Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm sẽ giúp quản lý hiệu quả

Trước thực trạng nguy cơ an toàn thực phẩm, đại diện ba Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương với khoảng hơn 30 chuyên gia khoa học trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho biết tại Hội thảo "Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm” do Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường phối hợp với Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO): Trong thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp hiệu quả để xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) trong nước. Tháng 6, ba Bộ đã thành lập và cử chuyên gia tham gia nhóm kỹ thuật đánh giá nguy cơ về ATTP. Việc thành lập nhóm kỹ thuật sẽ là một bước tiến lớn trong việc đánh giá nguy cơ ATTP tại Việt Nam, tiến tới thành lập Trung tâm Đánh giá nguy cơ quốc gia về ATTP.

Toàn cảnh Hội thảo Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm

Tuy nhiên, ông Tiệp cho rằng trong bối cảnh ngành mới phát triển, còn thiếu nhân lực, nguồn lực, cần xác định vùng rủi ro, mức độ ảnh hưởng để hành động hiệu quả. Bảo đảm ATTP là trách nhiệm của toàn thể xã hội chứ không của riêng ai. Việc quản lý chuỗi cần bắt nguồn từ gốc. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nhiệm vụ giám sát, đánh giá, cảnh báo và quản lý nguy cơ ATTP đối với các loại thực phẩm nông sản và thủy sản tiêu dùng. Nhưng để nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm và kiểm tra thực tế, cần hợp tác với các bộ, ngành và địa phương.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) Lưu Đức Du cho biết, ATTP chịu ảnh hưởng bởi nhiều công đoạn, từ sản xuất ban đầu đến quá trình chế biến, đóng gói, lưu thông đến khi tiêu thụ. Mỗi công đoạn chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Như vậy, bên cạnh các hoạt động tiêu chuẩn (quy chuẩn) hóa, lấy mẫu, kiểm nghiệm đầu cuối của các phòng kiểm nghiệm, để đánh giá nguy cơ cần phải tổ chức đánh giá một cách toàn diện, và kiểm soát đủ cả quá trình, chu chuyển sản phẩm. “Trong bối cảnh hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc xuất xứ còn có những bất cập, gây khó khăn cho việc điều tra. Do đó, có một số trường hợp còn chưa truy đến cùng để xác định được chính xác nguyên nhân gốc rễ gây nên ngộ độc thực phẩm, sự cố ATTP” ông Du nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc phân công nhiệm vụ thực hiện quản lý nguy cơ ATTP hiện vẫn thiếu thống nhất giữa các quy định trong các Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Cục với Thông tư 02/2013/TT-BNNPTNT. Ngoài ra, các khóa đào tạo về đánh giá nguy cơ tổ chức, tham gia chủ yếu thiên về lý thuyết, chưa có nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về thực hành hoạt động đánh giá nguy cơ trong thực tế.

Chia sẻ kinh nghiệm hệ thống ATTP dựa trên nguy cơ của Canada, ông Brian Bedard, Giám đốc An toàn Thực phẩm và Sức khỏe động vật cho biết, Canada đã ban hành các đạo luật và quy định liên quan, trong đó, bao gồm: đạo luật thú y, đạo luật bảo vệ thực vật, đạo luật về thực phẩm và dược phẩm, đạo luật thức ăn chăn nuôi, đạo luật giống cây trồng, đạo luật phân bón, đạo luật thanh tra. Đơn cử như Luật Thực phẩm an toàn sẽ giúp tăng cường và hiện đại hóa hệ thống, tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tại cửa khẩu, ngăn cấm các hành vi gian dối, giả mạo và đánh lừa, xử phạt nặng hơn. Đồng thời là cơ sở để truy xuất nguồn gốc và ghi chép hồ sơ. "Công tác đánh giá nguy cơ ATTP là chìa khóa để triển khai truyền thông hiệu quả. Tôi tin rằng khung pháp lý hiện tại của Việt Nam tạo điều kiện cho quản lý ATTP bài bản. Dường như xuất phát điểm của hợp tác Canada - Việt Nam là từ nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm tới thực phẩm sạch”, ông Brian Bedard nói.

(Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường)

CÁT THÀNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/danh-gia-nguy-co-an-toan-thuc-pham-se-giup-quan-ly-hieu-qua-i349720/