Dạo làng quê ngắm hoa mai

Những ngày cận Tết, tôi thường có một cái thú là đi dạo vào các làng quê ở Nha Trang, và lên tận Diên Khánh (Khánh Hòa) để ngắm hoa mai. Hoa mai Nha Trang nổi danh bởi nở ra 8 đến 12 cánh, rất lâu tàn, màu vàng đậm mà mọi người gọi đó là màu vàng quý tộc. Trong mùa Xuân, có thể có rất nhiều loại hoa được chăm sóc để cùng hẹn nở, cho nhà nhà mua đem về bày trong nhà tận hưởng mùa Xuân. Trong vô vàn loại hoa đó, hoa mai được chọn bởi đây là loại hoa tượng trưng cho mùa Xuân như ông bà ta vẫn nói: "Hoa đào phương Bắc, hoa mai phương Nam".

Nhà cổ mai cổ.

Nhà cổ mai cổ.

Theo truyền thống lâu đời, người dân các làng quê ở Khánh Hòa chẳng bao giờ mua hoa mai về, mà hoa đã được trồng trước sân nhà, đợi đến mùa tùy theo thời tiết mà lặt lá mai. Và đến Tết, những con đường quê ấy trở thành những con đường ngợp sắc mai vàng, khiến khách lạ đi qua không thể nào không dừng chân ngắm nhìn, đôi khi lân la vào nhà xin với chủ nhân được chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm trong mùa Xuân. Và nếu bạn dạo một vòng các con đường quê vốn im ắng và lặng lẽ suốt năm, bạn sẽ gặp những ngôi nhà vàng hoa mai làm rộn lòng người.

Đó là con đường đi Võ Cạnh, bọc bên trái trước khi qua cầu Ông Bộ- chiếc cầu phân chia địa giới giữa thành phố Nha Trang và H. Diên Khánh. Con đường ôm vòng cung, rồi đổ ra lại Quốc lộ 1 ngày xưa là đất trồng hoa mai. Những ngôi nhà ở đây trồng hoa mai để điểm tô cho ngôi nhà, thường trồng thẳng xuống đất, và tới mùa Xuân thì tạo ra một không gian đẹp đến nao lòng. Hoa mai có khi chỉ là một cây cổ thụ dễ chừng đã 60-70 tuổi, dáng cao, chiếm một không gian rộng và tỏa sắc vàng. Có nhà hai bên đường lót gạch là hai hàng hoa mai. Và đôi khi, cả một hiên nhà ai đó cũng là hoa mai vàng. Là con đường Lương Định Của, là con đường bọc từ Cầu Dứa rẽ vào. Đường Lương Định Của dẫu nay rộn ràng xe cộ, thị tứ, nhưng cách lưu giữ các tán mai cổ thụ còn khá nhiều. Con đường này có vài ngôi nhà mà cây mai chiếm trọn không gian nhà, cánh hoa rụng vàng xuống sân, chủ nhân mở cửa để khách có thể tham quan.

Không chỉ hai con đường nêu trên, trong hàng trăm năm nay, hoa mai đã trở thành thương hiệu của vùng đất Khánh Hòa. Có một thời, người có hoa mai thấy hoa được giá nên cưa gốc mai, đem cành mai ra bày bán dọc suốt chiều dài Quốc lộ. Có nhà trồng trong chậu, ngày cận Tết đem chậu mai ra lộ để, ai mua thì bán, không ai mua thì đem về để năm sau lại bày ra bán. Cũng trên con đường từ Nha Trang đi Diên Khánh, có một ngôi nhà cổ, dẫu cuộc bể dâu khiến con đường bị nhà cửa xâm lấn, nơi này vẫn giữ ngôi nhà cổ và vườn mai cổ gọi là giữ lại niềm vui.

Sân nhà rực sắc mai.

Sân nhà rực sắc mai.

Ở những con đường quê tôi đi qua trong những ngày giáp Tết đó, có khi là con đường bên kia sông Cái, nơi có làng bánh tráng Diên Thủy và làng đúc đồng Phú Lộc. Bên bờ sông vào mùa những hàng tre lên cao rụng lá, còn bên kia là những ngôi nhà cổ, giữ nếp quê với ba gian, một chái. Trong những ngôi nhà cổ ấy, giữa phòng khách là bình trà, hộp mứt. Còn khách đến nơi, bỏ dép trên bậc thềm, cùng uống trà ăn mứt mà ngắm sân nhà đang vàng hoa mai. Đó là có khi tôi lặn lội vào tận những con đường quê chẳng biết sẽ đưa mình đi về đâu, nhưng cứ áp dụng lý thuyết là bất cứ con đường nhỏ nào cũng sẽ trổ ra con đường lớn, tôi đã mê mẫn ánh mắt nhìn với vạn cánh hoa mai nở.

Cuộc sống của chúng ta vốn bị cuốn trôi bởi bao điều trong những ngày tháng khép mở, cả năm mệt nhoài vì chuyện áo cơm. Thôi thì có một ngày cuối năm, bỏ đi những điều chưa được, phóng xe qua những con đường quê, ngắm nhìn hoa mai đang bung nở báo tin Xuân.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_238274_dao-lang-que-ngam-hoa-mai.aspx