Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Phải mang hồn cốt quê hương, tiện cho dân

Trước phương án sáp nhập đơn vị hành chính, cùng với đó là nỗi lo làm lại giấy tờ, người dân miền Trung lo lắng mất đi tên gọi hồn cốt quê hương - nơi vốn in hằn trong kí ức mỗi người. Chính quyền có cách gì để làm tốt nhất điều này?

Lời Tòa soạn: Hiện nay, nhiều địa phương đang sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Châu chuyện đặt tên các đơn vị hành chính mới được nhiều người dân hết sức quan tâm. Khi sáp nhập, cách nào để giữ được tên làng cũ đã gắn bó bao đời với người dân nơi đó? Làm sao để những tên gọi mới không bị xa lạ làm mất đi hồn cốt quê hương…? PLO ghi nhận cách làm của một số tỉnh, thành miền Trung về việc này.

UBND TP Đà Nẵng vừa có phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 gửi Bộ Nội vụ. Đà Nẵng hiện có 45 phường và 11 xã, sau sắp xếp sẽ còn 36 phường, giữ nguyên 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Theo phương án này, TP xuất hiện một số tên phường mới khá lạ lẫm.

Tên cũ mất đi, tên mới lạ lẫm

Đơn cử như hai phường An Hải Đông và An Hải Tây (quận Sơn Trà) nhập lại thành phường An Hải Nam. Hai phường Tam Thuận và Xuân Hà (quận Thanh Khê) được sáp nhập lại thành phường Hà Tam Xuân.

Với phương án sáp nhập đơn vị hành chính trên, tại quận Hải Châu, hai phường Bình Thuận và Hòa Thuận Đông được sáp nhập, tên gọi mới dự kiến là phường Hòa Bình. Ba phường Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên cũng được sáp nhập với tên gọi dự kiến là phường Nam Bình Phước hoặc Nam Phước.

 Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, hai xã Sơn Lộc và Vạn Trạch thuộc huyện Bố Trạch sẽ có tên là xã Vạn Lộc. (Trong ảnh: Một góc xã Sơn Lộc) Ảnh: Bảo Thiên

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, hai xã Sơn Lộc và Vạn Trạch thuộc huyện Bố Trạch sẽ có tên là xã Vạn Lộc. (Trong ảnh: Một góc xã Sơn Lộc) Ảnh: Bảo Thiên

Tại Quảng Bình, có 25 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc diện sắp xếp và không thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện. Giai đoạn 2023-2025 xây dựng phương án sắp xếp 15 xã xuống còn 07 xã.

Cụ thể, thành lập xã Tân Thành trên cơ sở sáp nhập ba xã Hóa Phúc, Hóa Tiến và Hóa Thanh (huyện Minh Hóa); xã Vạn Lộc nhập từ hai xã Sơn Lộc và Vạn Trạch (huyện Bố Trạch); xã Hạ Mỹ nhập từ hai xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch); xã Lý Nam nhập từ xã Nam Trạch và Lý Trạch (huyện Bố Trạch); xã Phù Kinh nhập từ xã Phù Hóa và Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch); xã Tân Thủy nhập từ xã Quảng Tân và xã Quảng Thủy (thị xã Ba Đồn); nhập xã Lương Ninh vào thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh).

Còn tại Quảng Trị, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Quảng Trị đang được các địa phương triển khai thực hiện.

Theo phương án sáp nhập đơn vị hành chính của tỉnh này, xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) sẽ đổi thành tên mới là xã Triệu Cơ; xã Triệu An và xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) thành Triệu Tân; xã Linh Hải với xã Gio Sơn (huyện Gio Linh) sáp nhập thành Gio Sơn; Xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) với tên mới là thị trấn Cửa Việt; nhập xã Hải Quế với xã Hải Ba thành xã Hải Bình.

Việc lấy tên mới của nhiều địa phương trên dựa vào yếu tố lịch sử với tên gọi cũ, như tên xã Triệu Cơ vì ngày 17-8-1950 đã từng hợp nhất 14 xã của huyện Triệu Phong thành 10 xã lớn. Trong đó bao gồm vùng đất xã Triệu Sơn, Triệu Lăng… được nhập lại và lấy tên gọi là xã Triệu Cơ.

Tương tự lý do có tên mới là xã Gio Sơn vì năm 1992 xã Gio Sơn được chia tách thành ba xã Gio Sơn, Gio Hòa và Linh Hải. Giai đoạn 2019-2021, đã sáp nhập xã Gio Hòa với Gio Sơn và lấy tên xã là Gio Sơn. Nay sáp nhập thêm xã Linh Hải và vẫn giữ tên xã Gio Sơn, phù hợp với lịch sử trước khi chưa chia tách nên được nhiều người dân đồng tình.

Tiếc nuối tên gọi cũ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính

Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh này cũng vừa kết thúc việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đề án này, có năm phường ở TP Huế được thành lập mới trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập chín phường, xã hiện hữu.

 Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương, phường Thuận An, TP Huế, Thừa Thiên - Huế diễn ra vào dịp đầu năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương, phường Thuận An, TP Huế, Thừa Thiên - Huế diễn ra vào dịp đầu năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Trao đổi với PLO, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho biết: “Tinh thần là chúng ta phải nghiên cứu kỹ quá trình lịch sử trải qua các thời kỳ của các vùng đất với tên gọi đặc trưng nhất định. Để từ đó đưa ra nhiều phương án có cơ sở khoa học, thực tiễn rồi chúng ta tổ chức lấy ý kiến người dân”.

Ông Định cho hay sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, có tên gọi mới, nhiều người dân bày tỏ tâm tư khi một số địa phương mất luôn tên địa phương của mình. Tuy nhiên, khi mình làm có cơ sở khoa học, lịch sử, thực tiễn một cách đầy đủ thì người dân sẽ ủng hộ dù có một số tiếc nuối với tên gọi cũ.

Để được sự đồng thuận của người dân với phương án sáp nhập đơn vị hành chính, theo ông Định, cách thức của TP Huế làm là công khai, minh bạch, dân chủ. Cụ thể:

“Đối với TP Huế, trước khi chọn tên để đưa ra khảo sát ý kiến của nhân dân thì ban thường vụ phải họp, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tham gia trong đề án để bàn bạc.

 Tại làng Dương Nỗ thường diễn ra các hoạt động tri ân những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc.

Tại làng Dương Nỗ thường diễn ra các hoạt động tri ân những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc.

Khi đưa ra các phương án sáp nhập đơn vị hành chính, cái quan trọng nhất là chúng ta phải giải thích cho người dân hiểu được vì sao phải chọn tên đó. Cái giải thích này rất quan trọng, vì có nhiều người chưa đồng ý khi chưa nghe chúng ta giải thích nhưng giải thích rồi thì họ rất đồng tình” – Bí thư Thành ủy Huế nói.

Tới đây, TP Huế thực hiện việc việc thành lập các phường mới trên cơ sở sáp nhập một số phường hiện hữu. Ông Định cho biết việc này không quá khó khăn vì có các địa phương được sát nhập lại nhưng trước đây đã cùng một xã.

“Đặc biệt có Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương, ba địa phương này ban đầu cũng có một số băn khoăn trong việc đặt tên. Nhiều người đề xuất là Tam Phú, Thanh Mậu Dương nhưng sau đó lại chọn Dương Nỗ. Đây là địa danh khá nổi tiếng trong ba địa danh này; là nơi lớn lên trưởng thành của Bác Hồ, cũng như nơi đây có nhiều di tích lịch sử truyền thống” – ông Định nói.

 Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, TP Huế.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, TP Huế.

Trao đổi với PLO, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng nhận định cách đặt tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là vấn đề lớn, cần phải bàn tính kỹ lưỡng trên các góc độ khác nhau, trong đó có yếu tố lịch sử.

Ông Tiếng nêu quan điểm: "Ví như việc sáp nhập phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2 (quận Hải Châu) thành phường Hải Châu 1 là do chính quyền TP ngại việc tên phường trùng với tên quận. Nhưng rất nhiều tỉnh có tên đơn vị hành chính trùng như vậy, như TP Quảng Ngãi của tỉnh Quảng Ngãi, TP Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh, TP Nam Định của tỉnh Nam Định… Điều này cũng góp phần giảm rắc rối giấy tờ liên quan.

 Đà Nẵng hiện có 45 phường và 11 xã, sau sắp xếp sẽ còn 36 phường, giữ nguyên 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Ảnh: Lê Phi

Đà Nẵng hiện có 45 phường và 11 xã, sau sắp xếp sẽ còn 36 phường, giữ nguyên 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Ảnh: Lê Phi

Theo ông Tiếng, có rất nhiều cách để đặt tên đơn vị hành chính mới, phổ biến nhất là lấy từ đầu và từ cuối để ghép lại. Đó cũng là cách mà Đà Nẵng dự kiến đặt các tên phường mới như phường Nam Bình Phước, phường Hòa Bình.

“Quan điểm của tôi là làm sao giữ được yếu tố lịch sử. Tên phường mới phải giữ được một đến hai từ tố cổ xưa liên quan đến vùng đất. Nếu nhập hai phường lại với nhau thì nên giữ nguyên một tên phường mà tên đó có từ tố liên quan đến phường kia, đây là phương án tốt nhất, cũng tránh xáo trộn giấy tờ” - ông Tiếng nói.

Ông Tiếng dẫn chứng trường hợp nhập hai phường Tân Chính và Chính Gián (quận Thanh Khê) thì không nên gọi đơn vị hành chính mới là Tân Chính Gián mà chỉ cần gọi Chính Gián là đủ. Bởi Tân Chính vẫn còn từ tố Chính, còn từ tố Gián gợi nhớ đến đình Thạc Gián trên địa bàn phường.

