Đảng của dân tộc Việt Nam

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng của nước nhà, từ đây đã có một chính đảng vô sản lãnh đạo.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: Tư liệu).

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hương Cảng, Trung Quốc. Ngay trong buổi đầu thành lập, Đảng đã quyết định chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế. Mặc dù Đảng Cộng sản là chính đảng vô sản của giai cấp công nhân nhưng đã sớm ý thức được sứ mệnh của mình, tập hợp các giai cấp, tầng lớp Nhân dân quanh Đảng để tạo thành sức mạnh to lớn, trong đó Đảng là hạt nhân hiệu triệu sức mạnh toàn dân tộc cho sự nghiệp cách mạng.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội.

Cũng tại hội nghị thành lập, Đảng đã thông qua Chính cương vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, trong đó nêu rõ: Nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhằm tập trung vào kẻ thù chính là bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai.

Đảng luôn đặt vấn đề dân tộc song hành cùng vấn đề giai cấp và có quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Vì lẽ đó nên trong suốt 15 năm đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ từ năm 1930 đến khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Đảng đã tập hợp được mọi tầng lớp Nhân dân đứng lên đấu tranh, nhiều thời điểm phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo vô cùng khó khăn, bị dìm trong bể máu, nhưng vẫn phát triển sâu rộng và ngày càng bùng lên mạnh mẽ, chuyển dần từ tự phát sang tự giác.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Tư liệu).

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, thành lập nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Dương với mục tiêu xác định là xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người chủ của đất nước; tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành lại trọn vẹn độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất nước nhà và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân.

Đại hội VI năm 1986, Đảng đã chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước những năm sau này (Ảnh: Tư liệu).

Tại Đại hội lần thứ VI diễn ra tháng 12/1986, trước những yêu cầu đặt ra của giai đoạn cách mạng mới, Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Sau gần 40 năm nhìn lại quá trình này, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, rằng: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.

Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng nâng cao.

94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và trưởng thành là khoảng thời gian song hành cùng sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Đảng đã làm tròn sứ mệnh lịch sử và khẳng định hạt nhân lãnh đạo toàn diện, duy nhất, đưa đất nước ta, Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ mục tiêu “dân cày có ruộng” đến lý tưởng xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành "địa chỉ đỏ" để hàng vạn trái tim người Việt hướng về tỏ lòng thành kính dâng lên Người - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.

Sinh thời, không ít lần Chủ tịch Hồ Chí Minh có những khẳng định làm sâu sắc hơn sứ mệnh lịch sử của Đảng. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951 đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chủ tịch khẳng định: Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam. Đến năm 1961, Bác tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng ta là đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lãnh đạo quân dân trong tỉnh chiến đấu giải phóng quê hương ngày 1/11/1950 và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

Đến Đại hội VII, tháng 6/1991, quan điểm Đảng của dân tộc được tái khẳng định không tách rời Đảng và giai cấp với các tầng lớp Nhân dân lao động khác, với toàn thể dân tộc.

Tính nhất quán giữa yếu tố dân tộc với yếu tố giai cấp thể hiện rõ bản chất của Đảng ngay từ khi thành lập đến nay và mãi mãi mai sau, luôn đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nêu một số nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh thời gian tới tại buổi gặp mặt kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập toàn cầu, trước thời cơ, vận hội và thách thức mới, Đảng không ngừng tự đổi mới; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí làm trong sạch nội bộ, củng cố niềm tin trong Nhân dân, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng.

Diện mạo của tỉnh Lào Cai hôm nay đã đổi thay toàn diện từ chủ trương đổi mới của Đảng hơn 35 năm trước.

Đảng cũng xác định quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân...

Mục tiêu, lý tưởng đó đã, đang và sẽ được cả dân tộc Việt Nam đồng lòng thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, đúng như mong muốn của Bác, rằng: Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng!

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dang-cua-dan-toc-viet-nam-post379293.html