Dặt dìu tiếng khèn Mông

Dân tộc Mông ở Lai Châu cư trú chủ yếu tại các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Tam Đường. Cũng như các dân tộc khác, trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào Mông đã chế tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần của dân tộc mình. Trong đó, khèn là nhạc cụ độc đáo, đặc trưng gắn với văn hóa, đời sống của người Mông. Tiếng Khèn thay lời muốn nói, thổ lộ tâm tình... góp phần tạo nên những thanh âm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Khèn Mông truyền thống được ghép bằng 6 ống trúc được đục lỗ cùng xuyên qua bầu gỗ, những vết hở trên thân khèn thường được vá bằng nhựa đào. Để cố định các ống nứa, nghệ nhân chế tác thước thắt bằng những sợi mây, giúp kết cấu cây khèn thêm chắc chắn và đảm bảo tính thẩm mỹ. Vật liệu chế tác được khai thác từ tự nhiên, vật liệu kim loại duy nhất trên cây khèn này là phần lưỡi gà của khèn, thường được làm bằng lá đồng. Khi thổi, khèn Mông sẽ vang lên những âm thanh dìu dặt của cả 6 ống trúc; khèn Mông thường được biểu diễn độc tấu, song tấu, hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc khác: sáo trúc, nhị... Trong cộng đồng dân tộc Mông còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, giai thoại về sự hình thành, ra đời của loại nhạc cụ độc đáo này.

Chàng trai dân tộc Mông gắn bó với khèn từ nhỏ, ngay từ trong bụng mẹ đã được làm quen với tiếng khèn. Khi tiếng khèn cất lên mang theo cái ngọt ngào man dại của núi rừng như làm cho con chim nghiêng cánh, gió nghiêng cây, khiến trái tim mềm đi và ta nhìn đâu cũng thấy đẹp!

Trong tiết trời giao mùa sang thu, tôi lần theo tiếng khèn lúc to lúc nhỏ, lúc trầm lúc bổng của những chàng trai người Mông về bản Sùng Chô, xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu). Nơi đây còn nhiều người con dân tộc Mông còn tha thiết với tiếng khèn. Họ thổi khèn bằng niềm say mê cháy bỏng, khiến ai cũng dễ xúc động và dâng trào cảm xúc. Khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống của người Mông trên vùng đất khó.

Những lúc rảnh rỗi, ông Sùng A Vàng lại say sưa với giai điệu của chiếc khèn Mông.

Khèn giúp người Mông kiên cường đứng vững nơi núi rừng khắc nghiệt. Ánh mắt lấp lánh như cười, ông Sùng A Vàng - bản Sùng Chô hồ hởi nói: “Từ nhỏ, ngày ngày được nghe bố với chú thổi khèn, tiếng khèn như ngấm vào máu thịt. Nhiều hôm nghe hết một bài mà dư âm vẫn xao xuyến nên tôi đã quyết tâm học khèn".

Ông Sùng A Vàng là đời thứ 3 trong gia đình có tiếng gắn bó với cây khèn. Tôi cũng từng nghe nói nhà ông Vàng có thời điểm thiếu ăn, thiếu mặc chứ chẳng khi nào thiếu tiếng khèn. Ông Vàng học thổi khèn khi còn niên thiếu. “Con nhà nòi” lại cộng thêm chút siêng năng, những điệu khèn khó nhất cũng không làm khó ông được. Thế nên khi ở tuổi trưởng thành ông đã thuần thục khèn được 32 điệu. Đến nay dù đã hơn 60 tuổi nhưng chưa một lần ông nghĩ buông bỏ cây khèn. Mỗi lần nghe tiếng khèn của ai đó vọng lại, dù sáng sớm hay trong đêm đông thanh vắng ông Vàng cũng sẽ ngẫu hứng ngồi một mình ở cửa mà tấu lên vài khúc, đến khi nào được thỏa thuê đắm chìm trong điệu khèn cuồng say mới thấy lòng mình mãn nguyện.

Bấy nhiêu thôi cũng đã cho tôi hiểu đối với người Mông chỉ cần được tung tẩy, say say trong tiếng khèn thế là đủ. Tiếng khèn là tiếng lòng, là cầu nối giữa người đang sống với thế giới tâm linh. Tiếng khèn là niềm vui mừng khi về nhà mới, tiếng khèn cất lên khi đón xuân hay tỏ tình, là tiếng rước cô dâu về nhà chồng, tiếng khèn còn gọi bạn vui xuân trẩy hội. Tiếng khèn ông Vàng có chút “độc lạ” nên từ trong xã ngoài bản nhiều người trầm trồ thán phục đã lặn lội đến nhà nhờ ông truyền dạy. Rồi họ học múa khèn cùng ông.

Một thời, tiếng khèn của ông Vàng đã làm bao cô gái say mê. Tiếng khèn ông Vàng cất lên đã thắng những chàng trai khác đến nhà cô gái sau này ông Vàng chọn làm vợ. Giờ đây, mỗi dịp hội xuân, hội thi hay ngày lễ của xã... đều có sự tham gia đóng góp của ông Vàng, tiếng khèn của ông còn đưa những thanh âm của núi rừng kể cho những người ở mãi tận phương xa.

Trải qua thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng người Mông ở Lai Châu vẫn luôn gìn giữ chiếc khèn của dân tộc mình. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc Mông, để hôm nay những giai điệu từ chiếc khèn Mông đã để lại dấu ấn, đánh thức tiếng lòng của biết bao du khách có dịp ghé thăm Lai Châu - mảnh đất xinh đẹp nơi biên cương Tổ quốc.

Theo baolaichau

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/207897/dat-diu-tieng-khen-mong