Đánh thức giấc mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vốn có nhiều đặc thù và khó khăn. Dẫu vậy, trong suốt những năm qua, các thầy, cô giáo trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình vẫn kiên trì, bền bỉ gieo những mầm xanh hy vọng, đánh thức khát vọng vươn lên cho các thế hệ học sinh. Các em học sinh đã thành công trong nhiều lĩnh vực công tác như: Giáo viên, bác sỹ, kỹ sư, những công nhân tay nghề giỏi... hoặc chững chạc bước vào đời, từng bước khẳng định sự trưởng thành trên chính mảnh đất khó quê hương.

Cô giáo Thu Hương trong giờ lên lớp.

Những đứa con của núi rừng

Gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Đinh Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú nhận được một "món quà" ý nghĩa. Đó là cuộc điện thoại xúc động của cô học trò cũ Bùi Thị Hoa. Năm nay, do dịch COVID-19, chị Bùi Thị Hoa không thể về tận nơi để nói lời tri ân đối với những thầy cô giáo cũ. Cô học trò nhỏ năm nào, nay cũng đã trở thành cô giáo, vững vàng chuyên môn trên bục giảng, được trò yêu, đồng nghiệp quý mến ở một ngôi trường xa.

Kể về hành trình đến với nghiệp phấn trắng, bảng đen của cô học trò cũ Bùi Thị Hoa, cô giáo Đinh Thị Ngoan cho biết: Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế vẫn còn nhiều đồng bào tồn tại hủ tục, lạc hậu và chưa chú trọng đến việc học hành của con em. Học trò Bùi Thị Hoa là một trong các học sinh có hoàn cảnh như thế. Nhà Hoa ở tận Bản Mét, xã Kỳ Phú. Cũng như nhiều gia đình khác, bố mẹ Hoa vẫn còn quan niệm, con gái chỉ cần giỏi việc nương rẫy, biết cách thu vén cho gia đình rồi lấy chồng, sinh con là được.

Nhưng Hoa lại là cô gái nhiều nghị lực và em học hành rất chăm chỉ. Trong ngôi trường THPT Dân tộc nội trú, không chỉ được truyền thụ kiến thức, giáo dục các kỹ năng sống, Hoa và các bạn còn được thầy cô truyền lửa, đánh thức những giấc mơ về một tương lai tốt đẹp hơn mà có lẽ bản thân các em chưa bao giờ dám nghĩ tới. "Mỗi học sinh đều có một khả năng riêng. Nhiệm vụ của giáo viên không chỉ giúp các em lĩnh hội tri thức mà còn phát hiện, bồi dưỡng và động viên các em tự tin vươn lên, đạt được các mục tiêu cụ thể trong học tập và cuộc sống. Hoa từng rụt rè chia sẻ với chúng tôi về ước mơ trở thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng, đưa chữ về với đồng bào dân tộc mình"- cô Đinh Thị Ngoan nhớ lại. Nhưng ngày Hoa có giấy báo đỗ đại học, bố Hoa vẫn không đồng ý cho con đi học. Bố Hoa muốn con ở nhà lấy chồng để ổn định cuộc sống, như bao người con gái vùng sâu khác. Để Hoa bỏ hẳn ý định đi học đại học, bố đã đốt quyển sổ học bạ khiến em rất thất vọng và chỉ biết khóc vì tiếc nuối. Một lần nữa, các thầy cô giáo trong trường đã tích cực vào cuộc để vận động, phân tích cho gia đình Hoa hiểu tầm quan trọng của việc học. "Mưa dầm thấm lâu", bố mẹ Hoa đã thay đổi nhận thức và đồng ý cho con học lên đại học.

Hiện nay, cô gái dân tộc Mường Bùi Thị Hoa đã tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội và đang công tác ở một ngôi trường ở tỉnh Thanh Hóa. Mỗi năm, đến ngày Nhà giáo Việt Nam, nhận những bó hoa tươi thắm của học trò thì cô giáo Hoa lại nhớ về ngôi trường cũ, nơi các thầy cô giáo của mình năm xưa vẫn miệt mài với phấn trắng bảng đen, bền bỉ thắp lên ngọn lửa đam mê cho các thế hệ học trò miền núi.

