Đất mẹ đón anh về

Để làm nên dáng hình đất nước hôm nay đã có hàng nghìn người lính ngã xuống trong hành trình bảo vệ Tổ quốc, thấm máu đào vào đất cho hồn thiêng núi sông bất tử muôn đời.

Trong số đó có biết bao thế hệ thanh niên của Lào Cai lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cống hiến tuổi trẻ, máu xương cho đất nước hòa bình. Và mãi đến hôm nay, sau mấy chục năm đất nước im tiếng súng, có những liệt sỹ mới được trở về với đất mẹ quê hương.

“Mẹ tôi cứ ngóng đợi ngày đất nước bình yên sẽ được đón anh trở về, nhưng chỉ vài tháng sau ngày đất nước thống nhất, thứ mẹ nhận được là một tờ giấy báo tử, trên đó có ghi tên con mình: “Liệt sỹ Phạm Văn Rư, hy sinh ngày 28/4/1975 tại mặt trận phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc”. Mẹ đau xót quá vì chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa thôi là cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập rồi, thế nhưng anh đã không đợi được đến thời khắc thiêng liêng ấy. Còn mẹ tôi cả đời canh cánh một tâm nguyện nhưng cũng không đợi được ngày đón anh về”.

Ông Phạm Văn Thịnh, thôn Nam Hải, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, là em trai liệt sỹ Phạm Văn Rư không thể giấu được xúc động khi kể về câu chuyện của gia đình. Gần 50 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh về người anh trai Phạm Văn Rư vẫn chưa khi nào mờ phai trong tâm trí ông. Đó là con người hiền lành, điềm đạm, ít nói nhưng rất tình cảm đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào thời điểm kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Tháng 10/1974, anh Rư lên đường nhập ngũ vào Lữ đoàn tăng thiết giáp 202 (Quân đoàn 1). Sau một thời gian huấn luyện, anh được biên chế về Đại đội 10 của Lữ đoàn, làm nhiệm vụ trinh sát tình hình địch, tình hình đường sá để dẫn đoàn quân xe tăng của Lữ đoàn tiến vào cùng các đơn vị bạn chiến đấu, giải phóng miền Nam. Ngay trước thềm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, anh cùng 16 chiến sỹ khác trên chuyến xe trinh sát đã anh dũng hy sinh.

Vài tháng sau, giữa lúc gia đình chờ anh về sau ngày giải phóng thì giấy báo tử của anh được gửi tới nhà, bố ông Thịnh lặng im, còn mẹ ông khụy ngã. “Nghĩa trang của đơn vị gần mặt trận”, nơi mai táng liệt sỹ ghi trên giấy báo tử là một địa chỉ mơ hồ, xa xôi mà gia đình chưa một lần nghe và biết tới. Nỗi đau chưa nguôi thì trong những ngày sơ tán khi chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 xảy ra, giấy báo tử - kỷ vật cuối cùng có liên quan đến anh trai ông cũng thất lạc. Hơn 10 năm sau, qua nghe thông tin từ những người đồng đội cũ, gia đình nhờ người thân ở Đắk Nông tìm đến Nghĩa trang thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để xác nhận thông tin và biết được mộ phần anh trai đang ở đó, nhưng vì hoàn cảnh khi ấy, nên gia đình chưa thể vào thăm.

Năm 2019, trước khi mẹ liệt sỹ Phạm Văn Rư mất có để lại tâm niệm đón anh về quê hương, về với mẹ. Năm 2021 là lần đầu tiên ông Phạm Văn Thịnh đi tìm mộ phần anh trai. Ngày vào tới nghĩa trang, dù thông tin trên mộ phần có sai lệch, ghi nhầm tên liệt sỹ Phạm Văn Rư thành tên anh trai là Phạm Văn Dự, trú quán huyện Bảo Thắng ghi nhầm là Bình Thắng, tỉnh Lào Cai nhưng linh cảm khiến ông Thịnh khẳng định đây chính là mộ phần của anh trai mình. Sau đó, ông có làm đơn gửi các đơn vị chức năng để đính chính thông tin trên bia mộ. Một năm sau, ông Thịnh lại một lần nữa vào nghĩa trang này để thực hiện di nguyện của mẹ và mong muốn của đại gia đình, đó là đón liệt sỹ Phạm Văn Rư về với mẹ, về với gia đình, quê hương sau gần 50 năm xa cách.

