Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính – Thực tiễn từ Hải Lăng. Bài 2: Đồng thuận vì lợi ích chung

Trong những năm qua, bằng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến quản lý đất đai, huyện Hải Lăng đã cơ bản giải quyết dứt điểm tranh chấp địa giới hành chính (ĐGHC) kéo dài nhiều năm và tháo gỡ được 'điểm nghẽn' trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm đảm bảo đúng tiến độ.

“Gỡ khó” tranh chấp ĐGHC

Thời gian qua, công tác giải quyết tranh chấp ĐGHC giữa các xã liên quan luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Lăng chỉ đạo UBND huyện, các ngành chuyên môn, UBND các xã liên quan phối hợp cùng đơn vị tư vấn khảo sát thực địa xây dựng phương án để thống nhất giải quyết.

Cụ thể hóa chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã tổ chức nhiều phiên họp giữa các ngành, phòng, ban chuyên môn, UBND các xã liên quan để thống nhất đưa ra phương án giải quyết. Đồng thời, tổ chức nhiều phiên đối thoại với Nhân dân để phân tích, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ của việc phân định đường ĐGHC theo quy định.

Cán bộ xã Hải An, huyện Hải Lăng kiểm tra khu nuôi ốc hương trái phép trên đất do Nhà nước quản lý để đề xuất biện pháp xử lý, bàn giao mặt bằng phục vụ dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy - Ảnh: Đ.V

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, việc giải quyết các điểm, tuyến ĐGHC đang tranh chấp trên địa bàn huyện Hải Lăng đến nay đã cơ bản hoàn thành. Qua đó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện, nhất là đảm bảo đời sống, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị địa phương trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư tại các dự án trọng điểm, giải quyết tranh chấp ĐGHC, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của huyện, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Trong số các vụ tranh chấp ĐGHC thì vụ việc tranh chấp đất đai ở khu vực xây mồ mả giữa làng Ba Khê (xã Hải Thượng) và thôn Văn Vận (xã Hải Quy) đã diễn ra khá phức tạp.

Sau nhiều phiên làm việc giữa các bên liên quan và các phương án đưa ra, cuối cùng hai xã đã đi đến thống nhất giải quyết điều chỉnh ĐGHC theo hình thức đổi đất, cụ thể: Đưa diện tích khu lăng mộ âm hồn làng và các âm hồn họ Bùi làng Ba Khê về địa giới hành chính xã Hải Thượng quản lý; điều chỉnh một phần diện tích đất không có lăng mộ của xã Hải Thượng về địa giới hành chính xã Hải Quy quản lý theo diện tích tương ứng.

Về vụ việc này, cả Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Thượng Lê Ngọc Anh và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Quy Thái Hồng Nhật đều nhìn nhận: “Rất mừng là đến năm 2021 thì tình hình tranh chấp giữa hai thôn Ba Khê và Văn Vận đã cơ bản ổn định. Phương án được hai bên thống nhất kỳ vọng sẽ đảm bảo ĐGHC ổn định lâu dài và gìn giữ được tình làng nghĩa xóm các bên”. Hay như vụ việc tranh chấp ĐGHC khá phức tạp xảy ra ở vùng cát giữa hai thôn Văn Vận, xã Hải Quy và thôn Trà Trì Phú, xã Hải Hưng.

