Đánh giá đa chiều trong dạy học

Theo chuyên gia cần sử dụng nhiều hình thức để đánh giá quá trình học tập và áp dụng kiến thức nhằm giải quyết vấn đề trong thực tiễn...

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Theo TS Nguyễn Thanh Tú, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cần sử dụng nhiều hình thức để đánh giá quá trình học tập và áp dụng kiến thức nhằm giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Đánh giá toàn diện, trung thực - Có thể hiểu thế nào là đánh giá đa chiều, thưa ông?

- Đánh giá đa chiều trong giáo dục không chỉ mang đặc trưng của đánh giá nói chung, mà còn nhấn mạnh sự đa dạng hóa phương pháp và đối tượng tham gia. Về bản chất, nó cũng đánh giá tiềm năng, thành tích học tập một cách toàn diện, trung thực, cung cấp thông tin để cải tiến, thúc đẩy quá trình học của người học.

Điều này thực hiện qua nhiều hình thức đánh giá khác nhau như: Tiểu luận, bài tập lớn, báo cáo thực hành, video ghi lại hoạt động, đánh giá từ bạn học, tự đánh giá của bản thân...

Qua tổng hợp các tài liệu, tôi cho rằng có 6 đặc trưng của đánh giá đa chiều.

Một là, hướng vào sự phát triển của người học, đặc biệt đa trí tuệ và phẩm chất sáng tạo. Đánh giá đa chiều tập trung vào kích thích động cơ, ý chí, đề cao sự tôn trọng tính cách của đối tượng đánh giá.

Hai là, quan tâm đến đánh giá quá trình học tập. Nếu đánh giá truyền thống chú trọng đến cho điểm và xếp loại đối tượng thì đánh giá đa chiều hướng vào cải tiến và hoàn thiện nhiệm vụ học tập, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ba là, có sự thống nhất giữa đánh giá mang tính khoa học và nhân văn. Đánh giá khoa học nhấn mạnh sử dụng các tiêu chuẩn khoa học để có kết quả khách quan. Đánh giá nhân văn tích hợp thực tế và giá trị, nghĩa là không chỉ dựa vào thực tế khách quan còn cho phép đánh giá các yếu tố chủ quan của người đánh giá và được đánh giá để đưa ra kết quả cuối cùng.

Bốn là, về chủ thể đánh giá, chủ trương để nhiều đối tượng trở thành chủ thể đánh giá như: Người dạy, bạn cùng lớp, tự đánh giá.

Năm là, đề cao tính xác thực và khả năng vận dụng đánh giá. Giá trị đích thực của giáo dục không chỉ nằm ở kết quả học tập của người học ở trường mà quan trọng hơn là khả năng giải quyết vấn đề đặt ra trong đời sống thực tiễn.

Sáu là, kết hợp giữa đánh giá định lượng và định tính, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng đánh giá định tính để lồng ghép đánh giá định lượng kết quả học tập.

Đánh giá đa chiều trong dạy học bao gồm nhiều hình thức khác nhau như: Đánh giá xác thực, năng động, thay thế, hồ sơ, trực tiếp... Trong đó, đánh giá xác thực là phương thức chủ yếu của đánh giá đa chiều. Đánh giá qua hồ sơ có thể coi như hình thức của đánh giá xác thực. Đánh giá trực tiếp về bản chất cũng là đánh giá xác thực.

TS Nguyễn Thanh Tú (trái) nhận chứng nhận tham gia Diễn đàn Hà Nội về khoa học giáo dục và sư phạm 2022 (HaFPES 2022). Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Thanh Tú (trái) nhận chứng nhận tham gia Diễn đàn Hà Nội về khoa học giáo dục và sư phạm 2022 (HaFPES 2022). Ảnh: NVCC

Coi trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức

- Ông có thể lý giải rõ hơn về hình thức đánh giá xác thực?

- Đánh giá xác thực là thuật ngữ xuất hiện gần ba thập niên trở lại đây trong hệ thống lý luận của khoa học đo lường và đánh giá giáo dục. Hiệp hội quốc tế về đánh giá thành tích giáo dục (IEA) đã chính thức sử dụng “đánh giá xác thực” vào nghiên cứu quốc tế lần thứ ba về khoa học giáo dục, toán học. Đánh giá xác thực có những đặc điểm:

Thứ nhất, nhiệm vụ đánh giá liên quan đến cuộc sống thực. Điều này cho thấy, đánh giá xác thực thường thực hiện trong các tình huống có vấn đề thực tế, bao gồm mô phỏng tình huống hằng ngày hoặc hoạt động thực tế, gần gũi với cuộc sống lao động. Do vậy, khi đánh giá nhiệm vụ người học cần chú ý tính thực tế của câu hỏi và trả lời.

Thứ hai, yêu cầu người học thực hiện điều gì đó đòi hỏi kỹ năng tư duy hoặc giải quyết vấn đề ở cấp độ cao hơn. Tùy theo tình huống đặt vấn đề, người học có thể xây dựng cách giải quyết sáng tạo, phù hợp với nhận thức bản thân hoặc tạo ra tình huống có vấn đề bằng lập luận khoa học.

TS Nguyễn Thanh Tú và sinh viên. Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Thanh Tú và sinh viên. Ảnh: NVCC

Thứ ba, nhấn mạnh vào quá trình và sản phẩm là sự khác biệt lớn giữa đánh giá xác thực và truyền thống. Tầm quan trọng của quá trình nằm ở khả năng giải quyết vấn đề một cách toàn diện với người học, chẳng hạn như tư duy cấp cao, phản xạ, hợp tác, thu thập thông tin và tính sáng tạo... phải được thể hiện trong quá trình đánh giá.

