Đập bỏ hoa chiều 30 Tết: Cay cú, 'ăn vạ' người mua

Đập bỏ, phá hoại những chậu hoa ế chiều 30 Tết, người bán không chỉ là sự cay cú, 'ăn vạ' cộng đồng một cách vô lối mà còn hành vi cố tình xả rác, cần phạt nặng.

Chợ hoa, cây cảnh Tết hoạt động từ đầu tháng Chạp và sôi động sau rằm. Những người mua hoa sớm – để biếu, tặng hoặc để chơi trước số đông – luôn phải trả mức giá rất cao, thậm chí gấp cả chục lần so với giá nhập. Họ phải chấp nhận vì đó là quy luật của thị trường. Nhờ biết rõ điều đó mà người buôn hoa thu lợi nhuận cao.

Giá bán hoa giảm dần vào mấy ngày sát Tết và đại hạ giá vào chiều 30 Tết nếu chưa bán hết cũng là do quy luật thị trường. Nhưng nhiều người bán, bằng hành động đập tung tóe các chậu hoa hay băm nát cành đào vứt vung vãi, cho thấy họ không chấp nhận điều này.

Hành động đập hoa giống như cú đấm cảnh cáo, một kiểu mắng vốn hay là cách “giáo huấn” thô bạo của họ dành cho các khách hàng tiềm năng.

Thương lái đập bỏ các chậu hoa do ế ẩm, nhất quyết không bán rẻ hay cho không. (Ảnh: Webtretho)

Đại hạ giá những hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn khi sắp “hết đát” là điều đương nhiên. Chẳng hạn, siêu thị thường giảm giá đến 70% các loại rau lá, thực phẩm sơ chế, bánh nướng sử dụng trong ngày… vào chiều tối. Các loại hoa chỉ có thể bán để trưng Tết hoặc chơi trong thời gian ngắn cũng vậy thôi.

Buôn bán thì phải biết tính đến yếu tố đó để xác định giá ở từng thời điểm sao cho hiệu quả của cả kỳ kinh doanh đạt mức cao nhất, đâu thể cứ thấy người ta mua sớm thì hét giá trên trời, mua muộn thì lại buộc tội họ ép giá, rồi hủy hoại hàng hóa để thể hiện thái độ cay cú, để "dằn mặt".

Đó là ăn vạ người mua, hay đòi hỏi bảo hộ về giá cho mặt hàng của mình đây?

Đập bỏ hoa để “cho người mua một bài học” không chỉ là hành động xấu xí, thiếu văn hóa, mà còn vi phạm các quy định của pháp luật. Họ cố tình xả rác, cố tình biến khu vực mà họ đứng bán hàng trở thành bãi chiến trường ngổn ngang.

Cứ đặt giả thiết họ đã đóng tiền vệ sinh môi trường trước khi tiếp quản mặt bằng, thì điều đó không có nghĩa là họ cứ thoải mái tạo thêm rác rưởi, khiến các công nhân vệ sinh phải làm việc nặng nhọc hơn để xử lý những thứ họ để lại.

Một số tiểu thương biện minh rằng, họ đập hoa không phải để “làm giá”, mà vì hoa đó nếu không bán được dịp Tết thì sẽ héo, không thể chăm sóc tiếp, nếu mang về sẽ tốn nhiều tiền vận chuyển.

Nhưng lựa chọn như vậy chính là ích kỷ, chỉ biết bo bo lợi ích của mình. Lúc lãi cao thì tiền đút túi, khi hàng ế thì lại trút gánh nặng hậu quả lên cộng đồng – những người phải chịu đựng cảnh quan xấu xí, và nhân viên vệ sinh môi trường!

Từ Tết sau, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này. Phải phạt thật nặng những người cố tình phá hoại cảnh quan công cộng và làm mất vệ sinh môi trường sống.

Những người bán hoa được mượn không gian công cộng làm địa điểm kinh doanh kiếm tiền, như vậy là họ đã được nhờ cộng đồng rồi. Khi không bán nữa thì họ có trách nhiệm trả lại mặt bằng sạch sẽ, đẹp đẽ. Họ có thể trả tiền để công nhân vệ sinh làm thay, nhưng không có nghĩa là hễ trả tiền thì cứ vô tư thực hiện hành vi kém văn minh, thiếu tôn trọng cộng đồng như vậy.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Bình Minh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dap-bo-hoa-chieu-30-tet-cay-cu-an-va-nguoi-mua-ar853116.html