Để giải quyết vụ việc này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Quy Thái Hồng Nhật cho biết: Tổ công tác của huyện và Tổ dân vận các xã một mặt ra sức tuyên truyền, vận động những người có uy tín, có tiếng nói tại các thôn để xoa dịu tình hình; mặt khác, tìm các chứng cứ lịch sử để tái hiện địa bạ của các thôn giáp ranh, từ đó xác định được nguồn gốc đất làm căn cứ giải quyết. Với nhiều giải pháp dân vận khéo léo, đồng bộ và tìm ra tiếng nói chung, cuối cùng bà con hai bên đã cơ bản đồng thuận với phương án giải quyết làm rõ địa giới hành chính mỗi bên. Huyện Hải Lăng cũng đã đầu tư xây dựng một con đường bê tông ra vùng cát mà hai thôn từng tranh chấp để làm đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, sản xuất. Việc “gỡ khó” được nút thắt tranh chấp ĐGHC giữa thôn Trà Trì Phú và thôn Văn Vận, đặc biệt là giữa vùng tranh chấp giờ đây đã được xây dựng con đường bê tông phẳng lỳ, thoáng rộng đã khiến bà con rất vui mừng. Ông Lê Quang Thượng, người dân xã Hải Quy làm trang trại trồng sen và nuôi cá ở vùng cát thôn Văn Vận chia sẻ: “Tôi sinh sống và làm ăn ở khu vực này đã 30 năm nay. Trước đây, việc đi ra vào trang trại của tôi rất vất vả vì phải đi đường mòn nhỏ hẹp, nay có con đường bê tông dẫn vào tận nơi, tôi rất phấn khởi. Từ nay việc đi lại, làm ăn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Đến nay, nhiệm vụ về giải quyết về tranh chấp ĐGHC trên địa bàn cơ bản đã hoàn thành; chính quyền các xã, thị trấn đã thống nhất, đã ký vào bản đồ địa giới, biên bản xác định vào bản mô tả ĐGHC, xác định tọa độ các điểm đặc trưng trên đường ĐGHC. Quá trình triển khai thực hiện đã thực hiện thống nhất, đồng bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy đến cấp ủy các cấp, từ chính quyền huyện đến cơ sở và các thôn, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đến các thôn, qua đó đã vận động Nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia, thống nhất trong công tác xác định, thống nhất về ĐGHC.

Kiên trì, linh hoạt vận động giải phóng mặt bằng

Xác định tính chất, tầm quan trọng của công tác GPMB và được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cấp xã ở Hải Lăng đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến đất đai. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án, bàn giao mặt bằng sạch đúng thời hạn.

Con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp được huyện Hải Lăng đầu tư xây dựng tại vùng giáp ranh giữa thôn Văn Vận, xã Hải Quy và thôn Trà Trì Phú, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Giai đoạn 2015-2022, huyện đã bàn giao mặt bằng sạch đúng thời hạn 145 công trình, trong đó có các dự án trọng điểm như: Khu tái định cư xã Hải Khê và đường vào khu tái định cư; Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi; Dự án Đường nối khu công nghiệp Đông Nam Quảng Trị đến cảng Cửa Việt (Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) đoạn qua huyện Hải Lăng; Khu tái định cư xã Hải An (giai đoạn 1), Nhà máy cấu kiện bê tông cảng Mỹ Thủy; Nhà máy xử lý nước sạch Khu kinh tế Đông Nam; Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim...

Hiện nay, huyện Hải Lăng đang tích cực, gấp rút thực hiện công tác GPMB các dự án trọng điểm là Bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1 và Khu Công nghiệp Quảng Trị, cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải An Nguyễn Quốc Danh cho biết, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1 là 133,67 ha, đến nay, tổng diện tích đã bàn giao mặt bằng; ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án GPMB và người dân đã đồng thuận là 103,395 ha/133,67 ha. Qua kiểm đếm, có 58 hộ dân thôn Mỹ Thủy bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 21 hộ dân ở xóm Mới ảnh hưởng trực tiếp về nhà ở.

Ông Danh cho biết, sau một thời gian kiên trì vận động, thuyết phục, đến nay cơ bản phần lớn các hộ đã đồng tình ký văn bản đo đạc, kiểm đếm đất đai, cây cối, chấp thuận bồi thường để ra bên ngoài mua đất làm nhà ở. Sau một thời gian được các cấp chính quyền vận động, thuyết phục và suy nghĩ thấu đáo, ông Phan Thanh Sanh ở xóm Mới, thôn Mỹ Thủy đã chấp nhận ký nhận bồi thường để cùng nhiều hộ dân khác bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án Bến cảng Mỹ Thủy.

