Đào tạo nghề cho người khiếm thị

Những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp người khiếm thị phát huy khả năng lao động, có thu nhập ổn định, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hội Người mù tỉnh hướng dẫn hội viên kỹ thuật xoa bóp, tẩm quất.

Hội Người mù tỉnh hướng dẫn hội viên kỹ thuật xoa bóp, tẩm quất.

Hiện nay, Hội có hơn 680 hội viên, sinh hoạt ở 6 chi hội, phần lớn sống ở vùng cao, vùng xa, nhiều hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Giúp hội viên có việc làm, Hội đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Đông y tỉnh tổ chức đào tạo nghề phù hợp với người khiếm thị và dạy chữ nổi, tập huấn sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh...

Ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội người mù tỉnh, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Hội đã hỗ trợ hơn 200 hội viên học chữ nổi, kỹ thuật xoa bóp, tẩm quất cổ truyền, xông hơi, làm chổi chít, tăm tre; hướng dẫn sử dụng phần mềm hỗ trợ người khiếm thị trên điện thoại thông minh. Đồng thời, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Hội Người mù Việt Nam, đã có 90 lượt hội viên được vay vốn xoay vòng, với tổng số tiền trên 330 triệu đồng. Từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ gia đình hội viên nghèo giảm từ 1-3%/năm.

Đến nay, Hội đã hỗ trợ các hội viên sau khi được đào tạo mở 19 cơ sở xoa bóp, tẩm quất, với mức thu nhập trung bình từ 10-20 triệu đồng/tháng/cơ sở. Ngoài ra, giới thiệu nhiều hội viên đến làm việc tại các cơ sở xoa bóp, tẩm quất người khiếm thị các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Yên Bái, giúp người khiếm thị có thu nhập ổn định.

Bị khiếm thị bẩm sinh, cuộc sống của anh Vì Văn Sử, tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, anh Sử được giới thiệu tham gia Hội người mù tỉnh, anh được tham gia học chữ nổi và học nghề tẩm quất, xoa bóp. Sau 3 tháng đào tạo, được nhận vào làm việc tại một cơ sở tẩm quất tại Thành phố. Đến năm 2018, anh Sử trở về huyện Mường La và được Hội Người mù tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng cùng trang thiết bị mở cơ sở tẩm quất, xoa bóp. Anh Sử chia sẻ: Hiện nay, cơ sở tạo việc làm cho 2 người khiếm thị trong huyện, với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, giúp họ tự lo được tiền sinh hoạt của bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Còn anh Lò Duy Eo, bản Nà Ta, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, bị hỏng 2 mắt từ nhỏ. Năm 2012, anh tham gia Hội Người mù tỉnh, được tham gia các lớp nâng cao kỹ năng sống và lớp xoa bóp, tẩm quất dành cho người khiếm thị, học cách sử dụng máy tính, làm chổi chít, tăm tre và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Anh Eo cho biết: Tôi đang làm tại cơ sở xoa bóp, tẩm quất Thật Sự, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Nhờ có thu nhập ổn định nên tôi không còn mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân. Cuối năm 2014, tôi đã kết hôn với một cô gái khiếm thị ở xã Chiềng Ngàm, Thuận Châu và đã có con trai đang học lớp 3.

Phát huy những kết quả đạt được, Hội Người mù tỉnh tiếp tục vận động hội viên, phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, giúp người khiếm thị có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-cho-nguoi-khiem-thi-KCaCo7nIg.html