Đánh giá đúng thành tựu của phát triển

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Từ chiều 31.10 đến hết ngày 1.11 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận kinh tế - xã hội với nhiều nội dung rất quan trọng. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV...).

Duy trì tăng trưởng kinh tế, chính sách an sinh xã hội được xử lý hợp lý, đúng đắn

Trong một ngày rưỡi, đã có 69 đại biểu phát biểu (52 đại biểu phát biểu với thời lượng 7 phút/đại biểu và 17 đại biểu phát biểu với thời lượng 5 phút/đại biểu); 24 lượt đại biểu tranh luận (mỗi tranh luận 2 phút) và 5 Bộ trưởng, trưởng ngành phát biểu giải trình, làm rõ thêm những vấn đề khúc mắc mà các đại biểu nêu lên (mỗi phát biểu 10 phút). Thời lượng còn lại dành cho Chủ tọa điều hành thảo luận. Mặc dù thời gian eo hẹp nhưng qua các phát biểu của đại biểu cũng đã lột tả được nhiều vấn đề khá cơ bản, cả thành tựu và những tồn tại, hạn chế.

Trước hếtphải xác định rõ những thành tựu chủ yếu đạt được trong bối cảnh ngổn ngang, bộn bề những khó khăn mà hậu đại dịch Covid-19 đã để lại cho thế giới và trong nước. Theo các đại biểu, trong nhiều thành tựu đạt được, nổi bật trong năm 2023 vẫn là duy trì tăng trưởng kinh tế, xử lý có hiệu quả nhiều vấn đề xã hội phức tạp và kết quả phát triển bền vững hạ tầng cơ sở.

Về tăng trưởng kinh tế, GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24%, trong đó quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%, quý III tăng 5,33% (quý sau tăng cao hơn quý trước); ước cả năm tăng 5%. Trong khi đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) tại thời điểm tháng 10.2023, thì GDP toàn thế giới năm 2023 chỉ tăng khoảng 3%; trong đó các nước đang phát triển và mới nổi là 4%, Thái Lan 2,7%, Malaysia 4%, Singapore 1%, Trung Quốc 5%, Philippines 5,3%, Hoa Kỳ 2,1%, Liên minh châu Âu 0,7%, Nhật Bản 2%, Hàn Quốc 1,4%... Dù chưa đạt kế hoạch 6,5%, nhưng với GDP ước đạt 5% thì quy mô nền kinh tế nước ta đạt tới 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Về an sinh xã hội,trong khi đại dịch Covid-19 dồn nén hậu quả lên các vấn đề xã hội thì nhiều chính sách an sinh xã hội ở nước ta được xử lý hợp lý, đúng đắn. Lao động - việc làm được xoay chuyển theo hướng tích cực, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, đã đưa hơn 11,1 vạn lao động đi làm việc ở ngoài nước, tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm 2,76%. Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm có lợi cho người lao động. Chính phủ đã quyết định nâng “mức chuẩn” trợ cấp ưu đãi người có công từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng (tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 23.7.2023). Đã trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm. Đến tháng 9.2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với quy mô 20.210 căn hộ và đang triển khai tiếp 419 dự án với quy mô khoảng 392.635 căn hộ. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%, trên 94% số hộ dân cư có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) đến nay chỉ còn 2,93%.

Về hạ tầng cơ sở,các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đường bộ được đẩy mạnh và đã hoàn thành 659 km, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác lên 1.822 km, bao gồm các tuyến: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu. Ngành giao thông vận tải quyết tâm phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành thêm 78 km nữa, trong đó có cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km, Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 15 km... Các đại biểu cho biết, cử tri rất phấn khởi, nhất là cử tri đồng bằng sông Cửu Long, vì đường sá mở ra đến đâu, hàng hóa nông sản, thực phẩm (đặc biệt là các sản phẩm OCOP) lưu thông mau lẹ đến đó...

