Đảo chính ở Niger: Khối ECOWAS là gì và đã từng can thiệp quân sự vào nước nào?

Thời hạn tối hậu thư Cộng đồng kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ can thiệp quân sự vào Niger nếu nhóm đảo chính không phục chức cho Tổng thống Mohammed Bazoum đã hết vào Chủ nhật (6/8). Vậy ECOWAS là gì và khối này đã từng can thiệp quân sự vào những nước nào?

ECOWAS là gì?

ECOWAS là một liên minh kinh tế và chính trị khu vực gồm 15 quốc gia nằm ở Tây Phi. Liên minh này được thành lập vào ngày 28 tháng 5 năm 1975, với sứ mệnh là thúc đẩy hội nhập kinh tế trên toàn khu vực.

Tính đến tháng 2 năm 2017, ECOWAS có 15 quốc gia thành viên. Có tới 8 nước trong số này nói tiếng Pháp (Senegal, Guinea, Mali, Togo, Niger, Bờ Biển Nga, Burkina Faso và Benin), 5 nước nói tiếng Anh (Nigeria, Ghana, Gambia, Liberia và Sierra Leone ) và 2 nước nói tiếng Bồ Đào Nha (Cape Verde và Guinea-Bissau).

ECOWAS cũng đóng vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực, với việc các quốc gia thành viên đôi lúc phải gửi lực lượng chung để can thiệp quân sự vào các quốc gia thành viên của khối ở những thời điểm bất ổn chính trị hoặc đảo chính quân sự.

Dù có nhiều nỗ lực duy trì hòa bình, dân chủ và ổn định, song ECOWAS được ví như "vành đai đảo chính" của thế giới. Đây cũng chính là lý do khiến một số nước đã bị đình chỉ tư cách thành viên khỏi khối này.

Mali từng bị ECOWAS đình chỉ vào ngày 30 tháng 5 năm 2021, sau cuộc đảo chính quân sự thứ hai trong vòng 9 tháng. Guinea cũng bị loại vào ngày 8 tháng 9 năm 2021, ngay sau khi một cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở nước này.

Vào ngày 28 tháng 1 năm 2022, Burkina Faso cũng bị đình chỉ tham gia ECOWAS sau một cuộc đảo chính quân sự. Và mới nhất là Niger bị ECOWAS đình chỉ hợp tác kinh tế và thương mại sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng này.

Đặc biệt, ngoài việc đình chỉ và trừng phạt kinh tế, khối này còn đang đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Niger nếu Tổng thống Mohamed Bazoum không được nhóm đảo chính phục hồi chức vụ.

Dưới đây là những lần can thiệp quân sự của ECOWAS trong quá khứ:

LIBERIA

Năm 1990, các nhà lãnh đạo Tây Phi đã cử một lực lượng quân sự trung lập tới Liberia để can thiệp vào cuộc nội chiến giữa lực lượng của Tổng thống Samuel Doe và hai phe nổi dậy. Nhóm quân sự này được gọi chung là Nhóm Giám sát ECOWAS (ECOMOG)

 Quân đội ECOMOG trong lần đầu tiên can thiệp quân sự ở Liberia. Ảnh: AP

Quân đội ECOMOG trong lần đầu tiên can thiệp quân sự ở Liberia. Ảnh: AP

Quân số can thiệp quân sự của ECOWAS khi đó đạt đỉnh vào khoảng 12.000 người và những người lính cuối cùng đã rời Liberia vào năm 1999, hai năm sau khi cựu thủ lĩnh phiến quân Charles Taylor được bầu làm Tổng thống.

Các lực lượng Tây Phi đã được triển khai trở lại vào giai đoạn cuối của cuộc xung đột tàn khốc kéo dài 14 năm, kết thúc vào năm 2003. Khoảng 3.600 binh sĩ trong số này sau đó được bổ nhiệm lại cho một chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc kéo dài đến năm 2018.

SIERRA LEONE

Năm 1998, lực lượng ECOMOG do Nigeria lãnh đạo đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Sierra Leone để đánh đuổi chính quyền quân sự và các đồng minh nổi dậy khỏi thủ đô Freetown và phục hồi chức vụ cho Tổng thống Ahmad Tejan Kabbah, người đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính một năm trước đó.

 Quân đội ECOMOG đến làm nhiệm vụ ở Sierra Leone hồi năm 1998. Ảnh: GI

Quân đội ECOMOG đến làm nhiệm vụ ở Sierra Leone hồi năm 1998. Ảnh: GI

Năm 2000, lực lượng này rút lui, bàn giao các hoạt động gìn giữ hòa bình cho một phái bộ của Liên hợp quốc. Cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ kết thúc vào năm 2002.

GUINEA-BISSAU

Năm 1999, ECOWAS đã gửi khoảng 600 binh sĩ ECOMOG để duy trì một thỏa thuận hòa bình ở Guinea-Bissau, nhằm ngăn chặn nguy cơ đảo chính được dự báo sẽ xảy ra khi đó. Lực lượng này rút lui sau đó 3 tháng khi nhóm phiến quân lên nắm quyền.

ECOWAS đã triển khai thêm một nhiệm vụ từ năm 2012 đến năm 2020, sau một cuộc đảo chính khác, để giúp ngăn chặn quân đội can thiệp vào chính trị và bảo vệ các quan chức. Họ cũng đã cử một đội khác gồm 631 nhân viên vào năm 2022 để giúp ổn định đất nước sau cuộc đảo chính thất bại vào năm này.

BỜ BIỂN NGÀ

Một lực lượng Tây Phi đã được cử đến Bờ Biển Ngà vào năm 2003 để giúp quân đội Pháp giám sát một thỏa thuận hòa bình đang lung lay giữa quân nổi dậy và chính quyền. Năm 2004, họ được hợp nhất thành lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

MALI

Sau gần một thập kỷ khá yên bình, ECOWAS đã một lần nữa phải gửi binh lính đến Mali vào năm 2013 như một phần của nhiệm vụ đánh đuổi các chiến binh có liên hệ với al-Qaeda. Như những lần can thiệp trước đó, lực lượng ECOWAS vào cuối năm 2013 đã được bàn giao cho một phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Mali đang lại được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau 2 cuộc đảo chính liên tiếp vào năm 2021. Nhưng lần này, ECOWAS đã không đưa quân tới mà chỉ đình chỉ tư cách thành viên của Mali.

Mali được cho rằng đang tràn ngập các chiến binh có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS). Lực lượng nổi dậy kéo dài hàng chục năm của chúng cũng đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.

GAMBIA

Vào năm 2017, ECOWAS đã gửi 7.000 quân đến Gambia từ nước láng giềng Senegal để buộc Tổng thống Yahya Jammeh phải sống lưu vong và nhường chức vụ cho ông Adama Barrow, người đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử trước đó nhưng bị Jammeh chiếm quyền.

 ECOWAS lần gần nhất đưa quân đến một quốc gia thành viên là ở Gambia. Ảnh: AP

ECOWAS lần gần nhất đưa quân đến một quốc gia thành viên là ở Gambia. Ảnh: AP

Chiến dịch có tên Chiến dịch Khôi phục Dân chủ của ECOWAS này đã thành công chóng vánh do lực lượng an ninh của Jammeh gần như không phản kháng, bởi yếu hơn hẳn về lực lượng và sức mạnh quân sự.

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dao-chinh-o-niger-khoi-ecowas-la-gi-va-da-tung-can-thiep-quan-su-vao-nuoc-nao-post259439.html