Đánh thức 'Khu vườn bí mật'

Một cuốn sách dành cho thiếu nhi hấp dẫn và ấn tượng của nữ nhà văn Frances Hodgson Burett - tiểu thuyết 'Khu vườn bí mật'.

Tiểu thuyết 'Khu vườn bí mật' có nhiều tranh minh họa đẹp do họa sĩ Graham Ruts thực hiện. Ảnh: Trinh Phạm

Một cuốn sách dành cho thiếu nhi hấp dẫn và ấn tượng của nữ nhà văn Frances Hodgson Burett - tiểu thuyết “Khu vườn bí mật”. Đọc 27 chương tiểu thuyết đó, người lớn cảm thấy như gặp lại mình ngày thơ bé còn độc giả nhí thấy chính mình một cách chân thực đến từng chi tiết.

Nảy mầm từ yêu thương

Ngay những dòng đầu tiên của trang sách, người đọc ấn tượng với nhân vật chính, cô bé Mary khác thường cả về ngoại hình lẫn tính cách: “...Mọi người đều bảo rằng nó là đứa trẻ khó coi nhất mà họ từng thấy. Quả cũng không ngoa. Con bé có khuôn mặt mỏng dính, thân hình gầy gò, mái tóc màu lơ thơ, lại còn hay gắt gỏng. Tóc nó vàng hoe, mặt cũng vàng ệch bởi nó sinh ra ở Ấn Độ và thường xuyên ốm đau, không bệnh này thì tật nọ”.

Tiểu thuyết 'Khu vườn bí mật' được coi là một trong những tác phẩm hay, mẫu mực kinh điển cho văn học thiếu nhi. Ảnh: Trinh Phạm

Frances Hodgson Burett (1849 - 1924, Anh) là tác giả của rất nhiều sách viết cho thiếu nhi. Các trang viết của bà mở ra thế giới mộng mơ, ngọt ngào và tràn đầy ánh sáng mà thấm đượm tình cảm âu yếm, tư tưởng sùng bái những gì là vẻ đẹp huyền bí. Điều đó ta sẽ thấy rất rõ ở cuốn tiểu thuyết: “Khu vườn bí mật” được Burett viết năm 1888. Dù tác phẩm này cách nay đã hơn một thế kỉ nhưng vẫn được coi là một trong những tác phẩm hay nhất và một mẫu mực kinh điển cho văn học thiếu nhi.

Đã thế, dù có ông bố nổi tiếng từng tham gia Chính phủ Anh và người mẹ đẹp mê hồn nhưng Mary lại không được sống trong vòng tay quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Nếu bố bận rộn với công việc của chính khách thì mẹ chỉ quan tâm đến các buổi tiệc tùng, thích tiêu khiển với những con người vui tươi hạnh phúc.

Tủi thân thay khi: “Bà chẳng hề muốn có một đứa con gái nhỏ, cho nên khi Mary vừa ra đời bà bèn giao nó ngay cho một Ayah (người phụ nữ được thuê để chăm sóc trẻ mới sinh - tiếng Ấn Độ) chăm sóc, và cô này được nhắc nhở rằng muốn làm vui lòng bà chủ thì cô phải lo cho đứa bé càng khuất mắt bà càng tốt”.

Nhưng rồi, một đợt dịch tả tràn qua, cha mẹ của Mary đều qua đời. Cô được gửi tới trang viên Misselthwaite ở nước Anh xa xôi để sống với bác ruột Craven - chủ trang viên rộng lớn Misselthwaite.

Hoàn cảnh ấy đã ảnh hưởng đến tính cách của Mary. Cô luôn xa cách và gắt gỏng khi chơi với bọn trẻ con đến nỗi bị chúng đặt cho biệt danh “Cô chủ Mary quá ư ngang ngược”. Mary không thể tự thực hiện sinh hoạt cá nhân như mặc quần áo, cài khuy áo, đi giầy... khiến cô gái hầu phòng tên là Martha phải kinh ngạc.

Cô bé cộc lốc kiêu căng, ăn nói trống không, coi thường người khác, hay tò mò dễ nổi cáu... Bởi vậy, Mary ở phần đầu tiểu thuyết là điển hình cho một đứa trẻ ích kỉ và hư hỗn.

Có thể nói, việc gặp được cô hầu phòng như Martha và sau này đến em trai của Martha - Dickon chính là diễm phúc của Mary Lennox. Trong những trang sách tiếp theo, Martha đã khiến cho Mary sốc vì tuy là người hầu nhưng cô lại có những “chống đối” hợp lý rất kịch liệt khiến cho “cô chủ nhỏ” nhiều phen tức điên người.

