Đánh giá kỹ tác động về giới khi tăng tuổi phục vụ của lực lượng Công an nhân dân

Góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần đánh giá kỹ tác động về giới khi quy định tăng tuổi phục vụ đối với nữ công nhân công an, sĩ quan và hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ chiều 27/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ chiều 27/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chiều 27/5, trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) nhất trí cần có sự điều chỉnh để bảo đảm tương đồng với các quy định của Bộ luật Lao động, cũng như mức độ phát phát triển về dân số, điều kiện sức khỏe, kinh tế-xã hội nói chung.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn một số vấn đề liên quan đến sĩ quan nữ, cho rằng dự thảo Luật chưa làm rõ tác động của việc điều chỉnh tăng tuổi phục vụ theo mức chung là có lợi hay bất lợi cho đối tượng chịu tác động.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) cho rằng, đối với việc kéo dài tuổi hưu, cần đánh giá kỹ tác động về giới, vì nữ giới khi tham gia phục vụ trong ngành thường gặp nhiều khó khăn, do các đặc điểm đặc thù của ngành.

Đại biểu đề nghị cần có báo cáo đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề bình đẳng giới, xem xét kỹ tác động về giới để từ đó đưa ra quyết sách phù hợp.

Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cũng liên quan đến Điều 30, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Trường hợp đặc biệt, sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này có thể được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền”.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần làm rõ nội hàm thế nào là trường hợp đặc biệt, kéo dài thêm bao lâu và cấp có thẩm quyền là cấp nào.

Đại biểu Chá A Của (Đoàn Sơn La) cũng cho rằng phải quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền để bảo đảm tính rõ ràng, khả thi khi áp dụng pháp luật.

Đề xuất không kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động

Trong dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất tăng tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không nên kéo dài thời gian nghỉ hưu với người lao động trong lực lượng Công an nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cho biết, tại kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, hầu hết cử tri (trong đó có công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang) đều đề nghị giữ nguyên quy định nghỉ hưu đối với lao động nữ là 55 tuổi và lao động nam là 60 tuổi trước đây.

“Vậy tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa một bên là người lao động, làm việc trực tiếp, nặng nhọc muốn nghỉ hưu sớm, còn một bên là cán bộ, công chức giữ vị trí, chức danh nhất định muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Vậy có lợi ích gì ở đây?” đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri tại địa phương, người lao động cũng đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 55, nam là 60.

“Các thầy cô giáo, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang ở vùng cao cho rằng, họ đã cống hiến tuổi trẻ cho vùng cao, nhưng đến tuổi 55 là phù hợp với nữ và 60 là phù hợp với nam. Không chỉ với quân đội, giáo viên, công nhân, người lao động, mà chiến sĩ công an trực tiếp làm việc tại các đơn vị cũng mong muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như trước đây. Trong khi đó chỉ một bộ phận nhỏ giữ chức danh lãnh muốn tăng tuổi nghỉ hưu”, đại biểu Khánh nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định một số chức danh cụ thể nào đó kéo dài tuổi nghỉ hưu chứ không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu với tất cả các đối tượng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tham gia ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ở nước ngoài thường kéo dài tuổi nghỉ hưu một lần, còn ở Việt Nam thì luật mềm mại hơn, kéo dài theo tuần tự, mỗi năm tăng vài tháng chứ không tăng ngay một lần.

“Luật cũng có quy định một số ngành nghề được nghỉ hưu trước, thậm chí thời gian nghỉ hưu trước tuổi lên tới 5 năm. Về ý kiến đóng góp của các đại biểu, Quốc hội hoàn toàn có thể nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh trong dự án luật này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/danh-gia-ky-tac-dong-ve-gioi-khi-tang-tuoi-phuc-vu-cua-luc-luong-cong-an-nhan-dan-post754910.html