Dấu ấn 'Thành đồng Tổ quốc'

Ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu, với khí thế "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ". Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2023), chúng ta tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh, quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Dân quân cứu nước Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (ảnh tư liệu- nguồn dangcongsan.vn)

Dân quân cứu nước Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (ảnh tư liệu- nguồn dangcongsan.vn)

Ngày 23/9/1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của tàn quân Nhật, 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn. Chúng đã đánh úp trụ sở UBND Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 02/9/1945, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.

Trước tình hình khẩn cấp, ngay sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã triệu tập cuộc họp tại Nhà số 629, phố Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Tham dự có các nhân vật quan trọng như: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng… Hội nghị phân tích âm mưu của thực dân Pháp và chủ trương phát động Nhân dân Nam Bộ kiên quyết kháng chiến chống xâm lược… Đồng thời nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến và trên thực tế, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã buộc phải đứng lên kháng chiến vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc.

Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ"; trong đó xác định: "Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng", và ra tuyên bố: "Cuộc kháng chiến bắt đầu!". Hội nghị quyết định: triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch. Hội nghị cũng thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do ông Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch.

Chiều 23/9/1945, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra tuyên cáo về sự kiện quân Pháp công nhiên đánh chiếm trụ sở Ủy ban hành chính Nam bộ và quốc gia tự vệ cuộc, đồng thời khẳng định quyết tâm kháng chiến của đồng bào Nam bộ. Cũng trong chiều ngày hôm đó, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường, vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn, Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Ngay trong những ngày đầu, Nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Tiêu biểu cho tinh thần "độc lập hay là chết" là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi một đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc- biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.

Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng theo dõi chặt chẽ diễn biến chiến trường miền Nam. Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước; thể hiện lòng tin đối với đồng bào Nam Bộ: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ.... Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà".

Tại Hà Nội, Đảng, Chính phủ vừa phải lo củng cố chính quyền cách mạng và ổn định đời sống Nhân dân, vừa phải lo đối phó với quân Tưởng và bè lũ tay sai nhưng Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam. Với khẩu hiệu “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam. Nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, các tướng lĩnh quan trọng được cấp tốc cử vào Nam như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn…; Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời, nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam Bộ đã thể hiện tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố. Chúng đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao.

Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào “Nam tiến” với khí thế hăng say chưa từng có. Chính vì lẽ đó, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam Bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Và ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Đáp “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ở trong lẫn ngoài nước đã tham gia kháng chiến. Những người con ưu tú của dân tộc như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Cao Xuân Huy, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Hữu Tước, Lê Đình Chi… bỏ gia sản, sự nghiệp, công danh để dấn thân vào bưng biền, núi rừng kháng chiến cứu nguy dân tộc.

Trước ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Nhân dân ta, kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn trong ba tuần của thực dân Pháp phá sản. Ngược lại, chúng bị đồng bào Nam Bộ vây hãm một tháng tròn trong thành phố. Đồng bào miền Nam đã cho thấy họ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của cả nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta; thực hiện chủ trương của Đảng cần phải tập trung đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam Bộ để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài miền Bắc.

Ý chí ngoan cường, hào khí Nam bộ kháng chiến tiếp tục được đồng bào Nam bộ phát huy với niềm tin sắt đá suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và ngay sau đó là chiến tranh chống đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm. Chung sức, đồng lòng, nhân dân Nam Bộ với niềm tin sắt đá cùng cả nước thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, đến Chiến dịch Mùa xuân lịch sử 1975 toàn thắng, thống nhất đất nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý được Bác Hồ tặng vào tháng 2/1946: "Thành đồng Tổ quốc".

A.T (tổng hợp)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/dau-an-thanh-dong-to-quoc-post56004.html