Dành cả đời để 'săn' virus zombie

Lo ngại virus zombie đang ngủ đông dưới lớp băng vĩnh cửu, vợ chồng ông Jean-Michel Claverie tìm cách nghiên cứu và ngăn chặn mầm bệnh ngay từ sớm.

Khi nhà virus học Jean-Michel Claverie (hiện 73 tuổi) đến Siberia để săn lùng những loại virus cổ xưa ở Bắc Cực, ông đã đến tuổi nghỉ hưu.

25 năm trước, ông Claverie cùng vợ là bà Chantal Abergel (62 tuổi) thành lập một phòng thí nghiệm ở ngoại ô Marseille (Pháp). Đáng lẽ ở cái tuổi này, cặp vợ chồng đã được nghỉ ngơi, cả hai vẫn quyết định không rời bỏ phòng thí nghiệm thân thuộc.

Vài năm trước, khi chuẩn bị bước qua tuổi 70, ông Claverie đã mất rất nhiều ngày di chuyển trên nhiều chuyến bay, sau đó lênh đênh trên một chiếc thuyền cũ nát để đến được bờ sông Kolyma ở Chersky (Nga) - thị trấn hẻo lánh cách Biển đông Siberia không xa.

Dòng sông này chính là thỏi nam châm thu hút các nhà khoa học đang cố khám phá những bí mật ẩn mình dưới lớp băng vĩnh cửu.

Có gì bên dưới lớp băng vĩnh cửu?

Ở một khúc cua hẹp trên sông Kolyma, nhà virus học dựng một trạm nghiên cứu tạm thời và cùng vợ xúc đất ở bờ sông. Dưới lớp đất ven sông, lớp băng 30.000 năm tuổi bắt đầu lộ diện.

 Một mẫu băng vĩnh cửu được ông Claverie mang về sau chuyến đi đến sông Kolyma. Ảnh: Jeremy Suyker.

Một mẫu băng vĩnh cửu được ông Claverie mang về sau chuyến đi đến sông Kolyma. Ảnh: Jeremy Suyker.

Ở những nơi như Chersky, băng vĩnh cửu vẫn không bị ảnh hưởng dù hè đến và cảnh vật xung quanh bắt đầu xanh tươi. Ở một số nơi ở Bắc Cực, sự sống ở lớp băng vĩnh cửu đã bị đóng băng trong khoảng 700.000 năm.

Nhiều năm gần đây, biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao khiến lớp băng vĩnh cửu bị đe dọa. Những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc lại nhân cơ hội này để đào xuyên qua băng để tìm đá quý và nhiên liệu.

Tuy nhiên, ẩn sâu trong băng vĩnh cửu lại là tàn tích của cuộc sống thời tiền sử. Một trong số tàn tích đó chính là virus.

Và virus có thể "trở về từ cõi chết", kéo theo đó là loạt hậu quả khó lường.

Trở về từ sông Kolyma, ông Claverie mang theo hơn 20 mẫu băng vĩnh cửu lấy từ bờ sông để tiếp tục nghiên cứu. Mục đích của ông và vợ là tìm hiểu sâu về những loại vi khuẩn đang ngủ đông trong lớp băng, bao gồm thứ được gọi là "virus zombie".

Nhà virus học chỉ ra rằng hiện nay chúng ta vẫn chưa biết sự diệt vong của người Neanderthal có liên quan đến virus cổ đại hay không. Do đó, dù đã ở tuổi nghỉ hưu, ông và vợ vẫn tiếp tục nghiên cứu để ngăn chặn những mầm bệnh mà giới khoa học chưa từng thấy.

Theo ông, những virus đang ẩn mình trong lớp băng vĩnh cửu mới là mối nguy hiểm thực sự.

"Chúng ta hãy thử nghĩ về một loài virus có thể gây ra sự diệt vong. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó quay lại", ông Claverie đặt vấn đề.

"Hồi sinh" virus

Ông Claverie cho rằng virus còn nhiều hơn số sao trong vũ trụ và phần lớn trong số đó vẫn chưa được khám phá. Virus có thể ẩn nấp ở mọi nơi có sự sống - dưới biển, trong lòng đất hay cả trong không khí. Tuy nhiên, virus chỉ sinh sản khi gặp vật chủ.

Virus vẫn luôn được cho là rất nhỏ và rất đơn giản về mặt di truyền. Tuy nhiên, bước ngoặt xảy đến với vợ chồng ông Claverie vào năm 2003, khi họ phát hiện một loại virus lớn hơn và phức tạp hơn tất cả loại virus được phát hiện từ trước đến nay.

Cặp vợ chồng đặt tên cho loại virus đó là Mimivirus. Đối với ông, Mimivirus mở ra một hướng đi mới cho virus và đó là khởi đầu cho cho những nghiên cứu lớn hơn sau này.

 Ông Jean-Michel Claverie và bà Chantal Abergel tự xây phòng thí nghiệm để làm nghiên cứu. Ảnh: Jeremy Suyker.

Ông Jean-Michel Claverie và bà Chantal Abergel tự xây phòng thí nghiệm để làm nghiên cứu. Ảnh: Jeremy Suyker.

