Đằng sau sự bùng nổ các ca sinh đôi, sinh ba ở Hàn Quốc

Vào đầu năm nay, bác sĩ Ahn Ki-hoon, Giáo sư sản phụ khoa tại Bệnh viện Đại học Anam (Hàn Quốc), đã thực hiện ca mổ lấy thai giúp một sản phụ sinh ba.

Hai bé gái nắm tay nhau đi dạo. Ảnh minh họa: Gettty Images

Hai bé gái nắm tay nhau đi dạo. Ảnh minh họa: Gettty Images

“Đó là thời điểm rất gần với ngày sinh”, bác sĩ Ahn nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với tờ The Korea Times. Ông cho biết người mẹ này đã phải trải qua những cơn co thắt sớm ở tuần thứ 33 của thai kỳ. Song với sự hỗ trợ của các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê, người mẹ đã vượt cạn thành công. Cả 3 đứa trẻ đều khỏe mạnh, mặc dù có nhiều nguy cơ.

Bệnh viện nơi Giáo sư Ahn làm việc là một trong 4 trung tâm y tế hàng đầu chuyên xử lý các trường hợp mang thai có nguy cơ cao do Bộ Y tế và Phúc lợi chỉ định vào năm 2019. Ông Ahn cũng điều hành một phòng khám chuyên khoa dành cho các bà mẹ lớn tuổi ở phía đông bắc thủ đô Seoul. Bác sĩ cho biết những năm gần đây, số ca sinh đôi, thậm chí sinh ba, đã gia tăng tại các bệnh viện. Ông Ahn nhận định đây là hiện tượng xã hội đã được chứng minh qua nhân khẩu học.

Theo số liệu mới nhất được công bố ngày 29/8 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, cứ 100 ca sinh tại nước này, có đến 5 ca sinh đôi hoặc sinh ba. Trong số 2,6 triệu trẻ sơ sinh vào năm ngoái, có 136.000 trẻ sinh đôi và 500 trẻ sinh 3, chiếm lần lượt 5,2 và 0,2% tổng số trẻ sơ sinh của cả nước.

Trong thập kỷ qua, tỷ lệ sinh đôi của Hàn Quốc đã tăng đều. Tuy nhiên, năm ngoái được coi là đỉnh điểm, từ 1% vào năm 1990 lên 2% vào năm 2002, và cuối cùng đã vượt 5% vào năm 2021.

Ba anh em Daehan - Minguk - Manse - con trai của nam tài tử Song Il Kook, ngôi sao nổi tiếng với vai nam chính trong phim truyền hình Truyền thuyết Jumong. Ảnh: KoreaTimes

Ba anh em Daehan - Minguk - Manse - con trai của nam tài tử Song Il Kook, ngôi sao nổi tiếng với vai nam chính trong phim truyền hình Truyền thuyết Jumong. Ảnh: KoreaTimes

Văn phòng thống kê quốc gia và các chuyên gia cho biết nguyên nhân của hiện tượng này là kết quả của xu hướng nhiều cặp vợ chồng trì hoãn sinh con, tăng cường sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản. Nghiên cứu cũng tiết lộ độ tuổi trung bình của các bà mẹ sinh đôi là 34,8 tuổi, cao hơn các bà mẹ khác 1,5 tuổi.

Tỷ lệ sinh đôi cũng khác nhau tùy theo nhóm tuổi của các bà mẹ. Các bà mẹ trong độ tuổi từ 35 đến 39 có tỷ lệ đôi cao hơn áp đảo - ở mức 8,1%. Trong khi tỷ lệ sinh đôi của các bà mẹ ở nhóm tuổi trẻ hơn chỉ mức 2-4%.

Khi tỷ lệ sinh đôi tăng cao, thị trường Hàn Quốc cũng bùng nổ hàng loạt sản phẩm hỗ trợ chăm sóc trẻ em song sinh. Không chỉ trang phục, hầu hết mọi đồ dùng - như xe đẩy, gối và giá đỡ bình sữa cho các cặp song sinh cũng ngày càng phổ biến.

