Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn', với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hàng ngàn người được học nghề mỗi năm, trên 80% người học nghề có việc làm sau đào tạo, thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, để đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và mô hình phát triển đất nước theo hướng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cần chất lượng, hiệu quả hơn.

Nhờ được tham gia lớp học sơ cấp nghề may công nghiệp, chị Phùng Thị Mai, (người ngồi may) ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn và nhiều chị em trong xã đã có việc làm ổn định.

10 năm qua, toàn tỉnh có trên 45.800 nông dân được đào tạo nghề, 35.750 đoàn viên thanh niên được tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT…, góp phần nâng tỉ lệ lao động được đào tạo và truyền nghề trên địa bàn tỉnh đạt 70,5%. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu thuộc hai lĩnh vực: Nông nghiệp và phi nông nghiệp với các nghề: Kỹ thuật trồng lúa, rau an toàn, cây có múi, nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật hàn, điện, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp… Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, cho thu nhập cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Phùng Thị Mai ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn là một trong những học viên có việc làm, thu nhập ngay sau khi học nghề cho biết: Năm 2018, tôi đăng ký học lớp sơ cấp nghề may công nghiệp tổ chức tại địa phương. Có nghề trong tay, tranh thủ lúc nông nhàn, tôi nhận may gia công quần áo cho các hiệu may trong xã, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi còn kèm cặp nghề may cho nhiều chị em khác để tiến tới thành lập tổ may gia công nhằm nhận được nhiều đơn hàng hơn, giúp cuộc sống ổn định hơn. Mong muốn của chị Mai cũng là mong muốn chung của rất nhiều lao động sau khi được học nghề, bởi với trình độ sơ cấp nghề sẽ vẫn còn là thử thách trong môi trường lao động cạnh tranh cao, nếu chỉ làm việc đơn lẻ chắc chắn hiệu quả công việc, thu nhập không cao, trong khi tuổi đời ngày càng tăng lên, cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp không còn mở rộng như tuổi trẻ.

Theo dự báo, thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở nước ta quy mô đến năm 2025 sẽ có gần 66 triệu người, trong đó 75% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trên thị trường lao động sẽ có thêm nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp nhân lực, đòi hỏi tiêu chuẩn, kỹ năng làm nghề cao hơn.

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng sự dịch chuyển sản xuất từ năng suất thấp lên năng suất cao, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và bản thân người học. Đồng thời đổi mới phương thức đào tạo, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, hợp tác xã…, đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động.

Trong công tác đào tạo nghề, cần tích cực ứng dụng thành tựu KHCN hiện đại để nâng cao trình độ tay nghề, tạo động lực cho người lao động tìm tòi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho LĐNT sau khi học nghề, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo; nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm… giúp người lao động không chỉ nâng cao trình độ tay nghề mà còn tăng cao về thu nhập.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon/185033.htm