Một sáng trung tuần tháng 11/2022, UBND xã Sơn Hải phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện Bảo Thắng, cùng gia đình đã tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ Phạm Văn Rư tại Nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Phố Lu. “Bao nhiêu năm qua, người thân chỉ biết thắp vọng anh vào ngày giỗ ghi trên giấy báo tử, ngày Thương binh - Liệt sỹ và ngày tết, nhưng từ nay trở đi, anh được về với quê hương rồi, anh em, con cháu có thể đến thăm, chăm sóc mộ phần của anh. Nỗi niềm canh cánh của gia đình tôi đã vơi đi nhiều phần”, ông Thịnh trải lòng.

Và cũng chỉ trước ngày đón liệt sỹ Phạm Văn Rư về ít hôm, ngày 14/11/2022, Nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Phố Lu cũng có thêm một mộ phần của liệt sỹ Trần Văn Quang - người con của quê hương Bảo Thắng đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ Trần Văn Quang tại Nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng.

Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ Trần Văn Quang tại Nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng.

“Ngày tiễn em lên đường, anh em tôi người 19, người 24 tuổi. Ngày đón em về, tôi gần 70 tuổi, em tôi sau hơn 40 năm xa nhà, ngày trở về vẫn chỉ dừng lại ở tuổi đôi mươi. Nhưng… em về là tốt rồi”, những lời tâm sự nghẹn ngào được bật ra cùng tiếng nức nở của ông Trần Văn Chiến, anh trai liệt sỹ Trần Văn Quang cứ vậy vang lên trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng.

Tháng 7/1977, thanh niên Trần Văn Quang hăng hái lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741. Trong lúc đang làm nhiệm vụ chiến đấu anh đã anh dũng hy sinh vào ngày 7/3/1979, an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ thuộc xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Không có bất cứ di vật nào về em trai, thứ mà gia đình ông Chiến giữ suốt bao năm nay là tờ giấy báo tử. Cũng từ thông tin ghi trên đó, cách đây 5 năm, khi sức khỏe ổn định đôi phần, ông Chiến lần đầu tiên rời quê hương lên đường tìm thăm mộ phần em trai.

Đến tận lúc cuối đời, mẹ liệt sỹ Trần Văn Quang vẫn đau đáu nỗi niềm tìm và đưa hài cốt con trai về quê hương. Mấy năm nay, khi sức khỏe ông Chiến ổn định hơn, suy nghĩ đón em về càng thôi thúc mãnh liệt, bởi ông sợ mỗi năm qua đi, tuổi cao, sức yếu, ông khó mà thực hiện được tâm nguyện ấy. “Giờ em tôi được về gần nhà rồi, người thân có thể đến thắp hương cho em dịp giỗ, tết, các con, cháu trong gia đình hiểu được truyền thống, không bao giờ quên công ơn của ông cha và các anh hùng liệt sỹ”, ông Chiến nói.

Ông Trần Văn Chiến luôn cất giữ cẩn thận giấy báo tử của em trai mình - liệt sỹ Trần Văn Quang.

Ông Trần Văn Chiến luôn cất giữ cẩn thận giấy báo tử của em trai mình - liệt sỹ Trần Văn Quang.

Những chàng trai tuổi đôi mươi năm xưa, mang trên mình hành trang là tuổi trẻ phơi phới đầy sục sôi, cùng tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã gác lại niềm riêng, xa gia đình, xa quê hương để lên đường nhập ngũ, kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hôm nay, khi đất nước bình yên, các anh trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, trong sự xúc động và vòng tay đầy hơi ấm của gia đình, đồng đội, về với đất mẹ quê hương bao dung, hiền hòa. Không chỉ là mùa xuân đầu tiên đất mẹ đón anh về sau bao năm xa cách mà từ nay về sau, những mùa vọng tri ân, tưởng nhớ các anh không còn xa xôi nữa, bao đau đáu, dằn vặt của thân nhân liệt sỹ được nguôi ngoai đôi phần. Việc hương khói, tri ân các anh của gia đình, chính quyền địa phương, đồng đội cùng thế hệ trẻ sẽ được thực hiện một cách vẹn tròn cho những người con quả cảm của mảnh đất quê hương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363224-dat-me-don-anh-ve