Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I.2023

Ngày 11.2, dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I.2023 tại tỉnh Bắc Giang.

Cùng đi có: nguyên Phó Tổng Biên tập Nguyễn Quốc Thắng; các đảng viên Đảng bộ cơ sở, đại diện Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, cán bộ chủ chốt các ban và một số quần chúng ưu tú của Báo Đại biểu Nhân dân.

Cùng dự về phía tỉnh Bắc Giang có: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang Nghiêm Xuân Hưởng; đại diện lãnh đạo huyện Sơn Động. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa với sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhằm khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa; Căn cứ Chương trình công tác số 06/CT-ĐU năm 2023 của Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân; đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ mật thiết giữa tỉnh Bắc Giang với Báo Đại biểu Nhân dân, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I.2023 tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc tại tỉnh Bắc Giang. Buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp các đồng chí đảng viên của Đảng bộ Báo Đại biểu Nhân dân thấy được cái nôi bề dày truyền thống lịch sử văn hóa của Bắc Giang, những danh lam thắng cảnh đẹp với những công trình kiến trúc cổ kính, qua đó ý thức hơn trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, nguyện phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, cuộc sinh hoạt chuyên đề lần này còn là dịp để các đảng viên trong Đảng bộ tăng cường sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau, qua đó đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của từng phòng, ban, đơn vị của Báo.

Bí thư Đảng ủy Phạm Thị Thanh Huyền cũng nêu rõ, thời gian qua, hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên đề của Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng được đổi mới, phong phú, theo hướng thiết thực gắn với các hoạt động chuyên môn của Báo. Thời gian tới, toàn thể Đảng bộ cần tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ, nỗ lực sáng tạo, đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tập thể cơ quan trong sạch, vững mạnh toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên đề để các cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở Đảng cũng như tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I.2023. Ảnh: Quang Khánh

Dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I.2023. Ảnh: Quang Khánh

Trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt chuyên đề, Đoàn đã đến thăm khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi tái hiện con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên cơ sở vừa khai thác, vừa phát huy giá trị phong phú về các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh thái của vùng núi Tây Yên Tử.

Nhằm từng bước khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khu vực Tây Yên Tử, tháng 3.2014, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử. Theo đó, phạm vi Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm 9 cụm di tích: Khu Đồng Thông, rừng Khe Gỗ, chùa Am Vãi, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, suối Mỡ, suối Nước Vàng, chùa Vĩnh Nghiêm và thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.

Sáng cùng ngày, Đoàn đã tới dâng hương tại Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn gọi là Chùa Đức La, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm được xem là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Đức La là một trung tâm, chốn tổ quan trọng, nơi ba vị “Trúc Lâm tam tổ” từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Chùa có hệ thống tượng phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh phật đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/dang-bo-co-so-bao-dai-bieu-nhan-dan-to-chuc-sinh-hoat-chuyen-de-quy-i-2023-i315978/