Các cặp sinh đôi ở Hy Lạp tham gia cuộc họp mặt toàn quốc đầu tiên ở Trikala, miền bắc Hy Lạp. Ảnh: EPA/Yonhap

Các cặp sinh đôi ở Hy Lạp tham gia cuộc họp mặt toàn quốc đầu tiên ở Trikala, miền bắc Hy Lạp. Ảnh: EPA/Yonhap

Theo các nhà nghiên cứu, sự bùng nổ các ca sinh đôi, sinh ba gần đây là hiện tượng toàn cầu, từng được ghi nhận ở các nước phát triển trong vòng 4 đến 5 thập kỷ qua. Theo báo cáo năm 2021 được công bố trên tạp chí Human Reproduction - tạp chí chuyên về sản phụ khoa và sinh sản của Oxford Academic - kể từ những năm 1980, tỷ lệ sinh đôi trên toàn cầu đã tăng 1/3, từ 9 lên 12 ca sinh đôi/ 1.000 ca sinh. Báo cáo cho biết trên thế giới có 1,6 triệu cặp song sinh mỗi năm, tức là cứ 42 trẻ sơ sinh thì có 1 cặp sinh đôi.

Lý do dẫn đến các hiện tượng này là các phương pháp điều trị bằng hormone và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ngày càng phổ biến, tiện lợi, hiệu quả. Ngoài ra, tuổi của các bà mẹ tăng lên nên việc lựa chọn 2 thủ thuật trên là yếu tố hàng đầu.

Theo Hur Yoon-mi, giáo sư tại Đại học Kookmin, người đứng đầu Viện nghiên cứu sinh đôi Kookmin, hai yếu tố này có liên quan mật thiết đến nhau. Bà giải thích khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, họ đã trì hoãn việc làm mẹ và do đó, họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ hỗ trợ sinh sản.

Cuộc thi trang phục theo chủ đề trong Lễ hội Twins Days hàng năm ở Twinsburg, Ohio. Ảnh: Reuters/Yonhap

Cuộc thi trang phục theo chủ đề trong Lễ hội Twins Days hàng năm ở Twinsburg, Ohio. Ảnh: Reuters/Yonhap

Theo nghiên cứu của Giáo sư Hur được công bố vào năm ngoái trên tạp chí Twin Research and Human Genetics, tỷ lệ sinh đôi của Hàn Quốc không chỉ vượt qua mức trung bình toàn cầu mà còn được xếp vào hàng cao nhất, gấp đôi mức trung bình thế giới. Giờ đây, có thể dễ dàng tìm thấy các cặp sinh đôi, sinh ba ở các trường mẫu giáo và tiểu học.

Đây là thay đổi bất ngờ ở “xứ sở kim chi” vì trước đây nước này hiếm khi xuất hiện các cặp song sinh. Giáo sư Ahn và Hur cho rằng điều này có vai trò tích cực trong việc giải quyết tỷ lệ sinh đang giảm của Hàn Quốc. Hơn nữa, các nghiên cứu về cặp song sinh trên toàn thế giới cũng góp phần to lớn vào việc tìm hiểu trí tuệ của con người, mối tương quan giữa di truyền và môi trường trong việc hình thành nhân cách, trí thông minh và các đặc điểm thể chất và tinh thần.

“Đó là lý do tại sao chúng ta cần nhiều chính sách giáo dục và y tế hơn cho các cặp song sinh. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cặp song sinh ở Hàn Quốc tham gia nghiên cứu vì sự phát triển của khoa học và xã hội”, giáo sư Hur nói và cho biết hêm rằng ở các quốc gia đông dân, các lễ hội sinh đôi và sinh ba thường được tổ chức để tôn vinh cũng như ca ngợi sự đóng góp độc đáo của họ cho cộng đồng. “Hy vọng ngày đó cũng sẽ đến với Hàn Quốc”, giáo sư nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Korea Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-su-bung-no-cac-ca-sinh-doi-sinh-ba-o-han-quoc-20220912165920168.htm