'Đất lành' của những người giàu nhất thế giới

Bernard Arnault của LVMH và Françoise Bettencourt-Meyers của L'Oreál lần lượt được vinh danh là người đàn ông và phụ nữ giàu nhất thế giới.

Khi thống kê những người giàu nhất thế giới được Forbes công bố, phóng viên New York Times đã để ý rằng Pháp, quốc gia đang ngập trong các cuộc bạo loạn về bất bình đẳng thu nhập, cũng chính là nơi có người đàn ông và phụ nữ giàu nhất thế giới: Bernard Arrnault, giám đốc điều hành đế chế xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, và Françoise Bettencourt-Meyers, người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm toàn cầu L’Oreál.

Tổng tài sản của hai người lên đến 300 tỷ USD, theo thống kê mới nhất của Forbes.

Ông Arnault, 74 tuổi, sở hữu cho mình chuỗi 75 thương hiệu toàn cầu, bao gồm túi xách Louis Vuitton, trang sức Tiffany & Co., thời trang Christian Dior và mỹ phẩm cao cấp Sephora, vượt qua cả những gã công nghệ khổng lồ Mỹ với khối tài sản ước tính trị giá 211 tỷ USD, tính đến ngày 10/3, khi Forbes kiểm tra các số liệu.

Bernard Arnault, giám đốc điều hành của tập đoàn xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, có khối tài sản ước tính khoảng 211 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Bà Bettencourt-Meyers, 69 tuổi, dẫn đầu danh sách những người phụ nữ giàu nhất thế giới của Forbes trong 3 năm liên tiếp, với giá trị tài sản ròng ước tính 80,5 tỷ USD. Là cháu gái của người sáng lập L’Oreál, bà có chân trong hội đồng quản trị của công ty và cùng với chồng đưa ra nhiều quyết định chi phối tập đoàn. Các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế của công ty bà bao gồm Kiehl's, Lancôme, Maybelline New York và Essie.

Những con số đáng kinh ngạc

Theo The New York Times, đây là những con số đáng kinh ngạc, bao gồm việc nhiều tỷ phú tự mình sở hữu cổ phiếu công ty, một minh chứng cho thấy sức sống mãnh liệt của giới siêu giàu trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khi rõ ràng người có tiền vẫn vung tay mua sắm xa xỉ phẩm - đặc biệt là sau những đợt giãn cách xã hội. Doanh thu toàn cầu của L’Oreál đã đạt hơn 38 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi LVMH đạt doanh thu kỷ lục ở mức 80 tỷ USD.

Françoise Bettencourt-Meyers, người thừa kế thương hiệu mỹ phẩm L’Oreál, đạt doanh thu 38 tỷ USD vào năm ngoái. Ảnh: The New York Times.

Luca Solca, trưởng bộ phận phân tích hàng xa xỉ tại Bernstein, cho biết: “Ngày càng có nhiều người đổ xô mua hàng xa xỉ sau các đợt giãn cách Covid-19. Những người thu nhập tầm trung đang phải khó khăn cầm chừng. Nhưng những người thu nhập cao hơn vẫn mạnh tay chi tiêu trên mọi mặt trận, và người giàu hầu như không chịu ảnh hưởng”.

Mặt khác, năm vừa qua, các công ty công nghệ lớn phải đối mặt tình hình kinh doanh ảm đạm khi lãi suất tăng vọt, lạm phát cao và điều kiện kinh tế không ổn định. Tăng trưởng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch dẫn đến tình trạng sa thải lượng lớn nhân viên và sự giảm sút gần 30% của cổ phiếu công nghệ vào năm ngoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của Elon Musk, chủ sở hữu của Twitter và Tesla, và chủ tịch điều hành Amazon Jeff Bezos. Musk trượt xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng của Forbes, với khối tài sản ước tính 180 tỷ USD, và ông Bezos đứng thứ 3 với 114 tỷ USD.