Cô giáo dân tộc Mường Hoàng Thị Thu Hương là giáo viên môn Giáo dục công dân, cũng là học sinh cũ của trường. Cô Hương xúc động nói rằng, chuẩn bị đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì trong cô lại đong đầy kỷ niệm về cái thời muốn bỏ học vì nhớ nhà. Cô sẽ không thể đứng trên bục giảng, không đủ mạnh mẽ để làm công việc mà mình thích... nếu không có sự dìu dắt, động viên và đồng hành của thầy cô giáo ở trường THPT Dân tộc nội trú này. "Tôi hạnh phúc hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa khi được công tác ở chính nơi có nhiều kỷ niệm thuở học trò. Ngôi trường đã đánh thức giấc mơ trong tôi, khuyến khích tôi nỗ lực để vươn về phía trước. Tôi được tiếp nối truyền thống của thầy cô năm xưa, ngày ngày gieo chữ, gieo niềm đam mê cho các thế hệ học trò miền núi. Rất nhiều em dân tộc Mường của huyện miền núi Nho Quan đã trưởng thành và khẳng định được năng lực trong nhiều lĩnh vực công tác. Cũng có nhiều em tuy không học đại học, nhưng đã chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp để theo đuổi và đã đạt được thành công nhất định. Đó là điều hạnh phúc, là món quà lớn nhất đối với những người "chở đò" như chúng tôi"- cô giáo Hương xúc động chia sẻ.

Nơi ươm mầm những ước mơ

Hiện nay, trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình có 395 học sinh. Được biết, rất nhiều em học sinh của nhà trường thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đến từ các xã miền núi còn khó khăn như Cúc Phương, Kỳ Phú, Quảng Lạc, Thạch Bình... Bởi vậy, việc vận động các em đến trường, không bỏ học giữa chừng luôn là nhiệm vụ mà nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục từ nhiều năm qua. Sự tận tụy, miệt mài và đam mê với sự nghiệp trồng người ấy của các thầy, cô giáo đã góp phần ươm mầm và khơi dậy được khát vọng vươn lên của các thế hệ học trò vùng cao.

Hai học sinh Đinh Thị Minh Anh và Đinh Thị Minh Ánh ở bản Nga 2, xã Cúc Phương là hai chị em sinh đôi, hiện đang là học sinh lớp 11C, trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình. Ngày còn học cấp 2, cả hai chị em là lao động chính trong nhà. Những ngày được nghỉ học, phần nhiều thời gian trong ngày hai em theo bố mẹ lên rẫy để trồng ngô. Từ khi vào học tại trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình, hai em được bố mẹ động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học tập. Bà Đinh Thị Tình, mẹ của Minh Anh, Minh Ánh cho biết, vợ chồng bà sinh được 5 người con, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hàng ngày, vợ chồng bà đi làm thuê, công việc và thu thu nhập rất bấp bênh vì không đều việc... Bà Tình bảo, chúng tôi nghèo mãi là do thiếu cái chữ. Có chăm chỉ mà không biết tính toán làm ăn, không biết học hỏi áp dụng KHKT thì cũng khó. Đời mình đã khổ rồi, chúng tôi không muốn các con mình cũng như thế nữa. Các thầy, cô giáo lại thường xuyên đến nhà động viên, chia sẻ, việc học không chỉ giúp các con có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, mà quan trọng hơn, còn giúp các con hiểu cách làm người. Bởi vậy, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho con đến trường. Tôi hy vọng các cháu học tập tốt, để sau này không phải vất vả như cha mẹ mình.

Cô giáo Đinh Thị Ngoan, Hiệu trưởng PTTH Dân tộc nội trú Ninh Bình cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số, quan trọng nhất là khơi dậy được động lực học tập cho các em, giúp các em xác định được các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Với đặc thù là học sinh nội trú, thầy cô còn có vai trò như cha mẹ, như người bạn để đồng hành, chia sẻ và định hướng cho học sinh.

Trong năm 2020, trước tình trạng phải nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch COVID-19, để việc học của các em học sinh không bị ảnh hưởng, nhà trường đã phân công giáo viên phụ trách từng địa bàn, đến tận nhà các em học sinh, nhất là các em cần phụ đạo để hướng dẫn các em ôn luyện, củng cố kiến thức, đặc biệt là tạo cho các em cảm giác phấn khởi, hào hứng và gắn bó với thầy cô, bạn bè, trường lớp.

Cũng trong những buổi gặp gỡ học sinh và gia đình, thầy cô sẽ nắm được tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của các em và gia đình để kịp thời tư vấn, động viên. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, để giới thiệu, gợi mở, giúp các em tìm hiểu sâu về các nét đẹp văn hóa trong đồng bào dân tộc Mường. Từ đó, giúp các em bồi tụ lòng tự tin, tự hào về bản sắc của dân tộc mình, tích cực học tập tự khẳng định được bản thân mình ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Những nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong nhà trường được đáp đền bằng chính sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh. Tỷ lệ học sinh trong nhà trường bỏ học giữa chừng giảm dần và đã được chấm dứt trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tham gia xét tuyển và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đã tăng lên 40% trong năm học vừa qua, 60% học sinh được định hướng và đã theo học nghề phù hợp với trình độ, sở thích của bản thân.

Bài, ảnh: Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/danh-thuc-giac-mo-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so/d2021111907592534.htm