Đâu chỉ là chuyện đặt tên cho cây cầu

UBND TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đang lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên cho hai cây cầu bắc qua sông Hiếu vừa đưa vào sử dụng.

Cầu dây văng sông Hiếu được đề xuất hai phương án “Hoa Sen” hoặc “Hòa Bình”. Cầu-đập ngăn mặn sông Hiếu được đề xuất hai phương án “Thành Công” hoặc “28-4”. Với cái tên “Hòa Bình” được giải thích rằng, mảnh đất Quảng Trị nói chung, TP Đông Hà nói riêng đã gánh chịu nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh tàn phá nên càng thấm thía giá trị, ý nghĩa của hòa bình, phát triển; còn cái tên “28-4” có ý nghĩa kỷ niệm Ngày giải phóng Đông Hà (28-4-1972).

 Cầu dây văng sông Hiếu được đề xuất hai phương án “Hoa Sen” hoặc “Hòa Bình”. Ảnh minh họa: quangtritv.vn

Cầu dây văng sông Hiếu được đề xuất hai phương án “Hoa Sen” hoặc “Hòa Bình”. Ảnh minh họa: quangtritv.vn

Lâu nay, việc các cấp chính quyền tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định đặt tên cho công trình xây dựng dân sinh ở nước ta thật ra chưa nhiều. Do vậy, khi UBND TP Đông Hà triển khai lấy ý kiến về việc đặt tên cầu đã thu hút sự quan tâm lớn của nhân dân trên địa bàn. Nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức bày tỏ ý kiến, phân tích, bình luận cũng như đề đạt những phương án đặt tên khác cho hai cây cầu mới.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy giá trị của việc phát huy dân chủ ở cơ sở, thái độ trọng thị, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng người dân của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó cũng là cách để cấp ủy, chính quyền địa phương huy động trí tuệ, sáng kiến của nhân dân dù chỉ đối với việc đặt tên cho hai cây cầu.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu những tên đất, tên làng, tên đường, nhà máy, công xưởng cùng các địa danh gắn với truyền thống, văn hóa và cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, gìn giữ nền độc lập, tự chủ. Trong mạch nguồn truyền thống quý báu đó, tên hai chiếc cầu mới bắc qua sông Hiếu ở TP Đông Hà cũng sẽ lưu vào ký ức các thế hệ hôm nay và mai sau, mang nhiều ý nghĩa của một vùng đất chịu không ít đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chắc chắn với việc mở rộng dân chủ của cấp ủy, chính quyền TP Đông Hà thì việc lựa chọn cho mỗi cây cầu mới một cái tên là điều không quá khó, mà còn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Tuy nhiên, điều rất đáng bàn qua câu chuyện này không chỉ là cách thể hiện sự tôn trọng người dân của cấp ủy, chính quyền TP Đông Hà mà còn là hình thức phát huy và quy tụ được sức mạnh lòng dân.

Đây cũng chính là điều lý giải rằng, vì sao mảnh đất Đông Hà chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh mà vẫn hiên ngang, đứng vững, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Sức mạnh và sự đồng thuận của lòng dân tạo nên nguồn sống bất tận để Đông Hà, Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung vươn lên mạnh mẽ. Đó cũng chính là nguồn lực tinh thần, văn hóa rất quý giá cần được trân trọng, phát huy.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dau-chi-la-chuyen-dat-ten-cho-cay-cau-760854