Ông Sanh bày tỏ: “Vì lợi ích chung, vì sự phát triển của quê hương nên gia đình tôi đã vui vẻ chấp hành chủ trương cấp trên và nhận đền bù, dời đi theo quy định. Chúng tôi chỉ mong muốn nhà nước sớm công bố giá đất ở khu tái định cư xã Hải An để gia đình tính toán mua làm nhà ở, sớm ổn định cuộc sống”. Bên cạnh đó, xã Hải An cũng đã và đang tích cực giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến đất đai các nhóm hộ nuôi ốc hương trong vùng quy hoạch, xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1. Ông Danh cho biết, trong số 11 nhóm hộ nuôi ốc hương thì có 2 nhóm hộ đã có biên bản cam kết với UBND xã tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Đối với các nhóm hộ nuôi ốc hương khác, xã đã kiến nghị huyện để có hướng xử lý phù hợp.

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn I) có phạm vi thu hồi đất với diện tích 96,1 ha, trong đó thị trấn Diên Sanh 6,69 ha, xã Hải Trường 89,41 ha. Tại địa bàn xã Hải Trường ảnh hưởng đến 36 nhà dân, trong đó có 17 nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, 3 thửa đất ở nhưng chưa xây dựng nhà, 5 trường hợp tách hộ nhưng đang cùng sinh sống trong 1 nhà trên cùng thửa đất, 1 nhà thờ họ, 24 lăng, khoảng 403 ngôi mộ các loại và nhiều tài sản khác. Để triển khai dự án Khu công nghiệp Quảng Trị giai đoạn 1, thời gian qua xã Hải Trường, huyện Hải Lăng đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động GPMB trên địa bàn xã. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Trường Nguyễn Phương cho biết, liên quan đến dự án này, địa bàn xã có 17 hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp. Đến nay đã có 8 hộ đã đồng ý phương án bồi thường; 9 hộ chưa thống nhất (trong đó 7 hộ đang làm hồ sơ để trình thẩm định, 2 hộ chưa thống nhất nên chưa làm hồ sơ). Phần mồ mả liên quan đến GPMB dự án cũng đã được các hộ dân đồng ý bồi thường, di dời.

Nhìn chung, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị địa phương nên công tác GPMB ở xã Hải Trường diễn ra thuận lợi. Theo ông Phương: “Ngay sau khi có quyết định bồi thường, hỗ trợ GPMB, 3 tổ công tác của xã cùng các thành viên thuộc khối dân vận, khối chuyên môn tiếp cận từng hộ dân để tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp dân hiểu về quan điểm, chủ trương xây dựng dự án. Đồng thời, chúng tôi cũng đi sâu vào phân tích các nội dung, quy định liên quan đến quyền lợi của người dân làm sao đảm bảo đúng quy định, đúng nhu cầu, đúng tâm tư nguyện vọng của dân... Trong thời gian rất gấp rút phải hoàn thành nên các tổ tranh thủ ngày lẫn đêm, kể cả mưa gió, có khi dân tiếp để quyết tâm đến từng nhà vận động, tuyên truyền. Từ ban đầu khó, sau người dân dần hiểu nên dễ dàng hơn. Cũng nhờ vậy mà đến nay, diện tích cần GPMB tại địa phương liên quan đến dự án cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ”, ông Phương chia sẻ.

Nhờ làm tốt công tác GPMB, đến nay nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Hải Lăng được xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, đại bộ phận Nhân dân đồng thuận cao, tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đức Việt - Thanh Hải

Bài 3: Ý Đảng, lòng dân và những bài học quan trọng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/dan-van-kheo-trong-giai-phong-mat-bang-va-giai-quyet-tranh-chap-dia-gioi-hanh-chinh--thuc-tien-tu-hai-lang-bai-2-dong-thuan-vi-loi-ich-chung/180198.htm