Dạo bước qua vùng đất của sơn mài

Ngày 2/8 tới, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, The Muse Artspace tổ chức khai mạc triển lãm 'Dạo bước qua vùng đất của sơn mài'.

Triển lãm trưng bày gần 30 tác phẩm của 10 họa sĩ tên tuổi trong lĩnh vực sơn mài: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.

Tác phẩm 'Quan Âm Thị Kính' của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Tác phẩm 'Quan Âm Thị Kính' của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Giám tuyển nghệ thuật Vân Vi chia sẻ: "Tranh sơn mài được tôn vinh là đặc sản của mỹ thuật Việt. Triển lãm Dạo bước qua thế giới của sơn mài giúp công chúng tìm hiểu về lĩnh vực này một cách nhẹ nhàng, như cách ta thư thả đi bộ, vừa thưởng thức, vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó".

Tác phẩm 'Đêm tĩnh' của họa sĩ Triệu Khắc Tiến.

Tác phẩm 'Đêm tĩnh' của họa sĩ Triệu Khắc Tiến.

Giám tuyển nghệ thuật Vân Vi khẳng định, sơn ta đã có từ lâu đời ở Việt Nam, nhưng kể từ khi có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925) các họa sĩ mới đưa chất liệu này từ mỹ nghệ vào sáng tác nghệ thuật. Bước đầu, các họa sĩ Đông Dương thử thách vẽ như sơn dầu như cách các thầy người Pháp sang đây dạy họ, tuy nhiên không thành công. Bởi vậy họ quyết định phải tìm ra một lối đi khác cho chất liệu này.

"Người được nhắc đến nhiều nhất trong thế hệ đầu tiên của sơn mài là Nguyễn Gia Trí - tranh ông thiên về biểu hiện, cũng có tính trang trí, nhưng chìm đi dưới bóng của tác phẩm hội họa.

Sự ảnh hưởng của họa sĩ Evarite Jonchère - Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tạo ra các họa sĩ sơn mài thế hệ thứ 2 là Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Trù, Phạm Hậu, Trần Phúc Duyên… Nghệ thuật của họ thiên về lối trang trí, tận dụng những thế mạnh của mỹ nghệ truyền thống Việt Nam.

Thế hệ thứ 3 được cho rằng đã thay đổi quan niệm về sáng tác trên sơn mài là họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm.

Vậy thế hệ thứ 4 của sơn mài đang làm gì với nghệ thuật này? Câu hỏi ấy chưa được trả lời, và những gì đang tiếp diễn là thế nào? Chúng tôi không mong tìm được câu trả lời mà muốn đặt câu hỏi đó thành một vấn đề qua việc trưng bày tranh của các 'môn phái' sơn mài miền Bắc.

Khi dạo bước sẽ không thấy hết chi tiết, thậm chí cũng chẳng phải là toàn cảnh nhưng ít nhất ta có đủ tĩnh lặng để nhìn nhận. Vì thế, triển lãm này có thể thiếu tên của một số họa sĩ quan trọng, song đó là vấn đề của các nhà nghiên cứu nghệ thuật tự phán xét", giám tuyển Vân Vi chia sẻ.

Tác phẩm 'Galaxy'-Ngân Hà của họa sĩ Lý Trực Sơn.

Tác phẩm 'Galaxy'-Ngân Hà của họa sĩ Lý Trực Sơn.

Tác phẩm của 10 họa sĩ trưng bày trong triển lãm Dạo bước qua vùng đất của sơn mài đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân. Mỗi người tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng.

Tôi làm sơn mài theo lối người ta làm tượng Phật cổ. Lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, mầu phải no, đạt đến độ “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” mới chịu thôi. Sơn ta kiểu cũ thì lâu khô nhưng cho hiệu quả trong như nước. Nhưng cuối cùng thì nên hiểu rằng sơn mài là lối vẽ, chứ không phải là vật liệu, vật liệu thì không nói lên điều gì cả”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Triển lãm diễn ra từ ngày 2-8/8/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dao-buoc-qua-vung-dat-cua-son-mai-2170522.html