Dạo bước làng Nôm

Từ Hưng Yên chúng tôi đi làng Nôm, nơi mà sử sách ghi 600 năm trước người dân ở đây chỉ sống mỗi một nghề là đi thu mua đồng nát, và duy nhất chỉ thu mua đồng nát. Ngôi làng được xem là 'báu vật' của tỉnh Hưng Yên với quần thể di tích cổ kính: cổng làng, giếng nước, chùa, cầu và những ngôi nhà cổ, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tháng 1-2020.

Yên ả làng Nôm.

Bao nhiêu lần rong ruổi miền Bắc, có một địa danh chỉ lướt qua, và bây giờ chúng tôi tìm đến, đó là Hưng Yên. Hưng Yên được nhiều người biết đến là xứ sở của trái nhãn lồng. Thành phố ấy nằm cách Hà Nội khoảng 50 km, nhưng những bước chân lữ hành thường đi ngang qua, để những con phố được trồng cây nhãn lồng và cây sấu cứ lặng lẽ che bóng mát và đến hẹn lại ra hoa. Nơi chúng tôi ở bước ra là phố, không xa là đền Mẫu và hồ nước trung tâm. Buổi sáng dạo qua đền Mẫu đã thấy khách phương xa đến cầu nguyện, và những người bán hàng đã bày bán bánh trái, khoai mì, khoai lang cho khách…

Cách chùa Nôm không xa, qua cây cầu đá đi một đoạn là tới làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm). Nói rõ là trên những lần đi đây đi đó, tôi đã ghé qua không biết bao nhiêu làng cổ, chẳng hạn như Làng Đọ ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa), làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)…ở những làng cổ ấy đều gắn liền với các ngôi chùa, cuộc sống vô cùng sôi động, rất nhiều người buôn bán. Và tôi hình dung làng Nôm cũng thế.

Làng Nôm đã trải qua 600 năm dâu bể. Người trong làng đi khắp mọi nơi như: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và cả Hà Nội… mua đồng nát tạo nên một làng nghề kỷ XVII, XIII, đầu thế kỷ XIX.

Cổng làng mở rộng với màu đất, chúng tôi đi vào làng, khi đó khoảng 9 giờ sáng và bất ngờ với không gian ở đây như một điểm du lịch còn vắng bóng người. Làng có một hồ nước ở giữa, sạch và có những bóng cây soi. Hồ nước hình chữ nhật, còn con đường bao quanh bằng xi-măng sạch sẽ. Cảnh làng Nôm rất đẹp. Những ngôi nhà hút sâu trong những con đường nhỏ, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe ngang qua. Chẳng ai tò mò nhìn chúng tôi. Có lẽ người dân đã đi làm hết rồi, chỉ còn người già ở nhà chăm cháu. Vì thế, chúng tôi gặp một người đàn ông trên 70 tuổi, đẩy chiếc xe nôi cho cháu trai ngồi trên đó đi vòng vòng.

Sự độc đáo của làng Nôm là 7 nhà thờ họ xây ngay trên mặt đường chính có ba cổng và thường sơn màu vàng. Trong đó, dòng họ Phùng là lớn nhất và giàu có nhất. Dọc đường bờ hồ đã có tới 4 nhà thờ mang họ Phùng (nhà thờ họ Phùng, đến nhà thờ họ Phùng chi Cả, chi Hai, chi Ba). Có lẽ chỉ khi có lễ nghi các nhà thờ họ mới mở cửa, và vì trên các cổng đều viết chữ Nho nên khách không rành không đọc được. Được biết, có một nhà thờ họ nằm bên trong xóm là nhà thờ họ Lê. Đi qua các nhà thờ họ khép cửa, tò mò ghé nhìn vào, gặp giếng cổ ngả màu đen, có tấm bảng ghi công đức người phục dựng. Rồi ngay cuối hồ là cây đa cổ thụ phủ mát, rễ cây tỏa xuống. Đình Nôm với nét rêu phong nằm ở đó, như để sự yên tĩnh của thời gian trôi qua. Nhiều giếng khác nằm rải rác trong làng, có cái nằm trước cửa đình Đại Đồng, có cái nằm ven đường bên cạnh cầu đá, cái nằm ẩn mình dưới tán cây cổ thụ tại chùa Nôm. Bên trong giếng, các lớp gạch xếp chồng lên nhau dưới phần cổ giếng, miệng giếng có nắp đậy. Thành giếng cũng là phiến đá cổ nguyên phiến.

Một nhà thờ tộc họ ở làng Nôm.

Trong buổi sáng nắng vừa lên và bầu trời trong, chỉ có chúng tôi là những người khách lữ hành đợi mãi 600 năm sau ghé qua làng Nôm. Ở đó, có thoảng mùi hoa, có mùi của thời gian và sự tĩnh lặng thời gian. Nhòa trên con đường là những bước chân người từ nơi này với quang gánh đi khắp mọi nơi làm nghề đồng nát. Những phế liệu đồng họ gom về từ muôn phương sau đó đổ vào lửa đỏ, thành những chiếc đại hồng chung, để sáng sớm gõ chuông, âm thanh vang cho lòng người nhẹ tênh giữa thế gian này.

Khuê Việt Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dao-buoc-lang-nom-post294263.html