Bên cạnh đó, cậu em trai Dickon của Martha đích thực là một phép màu diệu kì. Cậu bé ấy lý giải mọi điều bằng trái tim trẻ thơ, bằng tài năng hiểu động vật, vô cùng yêu thiên nhiên hoang dã: “Đó là mùi của đất sạch, và còn mùi của cây cối đang đâm chồi nảy lộc sau khi được tưới tắm dưới những trận mưa nữa. Nhiều bận đang lang thang trên cánh đồng hoang thì cơn mưa ập xuống, tôi liền nằm trú dưới một bụi cây, lắng nghe tiếng mưa rơi rả rích trên lá thạch nam và cứ hít hà mãi... Mẹ bảo tôi đã hít hà quá nhiều không khí trong lành suốt mười hai năm qua nên một chút khí lạnh cũng chẳng thể làm tôi khụt khịt nổi ”.

Tuy không có một cuộc sống no đủ nhưng tấm lòng đôn hậu thuần khiết mà cậu bé thừa hưởng được từ gia đình đã góp phần làm cho thế giới xung quanh và mọi người tràn đầy tình yêu thương, hạnh phúc. Từ đây, những hạt mầm tình người ngọt ngào bắt đầu đâm chồi nảy lộc trong tâm hồn của cô bé “Mary quá ư ngang ngược”, dần dần thay đổi tính cách, tâm tư tình cảm của em.

Sau Mary là Colin. Câu chuyện bắt đầu khi Mary nghe thấy những tiếng kêu trong hành lang vì có ai đó đang than khóc...“Trời ơi, ngôi nhà này mới kì dị làm sao! Mary kêu lên - một ngôi nhà kì dị quá thể! Mỗi một thứ là cả một bí mật.

Các căn phòng khóa chặt, những khu vườn cũng khóa kín, và ngay cả cậu nữa! Cậu đã bị nhốt kín trong phòng chăng?”. Chủ nhân của những tiếng khóc bí ẩn hàng đêm kia chính là vị “Tiểu vương” đích thực - con trai bác Craven - Colin. Cậu bé mất mẹ khi vừa sinh ra, người cha quá đau buồn mà bỏ bê. Colin đã không thể đi lại vì đôi chân quá yếu, chỉ biết rên khóc trong phòng và sợ hãi trước ánh nắng Mặt trời.

Ban đầu, Colin mang đến cho người đọc vừa là sự thương xót bởi nỗi cô đơn và ốm yếu, vừa là sự khó chịu bởi tính cách yếu đuối, ích kỉ và cực đoan thái quá về bệnh tật của mình. “Bởi tớ lúc nào cũng như thế này, ốm đau dặt dẹo và phải nằm suốt ngày... Nếu tớ sống, có lẽ tớ sẽ là một thằng gù…”.

Ba đứa trẻ: Mary Lennox, Colin, Dickon là ba tính cách riêng, hoàn cảnh riêng vậy mà lại hòa hợp đến không ngờ. Người đọc sẽ dần thấy được những chuyển biến trong nhận thức cũng như trong tâm tư, tình cảm và việc làm của Mary Lennox, Colin nhờ sự giúp đỡ nhiệt thành của Dickon và thiên nhiên tuyệt đẹp thế kỉ XIX nơi trang viên Misselthwaite.

Cách viết tinh tế, thông minh của tác giả khiến cho các sự việc nối tiếp nhau rất tự nhiên theo tâm lý lứa tuổi lôi cuốn người đọc khám phá những bí ẩn thú vị theo từng trang sách.

Mở ra điều kỳ diệu

Mọi thứ dường như đã chết trong khu vườn mười năm khóa kín, nhất là khi bi kịch xảy ra trong khu vườn khiến cậu bé Colin không còn mẹ và ông bố đau lòng đến mức: “... Mặc cho tâm hồn mình phủ bóng đen u ám và khăng khăng khước từ không cho bất kì tia sáng nào rọi qua... Ông đã quên lãng và bỏ mặc gia đình cùng bổn phận của mình” trong những cuộc phiêu lãng vô định.

Nhưng cô cháu gái Mary đã đến, bằng một cách rất riêng, rất tình cờ và tìm ra những thứ sẽ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời em và bao người khác, khi mùa Xuân về đánh thức cả khu vườn.

Dẫn dắt từng bước chân tò mò háo hức của Mary Lennox là một chú chim “có bộ lông ức đỏ rực đang đậu trên cành cao nhất trong mấy ngọn cây, đột nhiên hót vang bài ca mùa Đông của nó, như thể nó đã trông thấy con bé và cất tiếng gọi. Con bé đứng lặng nghe chim hót. Không hiểu sao tiếng hót thân thiện, vui vẻ của nó làm dâng lên trong lòng Mary một cảm giác dễ chịu...”.

Chú chim nhỏ đáng yêu đó giúp cô chủ nhỏ tìm thấy khu vườn bí mật và chiếc chìa khóa bị chôn giấu suốt một thập kỉ. Tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa khu vườn cũng chính là khoảnh khắc mở ra tất cả những điều kì diệu nhất sau đó: “Đó quả là nơi ngọt ngào huyền bí nhất chưa ai có thể tưởng tượng nên... Cây cối cùng những cành nhánh mềm mại đang đung đưa trong gió là cả một tấm mạng màu xanh tuyệt đẹp do ngàn vạn chiếc lá nhỏ xíu mềm mại dệt thành đang phủ kín khắp nơi; trên bãi cỏ dưới bóng cây, nơi các bình xám trong hốc tường, chỗ này chỗ kia, hết thảy đều rực lên những đóa hoa màu vàng, tím, trắng; và những cây cao cũng đang khoe những đóa hoa màu phớt hồng và màu trám tuyết...”.

