Đảo chính ở Niger: Chính quyền quân sự nói Pháp vi phạm không phận, đảng của ông Bazoum lo ngại điều gì?

Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã triển khai một số động thái mới liên quan đến vụ đảo chính ở Niger.

Làn sóng phản đối Pháp ở Niger đã tăng cao sau vụ đảo chính tại quốc gia Tây Phi. (Nguồn: AFP)

Làn sóng phản đối Pháp ở Niger đã tăng cao sau vụ đảo chính tại quốc gia Tây Phi. (Nguồn: AFP)

Ngày 9/8, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các nền kinh tế Tây Phi (ECOWAS), chính quyền quân sự ở Niger đã cáo buộc Pháp thả một số phần tử khủng bố và vi phạm lệnh cấm đối với không phận nước này.

Tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia nước này nêu rõ: “Một máy bay quân sự của Pháp đã cố tình cắt đứt mọi liên lạc với kiểm soát không lưu khi đi vào không phận của chúng tôi từ 6h39-11h15 sáng (giờ địa phương) hôm 9/8”. Tuy nhiên, trong ngày, một nguồn tin chính phủ Pháp đã bác bỏ cáo buộc nêu trên.

Cùng ngày, Đảng Dân chủ Xã hội Niger (PNDS-Tarayya) của Tổng thống Mohamed Bazoum, cho biết ông và gia đình ông đang bị giam giữ một cách “tàn khốc” và “vô nhân đạo” tại nơi cư trú, không có điện, nước, không được tiếp cận với các thực phẩm tươi sống hoặc bác sĩ. Trong một tuyên bố, PNDS-Tarayya huy động toàn quốc để cứu ông Bazoum cùng gia đình.

Trước đó, ngày 8/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận với Tổng thống Niger Mohamed Bazoum về chuyến công du của Quyền Thứ trưởng Mỹ Victoria Nuland tới Niamey.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ: “Hai bên đã thảo luận về chuyến đi gần đây của Quyền Thứ trưởng Nuland tới Niamey. Ngoại trưởng (Blinken) đã bày tỏ sự ủng hộ liên tục với giải pháp khôi phục chế độ dân chủ và trật tự hiến pháp cho Niger. Ngoại trưởng (Blinken) cũng nhấn mạnh sự an toàn của Tổng thống Bazoum và gia đình là tối quan trọng".

Trước đó, ngày 7/8, bà Nuland đã có chuyến thăm không báo trước tới Niger để thúc đẩy việc trả tự do cho Tổng thống đắc cử Mohamed Bazoum. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này thừa nhận cuộc đàm phán rất khó khăn.

Ngày 9/8, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu đặt nền tảng cho việc áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với các thành viên của chính quyền quân sự Niger.

Về phần mình, ông Alexey Zaytsev, Vụ phó Vụ Thông tin và báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ nỗ lực hòa giải do ECOWAS thực hiện nhằm hỗ trợ Niger vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Đồng thời, chúng tôi xuất phát từ thực tế rằng sự can thiệp quân sự của ECOWAS vào một quốc gia có chủ quyền khó có thế góp phần đạt được hòa bình lâu dài ở Niger nói riêng và sự ổn định tình hình trong toàn tiểu vùng này nói chung”.

Quan chức này lưu ý hiện chỉ có số ít người Nga sống ở Niger và không liên quan đến bất kỳ sự cố nào ở đó: “Theo Đại sứ quán Nga tại Mali, phái bộ cũng phụ trách hoạt động liên quan Niger, không có sự cố nào liên quan đến công dân Nga được ghi nhận. Chúng tôi liên lạc thường xuyên với số ít đồng bào sống ở quốc gia Tây Phi này và đang có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho họ”.

(theo Reuters, Sputnik, TTXVN)

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-chinh-o-niger-chinh-quyen-quan-su-noi-phap-vi-pham-khong-phan-dang-cua-ong-bazoum-lo-ngai-dieu-gi-237838.html