Đào tạo nghề hướng đến thị trường lao động

Kỹ năng nghề được xem là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng và năng suất việc làm. Khoa học công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ, nếu như không có kỹ năng nghề hay kỹ năng nghề yếu kém, người lao động sẽ dần dần tự đào thảo mình ra khỏi thị trường lao động.

Kỳ thi Kỹ năng nghề thành phố Hà Nội đang diễn ra tại Hà Nội đã phần nào cho thấy quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Nghề sơn ô tô là một trong số 25 nghề thi của kỳ thi kỹ năng nghề thành phố năm nay. Đây không phải là lần đầu nghề này được lựa chọn làm môn thi bởi nhu cầu của thị trường lao động ở lĩnh vực này từ lâu đã rất lớn. Thế nhưng, khác ở chỗ, đề thi năm nay được xem là khá khó, dựa trên cơ sở đề thi kỹ năng nghề quốc gia, đề thi kỹ năng nghề ASEAN các năm gần đây. Thế nhưng đó chính là đòi hỏi của thị trường lao động mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động phải nỗ lực.

Đề thi đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn ở tất cả các nghề thi năm nay cho thấy rõ hơn về chất lượng cả một quá trình đào tạo nghề của một đơn vị thông qua tay nghề của các thí sinh. Không dừng lại ở đó, còn cho thấy sự mở rộng hợp tác, gắn kết đào tạo của nhà trường với các doanh nghiệp. Bởi trong khi còn gặp nhiều khó khăn về thiết bị, không hợp tác với doanh nghiệp, không đưa thí sinh đi thực tiễn thì kỹ năng nghề khó có thể đáp ứng được kỳ thi này.

Năm nay có hơn 300 thí sinh tham gia kỳ thi. Một điểm đặc biệt là kỳ thi không chỉ thu hút các sinh viên trường nghề mà có cả các trường đại học và chính những người lao động tại các doanh nghiệp cũng đua tài.

Việc xây dựng các ngành nghề thi, đề thi đã được Ban tổ chức bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Thậm chí, một số ngành nghề trong kỳ thi còn chưa được đào tạo ở bất cứ cơ sở đào tạo nghề nào trên cả nước. Chính những nghề thi, chính những đòi hỏi của thị trường lao động ở kỳ thi này đã chỉ ra nhiều hướng đi mới cho các cơ sở đào tạo nghề, cả ở hiện tại và tương lai.

Kỳ thi là sân chơi, là sự đua tài kỹ năng nghề nghiệp, thế nhưng đó cũng là một sự cạnh tranh quyết liệt. Sự cạnh tranh của cơ sở nghề nghiệp, của thí sinh với chính bản thân họ khi phải nỗ lực hơn nữa để phát triển kỹ năng nghề nghiệp, để hội nhập và phát triển trước sự phát triển vũ bão của công nghệ./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dao-tao-nghe-huong-den-thi-truong-lao-dong-209372.htm