Sự kì diệu của tình bạn, tình yêu cuộc sống chính là điều gắn kết những đứa trẻ, đưa mọi người đến gần nhau hơn và hồi sinh từ con người đến cảnh vật tại trang viên. Cô bé Mary Lenox ích kỉ, ngang ngược trở nên đáng yêu, biết sẻ chia giúp đỡ mọi người.

Colin - một đứa trẻ ốm yếu, trịch thượng, không đứng vững nổi lại có thể bước đi mạnh mẽ và vững chãi như bất kỳ đứa bé nào khác trong tiếng reo vui “Tớ sẽ khỏe! Tớ sẽ khỏe! – Nó gào to - Mary! Dickon! Tớ sẽ khỏe mạnh! Và tớ sẽ sống mãi mãi, mãi mãi, mãi mãi!”. Ông lão làm vườn gù lưng Ben cũng trở nên hóm hỉnh, thú vị hay ông chủ trang viên - bác Craven đã tìm lại được niềm vui, niềm hi vọng sau những chuyến đi xa...

Hòa mình vào câu chuyện, độc giả tưởng như được tận mắt nhìn thấy khu vườn xinh đẹp, được hít thở bầu không khí thiên nhiên tràn ngập sắc màu trong không gian ấm áp, tuyệt vời của cây cỏ, hoa lá cùng với Mary: “.. Con bé cảm thấy như mình vừa khám phá ra cả một thế giới. Mặt trời tỏa sáng bên trong bốn bức tường, vòm trời cao xanh phía trên mảnh đất đặc biệt này của Misselthwaite thậm chí còn rực rỡ và dịu dàng hơn khi bao trùm trên cánh đồng hoang. Từ ngọn cây nơi nó đang đậu, con chim ức đỏ sà xuống đất nhảy nhót và bay theo con bé từ bụi cây này sang bụi cây khác... mọi thứ thật kì lạ và yên tĩnh...”.

Một minh họa trong trang sách.

Dưới ngòi bút của nữ nhà văn Frances Hodgson Burett, thiên nhiên trở thành người bạn của con người, chim chóc, muông thú, cỏ hoa đều được thấm đượm tình cảm âu yếm. Từng câu, từng chữ khi miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên đều ngọt ngào và tràn đầy ánh sáng. Khu vườn bị bỏ quên vì ký ức u buồn của người chủ nay đã hồi sinh.

Tác giả gửi thông điệp ngầm: Tình yêu thương giữa con người với thiên nhiên xung quanh sẽ tạo nên những điều tốt đẹp. Không chỉ vậy, những thông điệp dành cho trẻ em cũng rất rõ ràng trong từng đề mục chương sách về rèn luyện sức khỏe bằng thể dục, thể thao hay được vui chơi, nói cười thỏa thích... Bao nhiêu niềm vui ấy ngày nay nhiều khi lãng quên bởi nhịp sống hối hả và bận rộn, con người dường như quên mất môi trường, bè bạn xung quanh, có khi vô tình hủy hoại nó nên đã phải chịu sự trừng phạt.

“Khu vườn bí mật” thực sự mang đến cho người đọc niềm vui nhẹ nhàng, êm dịu và ấm áp, những cảm xúc tốt lành hiếm có; cảm nhận được sức sống căng tràn và tươi mới đang rộn ràng bừng lên từ chính mình. Hãy mở rộng những khu vườn bí mật trong mỗi chúng ta! Những trang sách cũng kì diệu như chính thông điệp mà nó đang truyền tải.

Chính vì giá trị nhân văn này, cuốn tiểu thuyết đã nhận được rất nhiều khen ngợi từ những tờ báo hàng đầu thề giới: “Một pha trộn về sức mạnh, vẻ đẹp, mối quan tâm sinh động và lòng tốt chân thành. Cuốn sách này chính là một điều diệu kỳ” (Theo The New York Times); “Một câu chuyện về khám phá bản thân, tìm thấy tình bạn và tác dụng hàn gắn của thiên nhiên...” (Theo School Library Journal)

Tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” dày khoảng 321 trang xen kẽ tranh minh họa đẹp do họa sĩ Graham Ruts thực hiện. Theo dịch giả Nguyễn Tuấn Khanh, ngoài các phóng tác truyền thanh, từ những năm 1949 “Khu vườn bí mật” đã được điện ảnh Mỹ dựng thành phim. Đến nay, cuốn tiểu thuyết vẫn được các nhà xuất bản lớn của Anh, Mỹ tái bản và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Biết bao bạn đọc bày tỏ sự kinh ngạc, niềm say mê, thán phục trước tác phẩm kì lạ này.

Phạm Thị Trinh (Giáo viên Trường Tiểu học & THCS Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/danh-thuc-khu-vuon-bi-mat-post655006.html