gian và ảnh hưởng sức khỏe, tâm trạng. Bạn cần xác định rõ những dấu hiệu để có biện pháp cải thiện, từ đó nâng cao hiệu quả ôn tập.

 Trạng thái kiệt sức trong học tập xảy ra khi học sinh căng thẳng vài bài vở trong thời gian dài. Ảnh: Pexels.

Trạng thái kiệt sức trong học tập xảy ra khi học sinh căng thẳng vài bài vở trong thời gian dài. Ảnh: Pexels.

Từ điển Tâm lý học APA định nghĩa "burn out" là sự kiệt sức về thể chất, cảm xúc hoặc tinh thần, đi kèm với tình trạng mất động lực, hiệu suất làm việc giảm sút và có thái độ tiêu cực đối với bản thân và người khác.

Kiệt sức xảy ra khi bạn liên tục bị áp lực, căng thẳng, thất vọng, đồng thời có ít thời gian để thư giãn, nạp lại năng lượng và có những hoạt động tốt cho sức khỏe.

Trong một bài viết chia sẻ trên SCMP, nhà tâm lý học lâm sàng Quratulain Zaidi nói rằng trạng thái kiệt sức trong học tập xảy ra khi bạn bị căng thẳng vì việc học trong thời gian dài. Bạn có thể thấy mất hứng thú với việc học, mất động lực, mất năng lượng trong thời gian ôn thi.

Kiệt sức có thể xảy ra với bất kỳ ai và xảy ra mọi lúc. Những người có niềm yêu thích với việc học đôi lúc cũng có thể kiệt sức khi phải học và ôn tập trong thời gian dài. Do đó, bạn cần lưu ý một số dấu hiệu và triệu chứng khi bị kiệt sức lúc học tập để có biện pháp cải thiện và hồi phục.

Các dấu hiệu kiệt sức khi học bạn có thể gặp là:

Cảm thấy không có động lực và không hứng thú tham gia các buổi học, làm bài tập.
Không còn hứng thú với các môn học mình thích.
Thường xuyên cáu gắt, thất vọng và có thể bực tức với người khác.
Mệt mỏi liên tục ngay cả khi ngủ đủ giấc.
Cảm thấy căng thẳng mỗi khi có bài tập hoặc buổi học.
Khó tập trung học bài.
Hình thành những thói quen xấu do căng thẳng quá mức, ví dụ thói quen ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều, thức khuya, sử dụng đồ uống chứa caffeine.
Gặp một số vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau cơ, đau dạ dày...
Ngày càng lo lắng và có cái nhìn tiêu cực đối với trường học, cảm thấy tách rời với việc học và thiếu mục đích trong học tập.

Nhận biết các nguyên nhân gây kiệt sức có thể giúp bạn đưa ra những biện pháp phòng ngừa để ngăn việc bản thân mệt mỏi khi học tập và ôn thi. Đối với học sinh, đây có thể là những nguyên nhân điển hình khiến bạn kiệt sức.

Khối lượng kiến thức quá nặng.
Học tập trong môi trường không được hỗ trợ.
Mất cân bằng giữa cuộc sống học tập và gia đình, dành quá nhiều thời gian cho việc học nên quên chăm sóc bản thân.
Bị đặt những kỳ vọng vô lý liên quan thành tích học tập.

Nhà tâm lý học lâm sàng Quratulain Zaidi nói thêm rằng học sinh cũng có thể bị kiệt sức trong học tập do thói quen trì hoãn. Sự trì hoãn và chủ nghĩa hoàn hảo tạo ra một chu kỳ học tập độc hại cho học sinh vì khi các bài tập chồng chất, căng thẳng sẽ tăng lên.

Ngoài việc khám tư vấn tâm lý, học sinh có thể áp dụng một số phương pháp để cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm bớt tình trạng kiệt sức.

Thứ nhất, bạn hãy lên kế hoạch học tập trong ngày, vạch rõ thời gian học tập và thời gian nghỉ ngơi. Đối với thời gian nghỉ ngơi, bạn hãy gác bài tập qua một bên và dành toàn bộ thời gian để làm những điều bạn thích.

Thứ hai, bạn hãy xây dựng thói quen sống lành mạnh như đi dạo, tập thể dục, ngủ đủ 8 giờ/ngày, ăn uống đủ chất, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử khi không cần thiết.

Thứ ba, bạn có thể tâm sự, trò chuyện với bạn bè, gia đình, giáo viên - những người bạn tin tưởng để được giải tỏa cảm xúc và nhận được những lời khuyên phù hợp. Nếu bạn đang vật lộn với việc ôn tập, đừng quên trao đổi với giáo viên để được hỗ trợ trong giai đoạn ôn tập nước rút.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/dau-hieu-ban-bi-kiet-suc-khi-on-thi-post1441529.html