Trong vài năm, nhà virus học phát hiện ra nhiều loại virus khổng lồ khác. Công trình này đã bổ sung những hiểu biết về virus cũng như cách chúng tương tác với vật chủ.

Đến năm 2013, khi đọc một bài báo của Nga về khả năng tái sinh của thực vật từ mô của trái cây đã bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia trong 30.000 năm, ông Claverie đã nghĩ rằng: "Nếu họ có thể hồi sinh một cái cây, chúng ta có thể hồi sinh một loại virus hay không?".

Bản thân ông Claverie không nhớ ai là người đầu tiên đã sử dụng từ "zombie" khi nói về công trình nghiên cứu về virus của mình. Nhưng ông chắc chắn rằng thuật ngữ này chưa xuất hiện trong bài nghiên cứu mang tính bước ngoặt của ông vào năm 2014.

Trong nghiên cứu năm đó, nhà virus học đã trình bày chi tiết về việc hồi sinh một loại virus ngủ đông trong lớp băng vĩnh cửu 30.000 năm. Ông đặt tên cho nó là Pithovirus sibericum.

Không lâu sau khi công bố Pithovirus sibericum, một công ty đồ chơi đã tạo ra một con Pithovirus nhồi bông và gọi nó là "Virus Zombie", rất có thể cái tên zombie trở nên phổ biến hơn từ đó.

Sau công trình mang tính bước ngoặt, vợ chồng ông Claverie tiếp tục "hồi sinh" hơn chục loại virus khác nhau từ lớp băng vĩnh cửu, bao gồm virus nằm trong dạ dày của một con voi ma mút.

 Pithovirus sibericum được ông Claverie phân lập từ mẫu băng vĩnh cửu 30.000 năm tuổi. Ảnh: Jean-Michel Claverie.

Pithovirus sibericum được ông Claverie phân lập từ mẫu băng vĩnh cửu 30.000 năm tuổi. Ảnh: Jean-Michel Claverie.

Một lần khác, họ thành công tái tạo một loại virus đã ngủ đông trong khoảng 50.000 năm. Rất may là không loại virus nào trong số này gây nguy hiểm cho con người, kể cả khi chúng "lọt" khỏi phòng thí nghiệm.

Dù vậy, hai nhà khoa học kỳ cựu vẫn lo rằng những mối đe dọa tiềm tàng vẫn có thể xuất hiện.

"Nếu chúng ta tìm được virus 50.000 năm tuổi, rất có thể chúng ta sẽ tìm được những loài khác lâu đời hơn. Loài người mới chỉ tồn tại 200.000 năm qua, chúng ta sẽ không thể biết được trước khi con người xuất hiện, loài virus nào đã từng tồn tại. Tôi có thể chắc chắn một điều là hệ thống miễn dịch của con người chưa từng tiếp xúc với những loài virus cổ xưa như vậy", ông Claverie nhấn mạnh.

Dấu hiệu cảnh báo đã sớm xuất hiện

Biến đổi khí hậu sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến con người. Từ năm 2016, các dấu hiệu đã xuất hiện khi một bé trai và hàng nghìn gia súc ở Yamal-Nenets (Nga) bất ngờ chết trong một đợt nắng nóng kỷ lục.

Trong đợt nóng đó, lớp băng tan ra, làm giải phóng vi khuẩn "tử thần" gây bệnh than.

Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng những ngôi mộ có niên đại hàng thế kỷ mà người chăn nuôi dùng để chôn xác động vật có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh than.

Ngoài ra, DNA của virus đậu mùa và cúm cũng được phát hiện trong thi thể người bị đông lạnh suốt một thế kỷ. Rất may là virus được tìm thấy ở nơi này không thể hồi sinh, virus nguy hiểm nhất cũng được cho là không gây hại nếu nó vẫn bị nhốt trong lớp băng vĩnh cửu.

Nhưng ông Claverie cho rằng điều này có thể thay đổi.

Lý do là trong 4 thập kỷ qua, tốc độ nóng lên ở Bắc Cực nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu, và nhanh gấp 7 lần tại Na Uy và Nga.

Băng tan là tin xấu với các loài động vật ở Bắc Cực và cả con người, nhưng bây giờ chúng ta vẫn còn quá ít nhận thức về những tác động khi lớp băng vĩnh cửu bị phá hủy,

Băng vĩnh cửu tan, đồng nghĩa với việc một lượng lớn khí metan được giải phóng. Loại khí nhà kính này sẽ khiến tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Sau đại dịch Covid-19, khoa học đã đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu virus. Nhưng ông Claverie cũng lo rằng điều này khiến con người đến gần hơn với nguy hiểm.

Giới khoa học đang cố tìm ra những loại virus có thể khiến con người tử vong. Tuy nhiên, một vết cắn của dơi, một vết kim tiêm..., tất cả đều có thể khiến loài người đối mặt với một đợt bùng phát dịch bệnh thảm khốc.

Thái An

Theo Telegraph

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoi-sinh-tu-than-duoi-lop-bang-vinh-cuu-post1461596.html