'Dân vận khéo' mang lại hiệu quả thiết thực ở khu vực biên giới biển Trà Vinh

Với phương châm 'Không để ai bị bỏ lại phía sau', cán bộ, chiến sĩ BĐBP Trà Vinh luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với nhân dân trên địa bàn, chủ động xây dựng các mô hình giúp dân sát với tình hình địa bàn, đơn vị. Nhờ đó, công tác 'Dân vận khéo' của BĐBP Trà Vinh đã nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người dân ở địa phương.

Đại tá Nguyễn Đức Minh, Chỉ huy trưởng BĐBP Trà Vinh tặng bò giống cho bà con trên địa bàn biên giới biển của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Công Danh

Trước khi xuống địa bàn, Đại tá Trần Văn Oanh, Phó Chính ủy BĐBP Trà Vinh cho biết: Khu vực biên giới biển của tỉnh Trà Vinh gồm 9 xã, 2 thị trấn thuộc 3 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; dân số 24.537 hộ, với 97.426 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Khmer có 1.530 hộ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Những năm qua, mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người dân bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần xóa nghèo, tuy nhiên, do đặc điểm địa lý khu vực biên giới biển tỉnh Trà Vinh là các xã vùng sâu, vùng xa, bãi ngang, xã đảo nên đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với các ban, ngành trong tỉnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Trà Vinh chỉ đạo các đồn, hải đội Biên phòng phối hợp với địa phương điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân; tìm ra những giải pháp phù hợp để xây dựng các mô hình giúp dân hiệu quả.

Trong số các mô hình mà Đại tá Trần Văn Oanh chia sẻ, có mô hình “Con bò 1.000 đồng” đang được đơn vị thực hiện và nhân rộng. Theo đó, từ tháng 6/2021, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Trà Vinh phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tỉnh đóng góp thực hiện mô hình “Con bò 1.000 đồng”, mỗi cán bộ hưởng lương đóng góp 1.000 đồng/ngày, hạ sĩ quan và chiến sĩ đóng góp 5.000 đồng/tháng. Từ khi triển khai thực hiện mô hình (tháng 6/2021 đến hết tháng 3/2023), cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị đã tự nguyện đóng góp được hơn 200 triệu đồng; số tiền này đã được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức mua 10 con bò giống, mỗi con trị giá 18 triệu đồng và tặng 10 gia đình trên địa bàn biên giới biển của tỉnh. Đồng thời, mỗi hộ nhận bò còn được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Trước tiên là hỗ trợ các hộ thuộc diện chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Gia đình ông Nguyễn Trung Nguyên, bà Trần Thị Hồng Lạc, ngụ tại ấp Hai Thủ, xã Long Hòa, huyện Châu Thành là một trong những hộ khó khăn của ấp. Ông Nguyên bộc bạch: “Gia đình tôi không có đất canh tác, bà Lạc thì ốm đau liên miên; trước đây, bà Lạc còn khỏe, tôi lên miền Đông làm phụ hồ, hái tiêu, hái điều... Gần đây, bà Lạc bị ốm, tôi quay về chăm sóc và đi làm thuê cho dân trong vùng, ai thuê gì làm đấy, cuộc sống vợ chồng tôi rất khó khăn. Đầu năm 2023, được Đồn Biên phòng Long Hòa tặng bò giống, gia đình phấn khởi lắm. Hằng ngày, vợ chồng tôi đi cắt cỏ, tận dụng phân bò phơi khô bán lấy tiền mua thêm rơm để dành cho bò ăn. Cách đây 1 tuần, cán bộ thú y của xã thông báo, bò đã đậu thai được khoảng 2 tháng. Gia đình phấn khởi và đang tăng cường nguồn thức ăn, che chắn chuồng trại, đảm bảo vệ sinh...”.

Một hộ dân khác trên địa bàn xã Long Hòa là hộ anh Lâm Văn Bé, ngụ tại ấp Rạch Giồng. Trong căn nhà “Mái ấm tình thương” đã cũ, xuống cấp nằm cách xa khu dân cư, qua tìm hiểu được biết, vợ anh là chị Trương Thị Lượm bị bệnh thần kinh; 2 cô con gái đã đi lấy chồng xa, còn cô con gái nhỏ năm nay mới 17 tuổi cũng bị bệnh, ăn uống và sinh hoạt khó khăn, phải có sự trợ giúp của cha mẹ. Đầu năm 2023, gia đình anh Bé được BĐBP Trà Vinh tặng 1 con bò giống trị giá 18 triệu đồng. Cuối năm 2023, anh vay thêm 13,5 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ và mua thêm 1 con bò để sẵn công chăm nuôi. Hằng ngày, anh Bé đi làm thuê cho dân trong vùng kết hợp cắt cỏ nuôi bò.

Người dân phấn khởi ngày được nhận bò giống. Ảnh: Công Danh

Anh Bé cho biết: “Hiện tại, cả 2 con bò đều đang chửa và sắp đẻ, anh hy vọng trong tương lai gần có thêm 2 chú bê con khỏe mạnh để nhân đàn, mở rộng chuồng trại, sẵn công chăm sóc. Mỗi ngày đi làm thuê được khoảng từ 200 đến 300 ngàn đồng; buổi chiều, anh tranh thủ đi cắt cỏ và trồng cỏ trên phần đất quanh nhà để dành cho bò ăn lâu dài”.

Ông Lê Văn Thọ, Trưởng ban nhân dân ấp Rạch Giồng cho biết: “Ấp Rạch Giồng có 326 hộ, trong đó có 3 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Vì vậy, triển khai mô hình “Con bò 1.000 đồng” là phù hợp với điều kiện của các hộ nghèo ở địa phương, bởi đây là xã nông nghiệp có nhiều phụ phẩm và cỏ làm thức ăn cho bò. Hơn nữa, các hộ được tặng bò kết hợp được việc đi làm thuê trong vùng với chăm sóc bò. Đây cũng là “cần câu” để giúp cho các gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Đại tá Trần Văn Oanh cho biết: Trong thời gian qua, BĐBP Trà Vinh đã thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển xanh, sạch”, “Con bò 1.000 đồng”, “Bảo hiểm cho em” và các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”... Qua đó, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần cùng các cấp, các ngành tại địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

"Đối với mô hình “Con bò 1.000 đồng”, đơn vị phấn đấu hằng năm hỗ trợ từ 4-6 hộ dân ở khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống" - Đại tá Trần Văn Oanh thông tin.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotdan-van-kheoquot-mang-lai-hieu-qua-thiet-thuc-o-khu-vuc-bien-gioi-bien-tra-vinh-post474820.html