'ĐẦU ĐỘC' SÔNG, SUỐI (*): Các địa phương đồng loạt vào cuộc

Cơ quan chức năng các địa phương vùng Đông Nam Bộ khẳng định sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường sông, suối

Sau loạt bài "Đầu độc" sông, suối" mà Báo Người Lao Động phản ánh, cơ quan chức năng các địa phương liên quan đã đưa ra nhiều cam kết và giải pháp để bảo vệ sông, suối.

Không để hệ lụy, không đánh đổi

Một trong những biện pháp mạnh được Tỉnh ủy Đồng Nai thống nhất chỉ đạo là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, tái chế chất thải, những cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, gia cầm.

Sông Đồng Nai đoạn gần Nhà máy Nước Biên Hòa. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh tỉnh không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không để hệ lụy cho tương lai con cháu sau này.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai, cho biết để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai và TP HCM cần tăng cường quan trắc, quản lý cho tốt, phối hợp các sở, ngành địa phương, kiểm soát những nguồn thải ở khu công nghiệp, hộ dân, chăn nuôi.

Kênh Rạch Bà đoạn qua phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối .Ảnh: BÍCH NGỌC

Cũng như Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương thực hiện những giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn như: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Suối Các, Châu Pha, Kim Long, Suối Nhum...

Bên cạnh đó, rà soát, kiên quyết di dời các cụm công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, sản xuất - kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng công bố danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết nhằm quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm an ninh, an toàn các nguồn nước, sở tập trung vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước, kịp thời đưa ra các cảnh báo để ứng phó, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Sở TN-MT tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường hướng dẫn người dân vùng nông thôn thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tuyệt đối không vứt bao bì, chai lọ ra môi trường tự nhiên, nhất là các sông, suối, kênh rạch.

Quản chặt nguồn thải, tuân thủ quy hoạch

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đánh giá trong những năm gần đây, số liệu quan trắc tại 2 trạm lấy nước từ sông Đồng Nai nhằm phục vụ cấp nước cho TP HCM có 4/19 chỉ tiêu bị ô nhiễm. Đó là chỉ tiêu về lượng cặn lơ lửng trong nước; lượng ôxy hòa tan trong nước cùng 2 chỉ tiêu khác liên quan đến vi sinh vật gây bệnh.

Theo ông Tuấn, giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ môi trường sông Đồng Nai là quản lý chặt nguồn thải. Bởi vì, bất kỳ ô nhiễm nào cũng khởi đầu từ phát thải. Hiện có rất nhiều nguồn thải chảy vào sông Đồng Nai. Trong đó có từ công nghiệp, nông nghiệp, đời sống sinh hoạt và từ nước mưa chảy tràn.

Hiện nay các nhà máy, khu công nghiệp tập trung ở sông Đồng Nai và lưu vực sông Đồng Nai đều đã có hệ thống xử lý nước thải và bảo đảm những quy định, điều kiện để thải ra môi trường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát, quản lý. Bởi lẽ, không thể tránh khỏi những trường hợp doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ mà sẵn sàng xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn lưu ý hệ thống xử lý nước thải của nhà máy nào cũng đạt tiêu chuẩn nhưng nếu số lượng các nhà máy, khu công nghiệp nhiều thì tải lượng nguồn thải vẫn tăng. Do đó, vẫn có nguy cơ làm tăng ô nhiễm cho sông Đồng Nai. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải làm tốt công tác quy hoạch. Cụ thể là phân bố hợp lý về số lượng lẫn loại hình các nhà máy, khu công nghiệp dọc theo sông Đồng Nai.

"Nguồn nước ở phía thượng nguồn chủ yếu dùng cho nhu cầu cấp nước, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn thì không được bố trí vào đó những nhà máy có mức độ xả thải nhiều, xả thải các chất ô nhiễm. Những nhà máy này phải đưa về vùng hạ lưu" - ông Tuấn đề xuất.

Theo ông Tuấn, điều rất đáng mừng là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này đã đưa ra các quy định về vấn đề thoát nước, xử lý nước thải. Cạnh đó là đặt ra quy định về các đô thị loại 3, loại 4 trở lên phải xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Đồng Nai. Do đó, các địa phương, ban ngành cần tuân thủ và thực hiện theo đúng quy hoạch đã đề ra.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-3

Đe dọa nguồn nước sinh hoạt

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), cho biết hiện nay tổng công suất thiết kế cấp nước sạch cho TP HCM đạt 2,4 triệu m3/ngày đêm từ các nguồn chính như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và nước ngầm.

Những năm gần đây, nguồn nước thô, đặc biệt nguồn nước từ các dòng sông cung cấp cho hoạt động xử lý nước, đang chịu nhiều tác động. Trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động từ các chất thải do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là nhánh sông Sài Gòn.

Do lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua nhiều tỉnh, thành khác nhau và qua các khu dân cư tập trung, khu sản xuất công - nông nghiệp nên nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm. Theo số liệu quan trắc chất lượng nước sông từ năm 1966 (đối với sông Đồng Nai) và năm 2004 (đối với sông Sài Gòn) thì chất lượng nước có dấu hiệu ngày càng xấu đi.

Cụ thể, đối với sông Sài Gòn, một số thông số thường xuyên vượt ngưỡng quy định về quy chuẩn nước mặt do Bộ TN-MT ban hành như: Hàm lượng hợp chất hữu cơ vượt khoảng 1,5-2 lần; hàm lượng hợp chất của nitơ (cụ thể amoniac) vượt ngưỡng khoảng 1,5-5 lần; hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng quy định khoảng 2-5 lần.

Trong khi đó, đối với sông Đồng Nai, chất lượng nước hiện có ô nhiễm nhưng ở mức nhẹ, chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý nước sạch của SAWACO. Các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh và hợp chất hữu cơ ở mức vượt ngưỡng quy định khoảng 1,1-1,3 lần.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 hồ chứa nước và 27 đập đang giữ nước. Tổng dung tích trữ của các hồ chứa theo thiết kế là 318,95 triệu m3, trong đó 12 hồ cấp nước sinh hoạt cần được bảo vệ là hồ Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa và hồ Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc); hồ Đá Bàng, Suối Các, Núi Nha, Châu Pha (thị xã Phú Mỹ)...

Trong số 30 hồ nước thì nguồn nước hồ Đá Đen, có dung tích khoảng 33,4 triệu m3 nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức được dùng để cấp nước sinh hoạt cho hơn 90% người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, hồ Đá Đen còn cung cấp nước hỗ trợ tưới cho nông nghiệp dọc bờ trái sông Dinh và đập Sông Xoài.

Theo Công ty CP Cấp nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hồ nằm ở địa hình trũng thấp của hạ nguồn 2 dòng chảy chính là sông Xoài, suối Lúp và một số suối nhỏ như suối Chích, suối Nhạc, suối Cơm cùng hệ thống kênh dẫn nước từ hồ sông Ray đổ về nên có nguy cơ ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau như ô nhiễm do hóa chất là nước thải của các nhà máy công nghiệp chảy vào; ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi từ các nhánh suối nhỏ chảy vào hồ và nguy cơ ô nhiễm từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do việc sử dụng các loại thuốc trong trồng trọt.

L.Vĩnh - B.Ngọc

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dau-doc-song-suoi-cac-dia-phuong-dong-loat-vao-cuoc-196240327195229766.htm