Dân vận khéo củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn mô hình, điển hình dân vận khéo (DVK) đã được các cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện.

Hội viên nông dân phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) tham quan mô hình nuôi thử nghiệm ba ba. Ảnh: AN KHIÊM

Các mô hình, điển hình DVK đã góp phần giúp các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Chăm lo thiết thực đời sống Nhân dân

Để giúp hội viên nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, Hội Nông dân phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) vừa phối hợp với Hợp tác xã Ba ba xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) tiến hành thả nuôi thử nghiệm 1 ngàn con ba ba tại khu phố 11A, phường Tân Phong.

Hộ gia đình ông Mã Khánh Cờ được Hội Nông dân phường Tân Phong chọn nuôi thử nghiệm với 30kg ba ba giống đã được thả nuôi trong các hồ nước tại gia đình. Ông Cờ còn được vay 66 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để có chi phí đầu tư cải tạo hồ nuôi, con giống, nguồn thức ăn, công lao động…

Dự án nuôi ba ba này có tổng số vốn thực hiện 166 triệu đồng. Thời gian từ khi thả nuôi đến lúc xuất bán, ba ba sẽ đạt trọng lượng từ 1,3-1,5kg/con. Dự kiến lợi nhuận thu được trong 18 tháng hơn 500 triệu đồng.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong tổng số hơn 3 ngàn mô hình, điển hình DVK của tỉnh, có 1.310 mô hình, điển hình DVK trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; 693 mô hình, điển hình trên lĩnh vực kinh tế; 539 mô hình, điển hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị và 478 mô hình, điển hình trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Để mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân phường Tân Phong phối hợp với Hợp tác xã Ba ba xã Phú Ngọc tổ chức tập huấn, hội thảo về quy trình kỹ thuật nuôi và sản xuất ba ba thương phẩm; thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất cũng như việc tiêu thụ đầu ra sản phẩm để có thể nhân rộng cho các hội viên nông dân trên địa bàn phường.

Xã Long Phước (huyện Long Thành) đã đặt mục tiêu phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024. Thời gian qua, hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong xã đang tập trung để hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn.

Quá trình thực hiện các tuyến đường bê tông hóa trong khu dân cư, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã vận động được một số hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long Phước Đỗ Thị Thêu cho biết, trước khi triển khai thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu, trên địa bàn xã còn 2 tuyến đường nông thôn chưa được bê tông hóa, diện tích mặt đường khá hẹp, không bằng phẳng, có nơi chỉ rộng hơn 2m, khi trời mưa thì ngập nước lầy lội nên việc đi lại của người dân rất khó khăn. Do đó, cấp ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội của xã, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nông dân xã phối hợp cùng các ấp, tổ chức họp dân để triển khai kế hoạch làm đường.

Theo đó, Hội Nông dân xã hướng dẫn các chi hội nông dân ở các ấp tăng cường tuyên truyền, vận động về quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích của người dân trong việc hiến đất, góp công sức và tiền... để nâng cấp, sửa chữa, bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn. Cùng với việc tuyên truyền, các chi hội nông dân nắm bắt tình hình nhân dân, các ý kiến, kiến nghị của người dân. Chỗ nào người dân thắc mắc, chưa thông suốt, còn ý kiến khác nhau, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tổ chức các cuộc họp và đưa ra cách làm, giải pháp cụ thể cho từng trường hợp.

Lĩnh vực nào cũng có DVK

Qua thực hiện DVK, Nhân dân xã Long Phước hiến đất, đóng góp ngày công lao động và tiền để làm 2 tuyến đường bê tông với chiều dài hơn 1km, mặt đường 3,5m với tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Các tuyến đường trong xã không chỉ được bê tông hóa mà tất cả các tuyến đường còn được gắn hệ thống đèn chiếu sáng do người dân đóng góp kinh phí, giúp người dân thuận lợi hơn trong lưu thông và chuyên chở hàng hóa; đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phong trào thi đua DVK diễn ra sôi nổi ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Lĩnh vực nào cũng có mô hình, điển hình DVK, trong đó nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.

Ở thành phố Long Khánh, hiện lĩnh vực nào cũng có mô hình DVK, trong đó lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều mô hình nhất, với hơn 100 mô hình. Điểm nổi bật của các mô hình là tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào, Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị; Ngày Vì người nghèo... Tổng giá trị thực hiện được từ các mô hình này trong năm 2023 gần 13 tỷ đồng.

Tại huyện Nhơn Trạch, nhiều mô hình DVK đã được nhân rộng. Trong đó, ở lĩnh vực kinh tế, Phòng Kinh tế huyện đã triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao, qua đó hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người dân nuôi tôm theo hướng hiện đại. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 913 hécta nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất bình quân hơn 3 tấn/hécta/vụ. Ngoài ra, có khoảng 333 hécta diện tích nuôi tôm thâm canh, trong đó thâm canh bình thường năng suất đạt 15 tấn/hécta/vụ, lợi nhuận 600 triệu đồng/hécta/vụ.

Khi thực hiện các mô hình DVK trên lĩnh vực kinh tế, huyện luôn chú trọng gắn với Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Năm 2023, có 7 hộ thoát nghèo từ việc được vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202403/dan-van-kheo-cung-co-vung-chac-niem-tin-cua-nhan-dan-a895fa7/