Đau đớn khi nạn nhân sống sót lại bị cả xã hội Hàn Quốc kỳ thị

Ở Hàn Quốc, những nạn nhân sống sót trong các vụ thảm sát, hiếp dâm và người mắc bệnh tâm thần có ít nhất một điểm chung: bị xã hội kỳ thị.

 Nhiều nạn nhân sống sót phải giấu kín danh tính vì lo sợ bị kỳ thị. Ảnh: Kobiz Media.

Nhiều nạn nhân sống sót phải giấu kín danh tính vì lo sợ bị kỳ thị. Ảnh: Kobiz Media.

Trước đây, Ondoni Ssem (họ thật là Jeon) chỉ là một huấn luyện viên thể hình (PT) nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhưng danh tính của Jeon đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm, khi cô đăng clip kể về bí mật cuộc đời mình vào ngày 25/2.

Trong video, Jeon tiết lộ mình là người sống sót duy nhất trong vụ sát hại gia đình gây chấn động dư luận vào năm 2017. Vụ án xảy ra ở thành phố vệ tinh Yongin của Seoul, trong đó anh cùng cha khác mẹ đã sát hại cha đẻ, mẹ kế và em trai cô.

Lời thú nhận của nữ PT được xem là một bước đi dũng cảm, bởi trong xã hội Hàn Quốc luôn tồn tại sự kỳ thị đối với nạn nhân trong các vụ án giết người, xâm hại tình dục và những người mắc bệnh tâm thần.

Lời tâm sự của những người bị kỳ thị

Jeon, ngôi sao có 200.000 người đăng ký trên kênh YouTube, đã trở thành một thành viên trong nhóm những người tìm kiếm tiếng nói, bất chấp sự kỳ thị của xã hội xung quanh câu chuyện cuộc đời họ.

"Lý do tôi trở thành vlogger vào năm 2019 là để làm sáng tỏ vụ án giết hại trong gia đình", nữ PT nói với The Korea Herald hôm 1/3.

Ban đầu, suy nghĩ của cô là nếu trở nên nổi tiếng trên mạng, cô có thể giúp mang lại công lý cho cha mình - người đã bị sát hại dã man.

Thủ phạm, bị kết án giết hại 3 người trong gia đình, đang chịu án tù chung thân.

 Chủ nhân kênh "Today's dduk ddark" chia sẻ về cuộc sống bên trong bệnh viện tâm thần.

Chủ nhân kênh "Today's dduk ddark" chia sẻ về cuộc sống bên trong bệnh viện tâm thần.

Cuối năm 2022, một chủ kênh vlog có tên "Today's dduk ddark" cũng đã lên tiếng về hành trình chống chọi với chứng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực của bản thân. Cô thậm chí tải lên một vlog được quay ở khu vực khép kín trong bệnh viện tâm thần, nơi cô vào điều trị.

Video của cô đã thay đổi định kiến của nhiều người rằng bệnh viện tâm thần là nơi tối tăm, bệnh nhân toàn mặc áo bó. Chủ kênh "Today's dduk ddark" mô tả đó là "nơi ấm áp và thân thiện, nơi mọi người cùng nhau ăn tối, chơi game và tập thể thao".

"PTSD Eunny", một YouTuber mới lập kênh vào năm ngoái, chia sẻ trải nghiệm khi là nạn nhân sống sót sau khi bị cưỡng hiếp. Giống như tên gọi của kênh, Eunny cho biết cô mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Cảnh giác khi công khai danh tính

Ở Hàn Quốc, các nạn nhân của tội phạm và bệnh nhân tâm thần có ít nhất một điểm chung: đều bị xã hội kỳ thị.

Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi với 5.511 người Hàn Quốc từ 19 tuổi trở lên, 27,8% số người được hỏi đang bị hoặc từng mắc chứng rối loạn tâm thần. Nhưng chỉ 12,1% cho biết họ được điều trị do lo sợ bị kỳ thị.

Tình trạng này thường gắn liền với tỷ lệ tự tử cao ở nước này. Đối với người Hàn Quốc dưới 40 tuổi, nguyên nhân tử vong phổ biến nhất là tự tử, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố năm 2022.

 Ondoni Ssem công khai câu chuyện về bi kịch gia đình trên mạng xã hội.

Ondoni Ssem công khai câu chuyện về bi kịch gia đình trên mạng xã hội.

Dữ liệu cho thấy vào năm 2021, trung bình mỗi ngày có 37 người tự kết liễu đời mình - đây là con số lớn nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Sự kỳ thị của xã hội khiến các nạn nhân sống sót trong các vụ án, đặc biệt là những tội liên quan đến giết người trong gia đình hoặc tội phạm tình dục, phải lẩn trốn hoặc chuyển đến một nơi ở mới.

Đây cũng là lý do các đài truyền hình Hàn Quốc thường thay đổi giọng nói và che mặt họ.

Tuy nhiên, Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận thấy sự tiến bộ khi ngày càng nhiều nạn nhân lên tiếng thông qua nền tảng mạng xã hội.

"Đó là dấu hiệu tích cực cho thấy thái độ đối với nạn nhân tội phạm và bệnh nhân tâm thần ở Hàn Quốc đang dần thay đổi", Kwak nói trong một cuộc phỏng vấn.

"Một số người cảm thấy dễ dàng thảo luận cảm xúc của họ với người lạ hơn là với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè", cô nói thêm.

Jeon cho biết phản hồi tích cực từ người theo dõi cho đến nay đã khiến cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhiều hơn. "Sự giao tiếp và những thông điệp tích cực mang lại cho tôi sự can đảm để cởi mở".

Tuy nhiên, theo Kwak, mọi người cũng cần cảnh giác với những điều xấu có thể xảy ra khi thú nhận câu chuyện của mình trên mạng. Khi danh tính bị tiết lộ, họ có thể bị ghét hơn trên mạng xã hội, kẻ xấu có thể tiếp cận nạn nhân thông qua các lỗ hổng thông tin mà họ công khai.

"Đây không phải là buổi trị liệu một - một với bác sĩ. Nó là điều gì đó mới mẻ và hoàn toàn khác biệt, những người đang chia sẻ câu chuyện của bản thân phải nhận thức được điều đó", Kwak nhấn mạnh.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-don-khi-nan-nhan-song-sot-lai-bi-ca-xa-hoi-han-quoc-ky-thi-post1409366.html