Đánh giá triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án

Sáng ngày 15/3, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án giai đoạn 2021 - 2023 và giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo.

Đại biểu dự hội nghị.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN; Võ Hoàng Minh, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; Lê Trí Thiện, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở KH-CN.

Giai đoạn 2021 - 2023, Sở KH-CN triển khai thực hiện 70 đề tài, dự án (62 đề tài, dự án cấp tỉnh và 08 đề tài cấp cơ sở); trong đó có 32 đề tài, dự án đã được nghiệm thu và đã chuyển giao kết quả; nghiên cứu 23 đề tài, dự án đến đơn vị tiếp nhận và 02 đề tài đang hoàn chỉnh thủ tục chuyển giao cho các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan để đưa vào ứng dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe, quản lý, sản xuất, kinh doanh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thẩm quyền quản lý được giao.

Đồng chí Trần Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cầu Ngang ý kiến về dự án nuôi dê còn khó khăn về đầu ra.

Các đề tài, dự án được ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2023 gồm: dự án lĩnh vực khoa học nông nghiệp “chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai tại tỉnh Trà Vinh”; đề tài “cải thiện khả năng sinh sản của bò lai hướng thịt tại tỉnh Trà Vinh”, đề tài này đã chuyển giao 230 con bò sinh sản cho các hộ dân Khmer ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú để tạo sinh kế phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đề tài lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ “xây dựng quy trình xử lý nước thải và chất thải từ ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng phương pháp sinh học tại tỉnh Trà Vinh”. Theo nghiên cứu của ngành chuyên môn, hiện toàn tỉnh có 8.200ha nuôi tôm thẻ chân trắng, phần lớn nuôi theo hình thức thâm canh, thâm canh mật độ cao nên tỷ lệ chất thải rắn với tích tụ trầm tích cao, gây ô nhiễm môi trường… Vì vậy việc ứng dụng kết quả đề tài này để cải thiện quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 - 3 giai đoạn, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm.

Đồng chí Huỳnh Văn Ân, chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải ý kiến về tình hình thực hiện dự án trồng màu và nuôi dê của địa phương.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham khảo kết quả đề tài trong quá trình thực hiện dự án “đánh giá hiện trạng và đề xuất quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh”. Đề tài “thiết kế chế tạo thiết bị xác định tỷ lệ sáp trong trái dừa”, từ kết quả nghiên cứu, Trường Đại học Trà Vinh đã đặt mục tiêu kết quả nhận dạng đạt 100% phân loại dừa sáp và không sáp, đạt 90% khi phân loại sáp loại 1 và loại 2.

Lĩnh vực khoa học y dược có 02 đề tài, dự án đã chuyển giao ứng dụng kết quả gồm: đề tài “khảo sát tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020”; “nghiên cứu chỉ số BMI trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020”.

Lĩnh vực khoa học xã hội có đề tài “giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025”; “nghiên cứu giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025”.

Đồng chí Lê Thị Kim Liên, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Càng Long ý kiến đề nghị hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất cây lác.

Tại hội nghị, đại biểu tham luận, ý kiến tình hình triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án. Trong đó nổi bật mô hình nuôi dê trên địa bàn huyện Cầu Ngang hiện nay mang lại hiệu quả cao. Đến nay các hộ tham gia dự án đã tăng lên từ 26 hộ với 650 con, lợi nhuận bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, dự án nuôi dê tại Cầu Ngang còn khó khăn về giá đầu ra. Vì thế, đề nghị Sở KH-CN tiếp tục hướng dẫn cụ thể thực hiện nguồn vốn, để địa phương ứng dụng thực hiện các đề tài, dự án hiệu quả hơn.

Mô hình trồng dưa lưới, dưa leo trong nhà màng, nhà lưới, mô hình trồng táo, nuôi dê trên địa bàn thị xã Duyên Hải mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên giá bán từ dự án nuôi dê bấp bênh, nên lợi nhuận không ổn định. Huyện Trà Cú tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tre trúc tầm vong đáp ứng đa dạng các mặt hàng trên thị trường. Huyện Càng Long hiện nay có diện tích trồng lác khá lớn nhưng không có máy thu hoạch và máy xử lý phụ phẩm từ cây lác, do đó huyện đề nghị Sở KH-CN có giải pháp hỗ trợ huyện về trang thiết bị máy móc và sớm ban hành hướng dẫn để huyện triển khai nguồn vốn năm 2024 kịp thời…

Đồng chí Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN ghi nhập các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu bổ sung đưa vào giải pháp trình UBND tỉnh nhằm mục đích tăng cường ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời tập trung nâng cao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các đề tài khoa học và các dự án ứng dụng.

Các địa phương chủ động đề xuất đề tài, dự án sớm hơn để Sở KH-CN có giải pháp nghiên cứu hiệu quả hơn. Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện các mô hình và nhân rộng kết quả. Tập trung xây dựng các liên kết về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ với tiêu thụ sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân gắn kết với địa phương để ứng dụng hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các dự án…

Tin, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/danh-gia-trien-khai-ung-dung-ket-qua-nghien-cuu-cua-cac-de-tai-du-an-35693.html