Đặt lọp trên sông Cái Lớn

Quê tôi có những hàng dừa nước thẳng tắp. Theo con nước đong đầy của dòng sông Cái Lớn (Kiên Giang), những lớp phù sa hội tụ bồi đắp cho vùng đất này thêm màu mỡ. Nằm dưới tán rừng dừa nước rợp mát, lớp phù sa dồi dào nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên đã tạo môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài cá, tôm trú ngụ và sinh sôi. Những nghề đánh bắt thô sơ của người dân cũng hình thành tự bao đời và gắn với tâm trí bao người con sinh ra và lớn lên nơi quê hương bên dòng Cái Lớn.

Khi tôi lớn lên đã thấy ông tôi hàng ngày chăm chút những chiếc lọp và làm mồi để đặt tôm càng trên sông Cái Lớn. Tôi thường nghe ông kể trong xóm ngày xưa có gần chục hộ làm nghề này nhưng giờ do tôm càng trong tự nhiên ngày càng ít, đặt không được bao nhiêu nên đều chuyển nghề.

Chẳng biết việc đặt lọp tôm có từ khi nào nhưng sự hình thành của nó cũng thuận theo tự nhiên như những nghề đánh bắt thô sơ khác. Người dân quê tôi quan sát những chỗ tôm thường trú ngụ và thức ăn tôm càng yêu thích, từ đó nghĩ ra nhiều cách bẫy tôm như đặt nò, câu tôm, đặt lọp, quăng chài…

Tôm càng thích sống trong điều kiện nước ngọt hoặc nước lợ, năm nào sông Cái Lớn nước mặn nhiều hơn thì năm đó ít tôm. Mùa tôm càng trên sông Cái Lớn quê tôi chia làm 2 đợt, từ tháng 6-9 và từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau (âm lịch).

Người dân đi thăm lọp tôm ven sông Cái Lớn.

Lọp đặt tôm càng có nhiều loại, ở một số nơi người ta dùng loại lọp có hình trụ tròn, đan bằng những sợi trúc mỏng, ở vùng ven sông Cái Lớn thuộc xã Hòa Chánh (U Minh Thượng) quê tôi trước đây có dùng loại lọp như vậy nhưng về sau người ta thay thế bằng loại lọp được đan bằng tre và bao lưới xung quanh để tiết kiệm thời gian làm lọp.

Lọp đặt tôm có cấu tạo giống như lọp đặt cá lóc nhưng lọp tôm khi đặt cần có mồi dẫn thì tôm mới chui vào. Mồi dẫn dụ tôm là những miếng cơm dừa béo ngậy, tỏa hương thơm tự nhiên thu hút tôm càng.

Thường buổi sáng nước lớn, chiều nước ròng nên ông tôi đợi con nước vừa ròng mới đi đặt lọp. Đặt lọp tôm không khó nhưng phải tìm những chỗ nước sâu cạnh các bập dừa nước, nơi có dòng nước chảy thường xuyên, đó là kinh nghiệm đặt lọp tôm của ông tôi cùng các chú, các bác trong vùng.

Đặc tính của tôm càng là bơi ngược dòng nước nên khi đặt quay miệng lọp xuôi theo hướng nước, mùi thơm của cơm dừa sẽ theo dòng nước lan tỏa dẫn dụ đàn tôm. Tôm thường kiếm ăn vào ban đêm nên buổi chiều khi đặt lọp xong phải chờ đến sáng hôm sau mới thăm được.

Mỗi khi đặt lọp xong, trên đường bơi xuồng về, ông tôi thường bơi gần các rặng dừa nước để tìm bắt sản vật trên dòng sông Cái Lớn. Nhờ xen kẽ những tháng nước mặn, nước ngọt trong năm mà dòng sông Cái Lớn quê tôi mang đến nguồn sản vật phong phú. Khi thì ông mò được mấy con cá bống trong bập dừa, khi thì mớ vọp, mớ ốc đinh, ốc quắn làm cho bữa cơm đa dạng món ngon.

Mâm cơm quê với những sản vật từ sông Cái Lớn và những món ngon từ tôm càng xanh.

Những buổi chiều lộng gió, tiếng lá dừa nước xào xạc, bên bình trà nóng hổi, ông tôi thường cùng các chú, các bác trong xóm chuyện trò, sẻ chia những buồn vui trong nghề. Mặc dù mỗi người mỗi việc, người giăng câu cá chẽm, người đặt nò, đặt lọp tôm, người giăng lưới, người chài cá, đặt lọp cá bống dừa… nhưng tất cả đều chung nỗi nhớ nghề, biết ơn thiên nhiên đã ban cho quê hương nguồn sản vật dồi dào giúp họ mưu sinh.

Ông tôi kể, ngày xưa tôm càng trong tự nhiên nhiều, đặt lọp tôm trúng lắm, mỗi bữa thăm lọp có khi thu hoạch cả chục ký tôm càng. Nghe tiếng tôm càng búng tách tách trong lọp thú vị vô cùng. Bây giờ thăm mấy chục cái lọp có khi chỉ được hơn chục con tôm.

Không riêng gì tôm càng mà các sản vật khác cũng ngày càng hiếm bởi một số ngư dân dùng ngư cụ mang tính tận diệt để đánh bắt. Nguồn sản vật giảm ảnh hưởng đến đời sống ngư dân. Đối với họ, những mùa đầy ắp cá, tôm như ngày xưa và nghề đặt lọp tôm chỉ còn trong ký ức.

Tôm càng xanh trong tự nhiên ngày càng hiếm và nhu cầu cung ứng cho thị trường nhiều nên mô hình nuôi tôm càng xanh được nhân rộng ở vùng Miệt Thứ. Người dân nuôi tập trung trong vuông hoặc thả ở các đường mương quanh ruộng lúa. Tôm càng nguồn dinh dưỡng cao, lại có giá giúp người nuôi tôm thu nhập ổn định.

Dòng sông Cái Lớn bao năm vẫn đong đầy, vẫn đem bao hạt phù sa bồi lắng, những hàng dừa nước vẫn xanh màu, thẳng tắp vươn lên, nhưng những mùa cá, tôm đầy ắp xuồng, ghe đã lùi dần vào ký ức. Nghề lọp tôm cũng mai một theo thời gian nhưng những kỷ niệm với nghề luôn đong đầy trong ký ức của ông tôi không phai mờ.

Bài và ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/doi-song/dat-lop-tren-song-cai-lon-16107.html