Đối với sản phẩm: Người học phải tạo ra sản phẩm cụ thể, là bằng chứng của sự vận dụng kiến thức đã học. Ở bậc đại học, sản phẩm có thể đa dạng: Thực nghiệm nghiên cứu khoa học xã hội, dịch và phân tích ý nghĩa tác phẩm văn học, bài tập lớn, viết tiểu luận, báo cáo thực hành, khoa học, biểu bảng theo chủ đề, video ghi lại hoạt động, danh mục sách tham khảo, đánh giá bạn học, tự đánh giá bản thân... Theo đó, người học phải tự trình bày sản phẩm còn người dạy đánh giá sự tiến bộ hoặc xem xét quá trình làm ra sản phẩm.

Ở cấp THPT, các môn Ngữ văn, Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội đều có thể áp dụng phương pháp đánh giá đa chiều, vừa phát huy năng lực tập trung cho học sinh vừa có tính khái quát.

Các quy tắc và tiêu chuẩn để đánh giá xác thực người học cần thiết lập trước. Ví dụ, người học hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nào là xuất sắc, trung bình hay kém. Thông qua dự án thực hiện trong vài giờ hoặc một, hai tuần, người dạy theo dõi quá trình người học thực hiện nhiệm vụ để đánh giá khả năng tự tìm kiếm và thu thập thông tin, tổng hợp và phân tích chúng theo mục tiêu dự án.

Qua đó, đánh giá các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như lập kế hoạch, hợp tác, nhận xét, bình luận, giải quyết vấn đề, ra quyết định, trình bày... Những quy định và tiêu chuẩn này được thông báo cho người học để phản hồi trước khi thực hiện nhiệm vụ nhằm tăng hiệu quả đánh giá.

Đánh giá xác thực không chỉ là ghi nhận đơn thuần hay luyện tập trí nhớ thông qua áp dụng quá trình tư duy bậc cao như kiến thức, kỹ năng mà quan trọng là nhìn thấy khả năng vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế, chú trọng đến sản phẩm người học đạt được.

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Đưa ra hình thức đánh giá đa dạng

- Theo ông, đánh giá đa chiều, trong đó có đánh giá xác thực, có thể thay thế hoàn toàn cách đánh giá truyền thống hay không?

- Đánh giá đa chiều không nhằm mục đích xóa bỏ đánh giá truyền thống mà là sự bổ sung mặt mạnh cần thiết cho hình thức này. Khi người dạy sử dụng hình thức đa dạng để đánh giá hoạt động học tập người học sẽ làm tăng hứng thú, kích thích sự sáng tạo, tạo ra động lực thúc đẩy sự cố gắng học tập. Điều này khác biệt với cách đánh giá truyền thống chủ yếu thực hiện thông qua giấy bút và tập trung vào tái hiện kiến thức đã học mà không chú trọng đến năng lực vận dụng tình huống thực.

Để áp dụng đánh giá đa chiều vào hoạt động dạy học đòi hỏi nhiều công sức của người dạy và hoạt động tích cực của người học. Đây là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học. Đồng thời, đánh giá đa chiều có thể áp dụng với học sinh THCS, THPT, đại học và sau đại học.

- Vậy nhà trường, giáo viên cần làm gì để có thể áp dụng đánh giá đa chiều trong dạy học?

- Để áp dụng tốt đánh giá đa chiều trong dạy học, cần giải quyết tốt một số vấn đề như:

Thời gian và tiền bạc: Đánh giá đa chiều thường xuyên suốt quá trình dạy học nên mất thời gian hơn để thực hiện và cho điểm. So với hình thức kiểm tra truyền thống bằng giấy và bút, quy trình vận hành tương ứng của đánh giá đa chiều cần sự hỗ trợ của thiết bị, phương tiện và chi phí tương đối cao.

Về chuyên môn: Đánh giá đa chiều đòi hỏi người dạy hiểu rõ dạng thức, xác định trọng tâm quan sát; xây dựng và nắm vững tiêu chí chấm điểm phù hợp. Vì vậy, trước khi thực hiện, cần tập huấn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, nếu không quá trình thực hiện có thể sai lệch hoặc chệch mục tiêu.

Những khó khăn trên liên quan chặt chẽ với điều kiện đất nước và thực trạng giáo dục, đặc biệt quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, có thể dự đoán còn một số khó khăn trong thúc đẩy rộng rãi đánh giá đa chiều dạy học ở nước ta. Tuy nhiên, nếu áp dụng được hình thức này trong dạy học sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Để có thể áp dụng đánh giá đa chiều, người dạy cần xác định rõ mục tiêu, tiêu chí và quan trọng nhất phải đưa ra hình thức đánh giá đa dạng. Có như vậy mới phát hiện được tiềm năng, sự sáng tạo, từ đó mang lại kết quả đánh giá khách quan, toàn diện về người học.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Đánh giá là một trong những hoạt động của quá trình dạy học, có vai trò quan trọng trong việc định hướng, khuyến khích và bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.

Xu hướng giáo dục hiện nay là chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo của người học vào tình huống cụ thể, hay đánh giá kiến thức, kỹ năng, thái độ trong bối cảnh thực với mục tiêu xác định người học có năng lực và làm được gì chứ không đơn thuần là biết những gì?

Muốn vậy cần áp dụng phương pháp đánh giá toàn diện năng lực của người học và đánh giá đa chiều là một trong những phương pháp như vậy”. - TS Nguyễn Thanh Tú

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-da-chieu-trong-day-hoc-post659217.html