Lo lắng bị hành vì thủ tục giấy tờ

Theo ông Nguyễn Văn Ban, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Tiên Phước (Quảng Nam), huyện có xã Tiên Cẩm, Tiên Sơn thuộc diện phải sắp xếp lại dự kiến sau sáp nhập sẽ lấy tên xã Tiên Sơn Cẩm.

“Tên gọi Tiên Sơn Cẩm phù hợp với tên gọi của các xã thuộc huyện Tiên Phước là dùng chữ Tiên ở đầu của tên gọi, không trùng tên với các xã, thị trấn còn lại. Đảm bảo việc giữ lại một phần tên gọi của hai xã sẽ làm hài lòng tâm tư, tình cảm của người dân hai xã sau khi sáp nhập” - ông Ban nói và cho biết phương án này mới chỉ là dự thảo, chưa lấy ý kiến người dân.

 Huyện Tiên Phước có hai xã Tiên Cẩm, Tiên Sơn dự kiến sau sáp nhập sẽ lấy tên xã Tiên Sơn Cẩm. Ảnh: Thanh Nhật

Huyện Tiên Phước có hai xã Tiên Cẩm, Tiên Sơn dự kiến sau sáp nhập sẽ lấy tên xã Tiên Sơn Cẩm. Ảnh: Thanh Nhật

Cũng theo ông Ban, tác động tích cực từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, chi ngân sách… nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cán bộ, công chức và nhân dân ở các xã liên quan.

“Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có lộ trình, kế hoạch để thực hiện việc thay thế các giấy tờ cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có sự sắp xếp, xáo trộn trong việc giải quyết công việc theo địa bàn mới” - ông Ban thông tin.

Ông Đoàn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn, cho hay: “Hiện nay mới chỉ dự thảo, chưa tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, khả năng nhân dân xã Tiên Sơn sẽ không đồng tình với phương án đặt vị trí hành chính tại xã Tiên Cẩm (sau khi sáp nhập) và tên gọi. Do phải làm thủ tục thay đổi thông tin các loại giấy tờ”.

 Trụ sở xã Tiên Sơn

Trụ sở xã Tiên Sơn

Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam nói hiện nay tỉnh mới có phương án sắp xếp đơn vị hành chính, chưa cụ thể hóa thành đề án. Theo phương án, tỉnh Quảng Nam có hai đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 là huyện Hiệp Đức và Nông Sơn. Trong đó huyện Hiệp Đức có yếu tố đặc thù nên không sắp xếp. 14 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, trong đó có 04 xã đặc thù không thực hiện sắp xếp.

Tại Quảng Bình, người dân vẫn còn đó một số băn khoăn về việc thực hiện các thủ tục giấy tờ, chính sách sau khi sáp nhập hai xã.

“Khi thực hiện sáp nhập, người dân sẽ phải thay đổi một số giấy tờ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến thay đổi các giấy tờ có liên quan” - ông Hoàng Đình Sung, ngụ tại xã Quảng Thủy cho biết.

Trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình đề nghị không thực hiện sắp xếp 11 đơn vị hành chính nhằm giữ gìn, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử.

 Đơn cử như xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy là xã có lịch sử lâu đời, bao gồm hai làng cổ hình thành từ thế kỷ XV. Xã Lộc Thủy còn có bề dày truyền thống cách mạng, là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tiến sĩ Dương Văn An. Xã này cũng được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1999...

Đơn cử như xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy là xã có lịch sử lâu đời, bao gồm hai làng cổ hình thành từ thế kỷ XV. Xã Lộc Thủy còn có bề dày truyền thống cách mạng, là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tiến sĩ Dương Văn An. Xã này cũng được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1999...

Không khí căn nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi dịp con em quê hương ở xa và du khách về thăm. Ảnh: BẢO THIÊN

 Chân dung ông Võ Đại Hàm - Người gần 50 năm qua "giữ lửa" Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: BẢO THIÊN

Chân dung ông Võ Đại Hàm - Người gần 50 năm qua "giữ lửa" Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: BẢO THIÊN

Cần tổ chức lấy ý kiến của người dân địa phương

Danh sách cử tri được niêm yết tại các Nhà văn hóa thôn. Ảnh: CTV

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết lấy ý kiến cử tri là việc rất quan trọng, trong đó có việc đặt tên mới cho các xã sau khi sáp nhập. Tên của xã mới thành lập sau sáp nhập phải có ý nghĩa, phù hợp với nguyện vọng của cử tri.

Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Tiên Phước (Quảng Nam) Nguyễn Văn Ban cho hay: “Quan trọng nhất bây giờ là phải lấy ý kiến người dân hai xã. Nếu đảm bảo 50% trở lên thống nhất thì đặt tên mới như dự kiến. Còn người dân không đồng ý thì phải tính toán đến phương án khác đảm bảo hài hòa”.

Tên gọi mới phải đảm bảo tiêu chí nào?

Theo Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau khi sắp xếp.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dat-ten-lang-xa-khi-sap-nhap-phai-mang-hon-cot-que-huong-tien-cho-dan-post788580.html