Đằng sau câu chuyện về kế hoạch xả thải ở Fukushima

Cuối tuần qua, Nhật Bản đã công bố kế hoạch xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, quyết định này đã gây nên nhiều tranh cãi tại khu vực và quốc tế. Tại sao lại có câu chuyện trên?

Các bể chứa nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại thị trấn Okuma, Fukushima, Nhật Bản ngày 8/3. (Nguồn: Reuters)

Tại sao lại có câu chuyện trên? Trước hết, vụ động đất và sóng thần năm 2011 gây tổn hại cho hệ thống nguồn điện và làm mát, khiến các lõi trong lò phản ứng bị quá nhiệt và làm cho nguồn nước bị nhiễm xạ. Nhật Bản đã tăng cường đổ nước vào để hạ nhiệt lò phản ứng. Cùng lúc đó, các cơn mưa cùng đất cát rơi vào lò phản ứng đã tạo nên một nguồn nước thải bị nhiễm xạ, cần phải được trữ lại và xử lý.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã xây dựng 1.000 bể chứa khổng lồ với dung tích 1,32 triệu tấn nước thải. Qua thời gian, dung tích của các bể này đang dần đạt giới hạn và TEPCO cần thêm chỗ chứa để tiếp tục công cuộc sửa chữa nhà máy. Do đó, Tokyo công bố kế hoạch xả thải 1,32 triệu tấn nước thải này.

Thông tin này lập tức gây tranh cãi với hai luồng ý kiến chính.

Một số bên đánh giá quyết định của Tokyo hoàn toàn hợp lý. Ngày 6/7, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi dẫn báo cáo do các chuyên gia từ 11 nước, triển khai trong hai năm qua, nêu rõ kế hoạch xả thải của Tokyo “đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”. Theo IAEA, nước thải nhiễm xạ có một số hoạt chất đáng chú ý, song phần lớn đều có thể được loại bỏ.

Mỹ, đồng minh quan trọng của Nhật Bản, ủng hộ báo cáo của IAEA. Ngày 5/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Matthew Miller khẳng định: “Kể từ sự cố hạt nhân năm 2011, Nhật Bản chủ động phối hợp với IAEA trong xây dựng kế hoạch, triển khai quy trình minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học. Chúng tôi mong Nhật Bản tiếp tục hợp tác với IAEA khi quy trình đạt tiến bộ”.

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta đánh giá tác động từ kế hoạch xả nước thải ở Fukushima tới con người và môi trường là “không đáng kể”.

Bên còn lại, đặc biệt là các nước láng giềng tại Đông Bắc Á, quan ngại về kế hoạch của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ trích IAEA đã “vội vàng” khi công bố báo cáo. Theo ông, công chúng “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về kế hoạch của Tokyo và Bắc Kinh sẽ “tăng cường giám sát môi trường biển” và kiểm dịch hải sản nhập khẩu từ Fukushima.

Bộ trưởng điều phối chính sách Hàn Quốc Bang Moon Kyu cho hay nước này đã triển khai đánh giá riêng và nhận thấy kế hoạch xả thải tại Fukushima của Nhật Bản sẽ đáp ứng hoặc vượt tiêu chuẩn quốc tế quan trọng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nước này, ông Kim Jin Pyo nhận định cần tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc xả thải. Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập chính tại Hàn Quốc đánh giá IAEA “thiên vị Nhật Bản ngay từ đầu” và chỉ trích kế hoạch của Tokyo. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm thực phẩm từ khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Tokyo cho tới khi quan ngại của dân chúng đối với vấn đề nước thải nhiễm xạ giảm đi.

KCNA (Triều Tiên) dẫn lời quan chức Bộ Bảo vệ môi trường nước này nhấn mạnh việc xả nước thải nhiễm xạ tại Fukushima “ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người, an ninh và môi trường sinh thái”. Quan chức Triều Tiên nói: “Hành vi vô lý của IAEA tích cực bảo trợ và tạo điều kiện cho Nhật Bản thực hiện kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ là không thể tưởng tượng được”.

Phản ứng của ba nước Đông Bắc Á về kế hoạch xả thải của Nhật Bản cho thấy một điểm đáng chú ý: Trong khi Triều Tiên, như mọi lần, đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ, Trung Quốc và Hàn Quốc lại tỏ ra kiềm chế hơn. Thay vì nêu lập trường của chính phủ, Bắc Kinh lại dẫn mối “quan ngại sâu sắc của công chúng” và kêu gọi IAEA xem xét lại kết quả báo cáo. Tại Hàn Quốc, dù khẳng định kế hoạch xả thải của Nhật Bản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, chính phủ nước này vẫn giữ nguyên lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Fukushima. Đảng đối lập chính và Quốc hội cũng cho thấy thái độ khác trước kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ của Tokyo.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thảo luận về vấn đề xả nước thải nhiễm xạ ở Fukushima trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12/7. (Nguồn: Reuters)

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thảo luận về chủ đề này trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania ngày 12/7.

Tại đây, ông Yoon nhấn mạnh sức khỏe và an toàn cho người dân phải là các cân nhắc hàng đầu khi tiến hành xả nước thải của nhà máy trên ra biển. Hàn Quốc cũng kêu gọi Nhật Bản chia sẻ thông tin giám sát về quá trình xả thải theo thời gian thực, đồng thời chuyên gia của Seoul phải được phép tham gia quá trình giám sát.

Đáp lại, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết sẽ làm mọi cách để bảo đảm sự an toàn của hoạt động xả nước thải và sẽ không xả nước thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc, hay tới môi trường. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ thông báo minh bạch và kịp thời kết quả việc giám sát xả thải.

Dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa thăm Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng Bảy để bàn về nội dung này, trong bối cảnh làn sóng phản đối đang có xu hướng gia tăng tại khu vực Đông Bắc Á.

Có thể thấy, Nhật Bản đang cố gắng vừa bảo đảm tiến trình sửa chữa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, vừa duy trì quan hệ tốt đẹp với láng giềng. Tuy nhiên, liệu nỗ lực của nước này có thể xoa dịu mối quan ngại hay không, lại là chuyện khác. Tranh cãi liên quan kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, sẽ còn “nóng” thời gian tới.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dang-sau-cau-chuyen-ve-ke-hoach-xa-thai-o-fukushima-234341.html