Đánh thức 'rồng xanh' sông Sài Gòn

Là con sông chính, đi qua nhiều quận, huyện và thành phố trực thuộc của TP Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn từ xa xưa đến nay trở thành con sông có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Thành phố. Cùng với mục tiêu gìn giữ, phát huy tiềm năng của đô thị sông nước, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang triển khai quy hoạch, các chương trình đánh thức tiềm năng to lớn của tuyến sông này, vừa tạo không gian xanh đô thị, vừa trở thành động lực phát triển mới.

Sông Sài Gòn giàu bản sắc, tiềm năng

Báo cáo Quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn của Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) cùng với AVSE Global được công bố đầu tháng 3-2024 đã lần đầu tiên mang đến một đánh giá khá bao quát và toàn diện về sông Sài Gòn ở bản sắc, tiềm năng và động lực phát triển. Báo cáo này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và người dân thành phố, dựa trên so sánh với những dòng sông trong đô thị nổi tiếng khác trên thế giới, đồng thời nêu 5 đặc trưng độc đáo của hành lang sông Sài Gòn. Thứ nhất là giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, biểu tượng là bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Thứ hai là bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ. Thứ ba là đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương. Thứ tư là vị thế, là tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới (rừng ngập mặn Cần Giờ). Thứ năm là thách thức lũ lụt khiến TP Hồ Chí Minh nằm trong số 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đô thị và sông Sài Gòn hài hòa tạo nên nét hiện đại, đặc thù của đô thị sông nước TP Hồ Chí Minh.

Đi sâu vào các đặc trưng còn là nhiều lý giải, dẫn chứng khá cụ thể về địa hình, hệ sinh thái và giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống vô cùng phong phú. Theo kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, dọc sông Sài Gòn mang đậm bản sắc sông nước và hàng chục làng nghề truyền thống. Phía thượng nguồn (Củ Chi) có làng bánh tráng, làng đan lát, làng tre Phú An, làng sơn mài, làng mành trúc. Khu trung tâm có các làng nghề như làng gốm sứ, làng hoa, làng chế biến nem Thủ Đức, làng chài, làng lư đồng... Phía hạ nguồn (phía Nam) có làng chiếu, làng muối Thạnh An...

Giá trị văn hóa, lịch sử và

quy đất dọc hai bên sông Sài Gòn trải qua quá trình lịch sử để lại đang bị chắp vá, lấn chiếm, quỹ đất chưa khai thác được, tuyến đường ven sông không có tính liên hoàn.... Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ: “Tôi cũng đã có dịp đi Paris và luôn bị sông Seine mê hoặc. Khu Thư viện quốc gia Pháp được xây mới với thiết kế rất đẹp, như hai cuốn sách mở ra. Tôi cũng đặt câu hỏi là ở TP Hồ Chí Minh thì khu nào dọc sông Sài Gòn, đoạn nào thì mình có thể làm tương tự như vậy, có thư viện, có trường đại học, có shopping, cà phê nhẹ nhàng và nó tạo ra khu tri thức hiện đại mới. Dải đất ven sông Sài Gòn từ đầu quận 1 kéo dài qua đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) nối đến khu Nam Sài Gòn-Phú Mỹ Hưng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tương tự khu ven sông Seine (Pháp).

Sông Sài Gòn trở thành động lực phát triển mới

Bản sắc, tiềm năng của sông Sài Gòn thực ra không phải là lần đầu tiên được nhìn nhận như một đô thị sông nước độc đáo, tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử của quá trình đổi mới, dù có những chương trình cải tạo, phát triển hành lang sông Sài Gòn vẫn mang tính chắp vá, phân đoạn và chưa có một bài toán tổng thể. Báo cáo nêu trên của nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, sông Sài Gòn hiện nay đang phải đối mặt với những mâu thuẫn trong việc phát triển các chức năng về thương mại, vận tải và giải trí, tiềm ẩn nguy cơ phai mờ các giá trị tốt đẹp về mặt cảnh quan, sinh thái và tinh thần của dòng sông.

Câu chuyện sông Sài Gòn như con rồng xanh còn ngủ quên được đánh giá ở điểm cốt lõi là do thiếu quy hoạch và khai thác tổng thể trong thời gian dài. Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh cho rằng, sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình cho TP Hồ Chí Minh. Việc “hóa rồng” sông Sài Gòn cần nhìn nhận trong chiến lược phối hợp quản lý vùng bền vững, nhằm có những giải pháp đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư, khai thác phát huy giá trị nguồn tài nguyên quý giá này.

Để quy hoạch, phát triển không gian, tiềm năng sông Sài Gòn, tháng 6-2023, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức một đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến Pháp, tham quan sông Seine. Chuyến đi đã thúc đẩy ý chí, quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong việc phát triển sông Sài Gòn nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các định hướng quy hoạch phát triển sông Sài Gòn.

PGS, TS, KTS Nguyễn Hồng Thục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, hơn 300 năm trước đã hình thành đô thị Sài Gòn-Gia Định trên sông nước, bởi vậy cần trả lại bản sắc sông nước Đồng Nai-Sài Gòn hướng ra biển là huyết mạch kinh tế TP Hồ Chí Minh. Hệ thống sông Đồng Nai-Sài Gòn êm đềm bậc nhất thế giới, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đô thị xanh, du lịch sinh thái và hệ sinh thái cảng biển, hài hòa được lý thuyết cộng sinh này sẽ tạo sức bật lớn mạnh và khác biệt cho TP Hồ Chí Minh. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải xây dựng chiến lược đột phá 3 nhà gồm: Nhà khoa học, nhà đầu tư và Nhà nước để thoát khỏi đô thị xô bồ, hướng đến đô thị xanh, tiện ích, đáng sống.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và kiến trúc TP Hồ Chí Minh, mục tiêu của việc phát triển sông Sài Gòn là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông. Mục tiêu và định hướng quy hoạch này tạo cơ hội lớn cho các đối tác, nhà đầu tư nắm rõ, đồng hành với thành phố để phát huy bản sắc, đánh thức tiềm năng sông Sài Gòn gắn với các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế dịch vụ, gắn kết hài hòa giữa hệ sinh thái sông với đô thị, tạo động lực phát triển mới cho thành phố trong tương lai.

Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/danh-thuc-rong-xanh-song-sai-gon-770134