Đào tạo nghề nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh cũng như xây dựng nông thôn mới.

Bế giảng lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho lao động nông thôn tại huyện Hải Lăng -Ảnh: TÚ LINH

Bế giảng lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho lao động nông thôn tại huyện Hải Lăng -Ảnh: TÚ LINH

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%; đến năm 2030 tỉ lệ này là 85-90%, có bằng cấp, chứng chỉ trên 36%. Tỉ lệ lao động có việc làm mới bình quân hằng năm giai đoạn 2020-2025 là 12.000 người; giai đoạn 2025-2030 là 12.500 người.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, thời gian qua, các cấp, ngành phối hợp xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nội dung cụ thể, rà soát nhu cầu, xác định chỉ tiêu, ngành nghề gắn nhu cầu việc làm và điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương. Với cách làm này, nhiều mô hình đào tạo nghề được triển khai hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người lao động, nổi bật như: mô hình chăn nuôi gà thả vườn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, chế biến món ăn, xây dựng...

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước đạt được kết quả cao.

Giai đoạn 2010- 2020, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho gần 57.500 lao động nông thôn, trong đó dạy nghề nông nghiệp hơn 33.400 người; dạy nghề phi nông nghiệp hơn 24.000 người; trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và cho thu nhập ổn định.

Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo, số lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, đến giữa nhiệm kỳ 2020-2025, kết quả đào tạo nghề lao động nông thôn có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tỉnh đào tạo cho gần 10.000 lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt gần 33%; giải quyết việc làm mới cho hơn 16.100 lượt lao động.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng có kết quả cao, ngày 9/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của kế hoạch này nhằm hỗ trợ đào tạo, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao; lựa chọn đúng ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người học; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 33%.

Cụ thể, giai đoạn 2023-2025, 30.400 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, bình quân mỗi năm đào tạo hơn 10.100 người; hỗ trợ đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp 810 người. Sau đào tạo, ít nhất 85% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Đối tượng đào tạo là những lao động trong độ tuổi ở các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực; lao động tại các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản và làng nghề; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP; người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác... trên địa bàn.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn này ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật và phụ nữ; hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp phục vụ các công trình, dự án trọng điểm và người lao động có thu nhập thấp.

Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt nên năm 2023, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả khả quan. Toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo hơn 10.000 người, trong đó trình độ cao đẳng 127 người, trung cấp gần 1.340 người, còn lại là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Đến cuối năm 2023, ước tính tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; nhiều lao động được tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiệp, nhờ vậy thu nhập cải thiện đáng kể. Không ít người tổ chức tốt sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trở lại cho lao động tại địa phương.

Kết quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn thời gian qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả phát triển KT-XH và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2024, ngành LĐ,TB&XH tỉnh đặt ra chỉ tiêu đẩy mạnh giải quyết việc làm cho 12.500 lao động, trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hơn 1.200 người.

Để đạt được kết quả này cần tập trung đổi mới và tăng cường công tác truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của người học, doanh nghiệp và xã hội đối với đào tạo nghề, phấn đấu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,16%.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dao-tao-nghe-nong-thon-gop-phan-thuc-day-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-lao-dong/182275.htm