Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn: 'Không thể tay không bắt Chíp'

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ: 'Đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, mong rằng cần phải có một sự đầu tư cao, chứ nếu không thì 'không thể tay không bắt Chip được'.

Các đại biểu cho rằng phát triển ngành bán dẫn là một cơ hội của nền kinh tế. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu cho rằng phát triển ngành bán dẫn là một cơ hội của nền kinh tế. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, trong thời gian tới, ngành công nghiệp bán dẫn dự báo sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, từ nay đến năm 2030 có thể cần đến 50.000 đến 100.000 nhân lực. Do đây là một trong những vấn đề mới nên đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về khả năng đáp ứng của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Cơ hội cho nền kinh tế

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhận định nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt sau khi Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ đối tác và sẽ có thêm các dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực này vào Việt Nam.

“Nhiệm vụ lớn cấp thiết nhất hiện nay là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có những chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,” đại biểu Trần Văn Khải nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng cho hay tháng 9/2023 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp đối tác chiến lược toàn diện theo Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ. Hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Do đó, trong thời gian tới tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất lớn với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn quốc tế của Mỹ và các đối tác khác.

“Tôi cho rằng đây là một cơ hội rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam và cần được xem xét quan tâm, khai thác thích đáng. Trong 12 nhóm giải pháp đã đề ra trong thời gian tới, Chính phủ đã đề cập đến việc chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi; trong đó có tập trung đào tạo 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2030. Tôi tán thành và đánh giá rất cao việc Chính phủ chủ động nghiên cứu và ban hành chủ trương nhằm khai thác, tuyên bố hợp tác này,” đại biểu Trần Chí Cường nói.

Theo đại biểu Cường, để chính sách có thể thực thi được, cần cụ thể hóa chủ trương này bằng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Cần có cơ chế, chính sách cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các trụ sở để các đơn vị, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về công nghệ có thể thuê để đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất chip bán dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nguồn tài nguyên đất hiếm và phát triển các ngành liên quan như khai thác khoáng sản, công nghiệp bán dẫn vi mạch, có thể đem lại tăng trưởng nhất định như vai trò của dầu thô thời gian qua…

“Nếu không có chính sách phù hợp để phát triển nội lực thì mức độ lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đạt được và con đường công nghiệp gia công đóng gói sẽ lặp lại,” đại biểu Trần Chí Cường cho hay.

Ngành giáo dục có đủ khả năng đáp ứng?

Với nhu cầu nhân lực lớn, một số đại biểu bày tỏ lo ngại việc khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và đào tạo. Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện.

Đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn về khả năng đáp ứng nhân lực của ngành giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn về khả năng đáp ứng nhân lực của ngành giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành nhận thức thấy đây là một trọng trách, sứ mệnh để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước và đổi mới các đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng, đã lên kế hoạch để triển khai trong lĩnh vực này,” Bộ trưởng cho hay.

Thông tin về khả năng đáp ứng của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc lĩnh vực gần đối với lĩnh vực này.

Trong đó, các lĩnh vực gần như công nghệ thông tin về điện tử viễn thông, là những lĩnh vực mà sinh viên có thể chuyển đổi bổ túc, để có thể có ngay những nhân lực đảm nhiệm trong lĩnh vực này. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế chương trình.

Ngày 19/10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức hội nghị để triển khai công việc quan trọng này. Bộ đang tăng cường điều kiện từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất để có thể đảm nhiệm được công việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký một hiệp định với Intel và với nhiều các doanh nghiệp, để xác định vừa xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm, cũng như có những đào tạo sát để tránh với việc chúng ta ào ào ào tạo để cuối cùng lại thừa thì nó cũng lại là một cái chuyện không tốt.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dự kiến, trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trong lĩnh vực trực tiếp thiết kế vi mạch bán dẫn. Các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển khoảng trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20 đến 30% hàng năm.

“Với một sự tập trung cao độ , giải quyết các vướng mắc thì dự kiến đến năm 2030 con số dự kiến có thể đáp ứng được,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định. Tuy nhiên, tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo cũng bày tỏ: “Đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, mong rằng cần phải có một sự đầu tư cao, chứ nếu không thì “không thể tay không bắt Chip được”./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-khong-the-tay-khong-bat-chip/905408.vnp