Từ xếp hạng đến bạo loạn

Bảng xếp hạng của Forbes đã tạo nên tranh cãi tại Pháp về vấn đề bất bình đẳng thu nhập, hay liệu giới siêu giàu có đang trả quá ít thuế hay không.

Pháp vẫn đang chìm trong hỗn loạn, khi các cuộc đình công và biểu tình trên phố đang ngày càng tồi tệ hơn, tất cả để phản đối dự luật hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64. Nhưng các cuộc biểu tình trên khắp đất nước này cũng sẽ trở thành tụ điểm tập hợp cho những biểu tình vì phân cấp giàu nghèo ngày càng rõ ràng. Theo Cơ quan Thống kê Pháp Insee, 10% người giàu nhất đang nắm giữ gần 80% tổng tài sản tại Pháp.

Nhiều người tham gia biểu tình đã biến ông Arrnault trở thành mục tiêu, sử dụng những tấm áp phích và hình ảnh không đẹp mắt của tỷ phú để chỉ ra vấn đề đang nổi cộm cần chú ý tới của đất nước này.

"Ông Arnault đang được coi là hiện thân của giới siêu giàu”, Philippe Escande, nhà bình luận kinh tế tờ Le Monde, cho hay. “Nhưng Pháp là một quốc gia mà bình đẳng - trong 'tự do, bình đẳng, bác ái' - rất được xem trọng, đã từ thời cách mạng rồi”, ông nói. “Lần này là vấn đề tiền bạc”.

Cùng với sự tăng trưởng tài sản của ông Arnault, LVMH xuất hiện trong mọi ngõ ngách trung tâm Paris: Khắp thành phố, các bảng quảng cáo cao bốn tầng đều là các thương hiệu của LVMH. Đại lộ Champs-Élyseés nổi bật với tòa nhà Dior đồ sộ đang được tân trang, bên cạnh là cửa hàng hàng đầu của Louis Vuitton.

Vào hôm 5/4, một ngày trước các cuộc biểu tình mới, liên đoàn lao động CGT đã căng một biểu ngữ trên đỉnh Khải Hoàn Môn, trong tầm mắt các cửa hàng của ông Arnault, lên án dự luật hưu trí. Giới phê bình nhận định việc đánh thuế người giàu cao hơn có thể đổ vào khoản lương hưu, tránh được việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Lời biện hộ của tỷ phú

Ông Arnault phản bác lại, chỉ ra công ty của mình đã thuê 40.000 nhân công trên khắp thế giới vào năm 2022 và đầu tư 5 tỷ EUR (5,5 tỷ USD) vào các cửa hàng và xưởng mới ở Pháp.

Ông cũng chuẩn bị để giữ cho đế chế của mình trở thành công ty gia đình qua nhiều thế hệ. Như những động thái đắt giá trong cú hích “Kế nghiệp” của Netflix, ông Arnault nỗ lực giữ chức đến năm 80 tuổi, và vào năm ngoái, ông đã lần lượt đặt 5 người con mình vào các vị trí chiến lược trong công ty, thiết lập một trận chiến xem ai có thể thế chỗ mình.

Nhìn chung, danh sách của Forbes cho thấy hầu hết tỷ phú châu Âu vẫn thu lợi nhuận từ các lĩnh vực truyền thống như hàng xa xỉ, bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm và các công ty công nghiệp. Hầu như không có tỷ phú trong danh sách là giám đốc công nghệ, phần lớn trong số họ đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Ông Escande cho biết: “Trong 2 hoặc 3 năm nữa, công nghệ có thể sẽ trở lại” ở vị trí đầu bảng danh sách những người giàu nhất, phản ánh sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Mỹ và Trung Quốc.

Ở châu Âu, “vẫn chưa thứ gì có thể so sánh được với Apple, Amazon, Netflix hay Google”, ông lưu ý, “ngay cả khi cố gắng thêm 20 năm nữa”.

Phú Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dat-lanh-cua-nhung-nguoi-giau-nhat-the-gioi-post1419391.html