Các kết quả trên đây cũng chính là kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp nên đánh giá theo từng giai đoạn sẽ chính xác hơn

Trong các khuyết, nhược điểm được đề cập, các đại biểu nói nhiều tới 5 chỉ tiêu ước cả năm không đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP); GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong lao động xã hội.

Thực ra 4 chỉ tiêu đầu có quan hệ móc xích, liên đới mật thiết với nhau. Chỉ tiêu “bao trùm” là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) không đạt thì 3 chỉ tiêu tiếp sau cũng khó có thể đạt. Song, như đã nói ở trên, với tốc độ tăng trưởng đạt 5% đã làm tăng quy mô nền kinh tế lên 435 tỷ USD và Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì không thể đánh giá coi nhẹ thành tựu tăng trưởng kinh tế được. Đúng như nhiều đại biểu đã thể hiện chính kiến, ngoài những nguyên nhân chủ quan, thì không thể không tính đến hậu quả ghê gớm của đại dịch Covid-19 với 4 đợt trong 3 năm, tiếp đó năm 2023 còn tiếp tục phải gánh chịu. Đại dịch đã tàn phá các nền kinh tế, để lại những hậu quả nặng nề trên quy mô toàn thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy cục bộ, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và lao động bị xáo trộn, khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt, bình thường chứ chưa nói đến có thể tăng trưởng. Nguy cơ rơi vào trì trệ, suy thoái kinh tế đã hiện hữu. Đại dịch đã làm suy giảm tiêu dùng của xã hội và người dân, ảnh hưởng lớn đến du lịch, dịch vụ. Đại dịch làm giảm sút nghiêm trọng nhiệt huyết của các nhà đầu tư. Mối quan hệ, mức độ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các đối tác trên thế giới bị ngưng trệ... Những hậu quả nặng nề đó đã tác động xấu, ảnh hưởng khôn lường tới tất cả các nền sản xuất trên thế giới, mà Việt Nam không thể ngoại lệ, đúng như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội, “nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài”.

Còn chỉ tiêu giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong lao động xã hội, có lẽ chỉ tiêu này cần được đánh giá theo từng giai đoạn sẽ có độ chính xác hơn là đánh giá hàng năm. Bởi năm nào thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn trong nước “dồi dào”, thì các lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ mở mang, tạo ra nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động nông nghiệp và ngược lại. Theo Bộ Tài chính[1], giai đoạn 2001 - 2010 lao động nông nghiệp đã giảm từ 62,7% xuống còn 48,7%; giai đoạn 2010 - 2022 giảm tiếp còn 27,6% (con số tuyệt đối của lao động nông nghiệp, năm 2001có tới 24,469 triệu người, năm 2022 chỉ còn 14,1 triệu, tức là giảm 10,369 triệu người). Nhìn chung, hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI, xu thế giảm lao động nông nghiệp là khá rõ (bình quân mỗi năm giảm 1,67%)...

Thực tế trong quá trình thực thi kế hoạch kinh tế - xã hội thì vượt qua thách thức, giải quyết đúng đắn, có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc để đi lên cũng là những nhiệm vụ không dễ dàng. Bởi vậy, có thể nói: Thành công không chỉ được đo bằng những gì đã đạt được mà còn bởi những thách thức, khó khăn, trở ngại đã vượt qua. Với ý nghĩa đó thì năm 2023 cũng là một năm thành công với nhiều thành tố, chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao...

Tại phiên thảo luận, có đại biểu đã khái quát 5 vấn đề tác động làm nên thành công của năm 2023, đó là thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài; cải cách thể chế bước đầu phát huy tác dụng; làm chủ khoa học, công nghệ và phát huy trí tuệ; sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn, trong đó giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; chấn hưng văn hóa dân tộc, nâng cao đạo đức công vụ, nhất là lãnh đạo, quản lý.

Năm nhân tố này cần được phát huy ở năm sau và nâng tầm ở các năm tiếp theo.

-----------------------------------

[1] Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Chính 15:02 ngày 22.5.2023.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/danh-gia-dung-thanh-tuu-cua-phat-trien-i348835/