Đánh thuế người giàu nhất thế giới để giúp các nước nghèo chuyển sang nền kinh tế 'xanh'

Hơn 100 nhà kinh tế hàng đầu thúc giục đánh thuế những người giàu nhất thế giới nhằm hỗ trợ các nước nghèo dịch chuyển nền kinh tế sang carbon thấp và phục hồi sau thiệt hại khí hậu.

Việc thu thuế tài sản đối với gia tài đồ sộ của những người giàu nhất thế giới sẽ huy động hàng nghìn tỷ đôla, có thể được chi để giúp các nước nghèo chuyển nền kinh tế của họ sang nền tảng ít carbon. Không những vậy, hành động này có thể giúp xoa dịu đối với “tổn thất và thiệt hại”, cứu hộ và phục hồi các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu.

Theo ước tính gần đây, việc đánh mức thuế 2% đối với sự giàu có nhất sẽ mang lại khoảng 2,5 nghìn tỷ đôla một năm.

Những cơn bão cát hoành hành ở khu vực Sahara vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm. Ảnh: Internet.

Các nhà kinh tế, bao gồm cả người ủng hộ giảm tăng trưởng kinh tế nổi tiếng Jason Hickel, đã viết một lá thư cho các nhà lãnh đạo thế giới trước hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về tài chính trong tuần này. Mục đích để kêu gọi áp thuế 1,5%/1,5 độ C nhằm giúp đảm bảo thế giới hạn chế nóng lên toàn cầu so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo Oxfam, những người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về một tỷ lệ lớn phát thải khí nhà kính toàn cầu, trong đó 1% người giàu nhất chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon gấp đôi so với một nửa nghèo nhất thế giới, phần lớn họ không phải chịu nhiều ảnh hưởng hay hình phạt nào.

Nghiên cứu gần đây cho thấy nếu lượng khí thải tổng hợp của các nước giàu được tính vào hệ quả cuộc khủng hoảng khí hậu đang tàn phá ở các nước nghèo hơn, nước giàu sẽ nợ người nghèo 6 nghìn tỷ đôla một năm để “bồi thường” cho những thiệt hại đã gây ra.

Ông Mark Paul, thuộc Đại học Rutgers, đồng thời là người ký tên vào bức thư do nhóm vận động Oil Change International dẫn đầu, cho biết các nước giàu không phải đối mặt với trách nhiệm của mình.

“Các nhà lãnh đạo phía Bắc toàn cầu nói rằng họ không đủ khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu là lời bào chữa kinh điển trong các cuốn sách. Nói đơn giản, đó là một lời nói dối. Điều thực sự không thể chấp nhận được là hiện trạng”, ông Mark nói.

Trong thư, các nhà kinh tế cũng kêu gọi chấm dứt trợ cấp có hại cho nhiên liệu hóa thạch và xóa nợ cho một số nước nghèo nhất.

Alex Lenferna, thuộc Đại học Nelson Mandela và Liên minh Công lý Khí hậu, một trong những người ký bức thư, cho biết: “Các quốc gia ở phía Nam bán cầu đang chìm trong nợ nần, điều này dẫn đến chính sách thắt lưng buộc bụng và làm suy yếu khả năng ứng phó với khủng hoảng khí hậu”.

“Chúng tôi cần nhiều ngân sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thực sự công bằng. Miền Bắc toàn cầu phải trả khoản phí khí hậu”, ông Alex chia sẻ.

Tương tự, Richard Heede, thuộc Viện Trách nhiệm Khí hậu, chia sẻ các công ty nhiên liệu hóa thạch phải trả giá cho những thiệt hại mà họ đã gây ra.

“Các công ty nhiên liệu hóa thạch giàu có đã phối hợp hành động để trì hoãn hành động và duy trì nền kinh tế carbon cũng nên đóng góp đáng kể để hỗ trợ, ứng phó cho tình trạng khẩn cấp khí hậu”, Ômng Richard nói.

Khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và Chính phủ dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về hiệp ước tài chính toàn cầu mới, sẽ được tổ chức tại Paris vào thứ Năm (22/6) và thứ Sáu (23/6) , do tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng chủ trì.

Tài chính khí hậu là một vấn đề ngày càng gây tranh cãi đối với các nước nghèo, những nước bất bình khi các nước giàu hơn đang giúp đỡ Ukraine và huy động hàng nghìn tỷ đôla để đối phó với Covid, nhưng lại không sẵn lòng giúp đỡ họ trước những tác động của khủng hoảng khí hậu.

Vào tháng 11, các Chính phủ đã đồng ý thành lập một quỹ dành cho “tổn thất và thiệt hại”, nhằm giúp tái thiết các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu. Nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào về cách huy động số tiền cần thiết.

Các nước nghèo hơn cũng khó tiếp cận tiền cho phát triển xanh của nền kinh tế của họ, mặc dù các nước giàu hơn đã thúc giục họ cắt giảm khí thải.

Khánh Vy (Theo Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/danh-thue-nguoi-giau-nhat-the-gioi-de-giup-cac-nuoc-ngheo-chuyen-sang-nen-kinh-te-xanh-post252376.html