Dấu ấn cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường - người chèo lái nền kinh tế Trung Quốc vượt qua 'giông bão'

Tờ SCMP có những bài viết cho thấy, trong một thập kỷ giữ cương vị Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã chèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua 'giông bão', từ thời kỳ khó khăn do nợ chính phủ tăng tới căng thẳng thương mại với 'kỳ phùng địch thủ' Hoa Kỳ và đại dịch Covid-19.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời do một cơn đau tim vào sáng ngày 27/10. (Nguồn: Reuters)

thâp

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nghỉ hưu hồi đầu năm nay, đã qua đời sáng sớm ngày 27/10 sau một cơn đau tim đột ngột ở tuổi 68. Trong cáo phó chính thức, truyền thông nhà nước ca ngợi ông Lý Khắc Cường “là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước” và khẳng định sự ra đi của ông là một “mất mát to lớn” đối với Trung Quốc.

“Thủ tướng của nhân dân”

Vài giờ sau khi tin buồn được phát ra, hàng triệu người dân đã đăng tải trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc để tỏ lòng thành kính với vị “Thủ tướng của nhân dân”, một lãnh đạo chính phủ vốn gây ấn tượng với giọng nói nhẹ nhàng.

Tao Jingzhou, chuyên gia trọng tài quốc tế và là bạn cùng lớp của ông Lý Khắc Cường tại Đại học Bắc Kinh, cho biết ông đã rất bàng hoàng khi biết tin. “Khắc Cường đã rời xa chúng ta mãi mãi. Ông ấy chưa bao giờ để cho mình nhàn rỗi, người luôn khiêm tốn và bao dung vì người khác, vì lợi ích của đất nước. Sự ra đi của ông thật sự quá đột ngột”, ông Tao Jingzhou viết trên mạng xã hội X.

Jiang Mingan, Giáo sư Luật tại Đại học Bắc Kinh và là bạn học cũ của ông Lý Khắc Cường gọi nỗi đau trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Trung Quốc là “không từ ngữ nào có thể diễn tả được”.

Nhiều người từng tiếp xúc, trò chuyện với cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chia sẻ những bức ảnh về ông trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Đó là những bức ảnh ghi lại chuyến thăm Tứ Xuyên của ông ngay sau khi khu vực này bị tàn phá bởi trận động đất lịch sử năm 2013, hay chuyến thăm của ông tới một bệnh viện ở Vũ Hán vào cuối tháng 1/2020. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đến thăm tâm chấn của Covid-19 khi đại dịch bùng phát.

“Tôi thấy ấm lòng khi nhớ lại khoảnh khắc ông Lý Khắc Cường yêu cầu các nhân viên y tế ở Vũ Hán gọi điện về nhà mỗi ngày”, một người dùng mạng xã hội viết.

Thông thạo tiếng Anh, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường thường xuyên đại diện cho Trung Quốc tại các sự kiện quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU hàng năm. Đặc biệt, ông đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt với các lãnh đạo châu Âu, điển hình như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Một số đại sứ quán châu Âu tại Trung Quốc đã gửi lời chia buồn sâu sắc. Trên mạng xã hội X, Đại sứ Đức tại Trung Quốc Patricia Flor mô tả cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường là “một đối tác có giá trị, người đã định hình tích cực mối quan hệ song phương”.

Cuộc gặp cuối cùng của ông Lý Khắc Cường với người đồng cấp Đức là vào tháng 11 khi ông tiếp đón Thủ tướng Olaf Scholz tại Bắc Kinh. “Ông ấy sẽ luôn được ghi nhớ”, bà Flor viết.

Tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, người phát ngôn hàng đầu của chính phủ, cho biết cựu Thủ tướng Trung Quốc “đóng vai trò quan trọng” trong quan hệ song phương. Năm 2018, ông Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham gia cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ba bên. “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và cầu nguyện cho cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường”, ông Matsuno nói.

Tại Washington, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gửi lời chia buồn tới chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Thúc đẩy cải cách không mệt mỏi

Là Thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc có bằng cử nhân Luật và bằng Tiến sĩ Kinh tế, đều của Đại học Bắc Kinh danh giá, ông Lý Khắc Cường được nhớ đến vì những dấu ấn trong việc điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong một thập kỷ giữ cương vị Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã chèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua “giông bão”, từ thời kỳ khó khăn do nợ chính phủ tăng tới căng thẳng thương mại với “kỳ phùng địch thủ” Hoa Kỳ và đại dịch Covid-19.

Ông đã phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm - mức tối đa được hiến pháp Trung Quốc cho phép đối với chức vụ Thủ tướng. Cáo phó chính thức ca ngợi cựu Thủ tướng đã “hết lòng ủng hộ Sáng kiến ‘Vành đai - Con đường’ và chiến dịch xóa đói giảm nghèo - do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng. Ông Lý Khắc Cường cũng được ghi nhận vì những nỗ lực giúp cân bằng tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Trong năm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý đã đẩy mạnh chính sách kinh tế mà truyền thông nước ngoài gọi là “Likonomics”- không kích thích, giảm đòn bẩy tài chính và cải tổ cơ cấu.

Chính sách này được coi là biện pháp cho một nền kinh tế mất cân bằng với nợ chính phủ ngày càng tăng và đầu tư cơ sở hạ tầng quá mức. Ý tưởng của các biện pháp này là đánh đổi các khó khăn ngắn hạn của nền kinh tế để lấy lợi ích lâu dài.

Dễ gần và thực tế, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thúc đẩy không mệt mỏi các cải cách theo định hướng thị trường, đơn giản hóa các thủ tục của chính phủ và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các công ty tư nhân và nước ngoài.

Zhu Tian, Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc tại châu Âu nhận định: “Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết cải cách theo định hướng thị trường. Ông ấy là một người nói sự thật đầy lôi cuốn và là một thủ tướng rất được lòng dân”.

Năm 2013, khi ông Lý Khắc Cường chính thức nhậm chức Thủ tướng, Bắc Kinh thông qua những cải cách lịch sử để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực. Tiếp nối là một lộ trình cải cách chi tiết và kỹ lưỡng, dựa trên đó nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định trong một thập kỷ - dù ở mức trung bình chậm hơn (từ 5-6%) và tiếp cận ngưỡng các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 3 năm ngoái, ông từng tuyên bố “chính sách mở cửa của Trung Quốc sẽ không thay đổi, cũng như dòng chảy của sông Dương Tử và Hoàng Hà sẽ không bị đảo ngược”.

Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore nhớ lại: “Ông Lý Khắc Cường luôn gây ấn tượng với tôi vì rất tận tâm với sự phát triển của Trung Quốc, có trí tuệ tò mò, có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế và cách Trung Quốc có thể học hỏi từ các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý kinh tế”.

(theo SCMP)

Thạch Bích

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-an-cuu-thu-tuong-ly-khac-cuong-nguoi-cheo-lai-nen-kinh-te-trung-quoc-vuot-qua-giong-bao-247846.html