'Dân thụ hưởng' - Nhìn từ những quyết sách vì dân

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm chủ trương 'dân thụ hưởng' vào nội dung dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'. Đây là sự khẳng định nhất quán tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta: lấy dân làm gốc, người dân là chủ thể, là mục đích, là trung tâm của mọi quá trình phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, đặt người dân vào trung tâm các quyết sách hành động với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hỗ trợ địa bàn nghèo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp...

Tỉnh đã huy động sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, miền núi.

Huyện Nông Cống tổ chức học tập chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024.

Các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; giải ngân 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội giúp 71,48 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) của tỉnh Thanh Hóa giảm từ 6,77% xuống còn 3,79%. Thanh Hóa trở thành một trong những “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Kết quả cho thấy, 90% người dân ở những xã đã đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới. Người dân hài lòng khi được hưởng những thành quả từ nông thôn mới, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.

Với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương về “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông”. Qua 2 năm thực hiện, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, đến nay các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bố trí cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 183 hộ trên tổng số 247 hộ sinh sống trên sông, với tổng kinh phí 71 tỷ đồng; trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng gần 19 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà hơn 52 tỷ đồng.

Để giúp các hộ dân chài vừa tái định cư sớm ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, như bố trí đất sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trong độ tuổi; đảm bảo các chính sách về bảo hiểm y tế; quan tâm, hỗ trợ việc học cho các em trong độ tuổi đến trường... Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một chủ trương đúng đắn; là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp đồng bào sinh sống trên sông được thụ hưởng điều kiện cuộc sống ổn định, bền vững.

Nhân dân trên địa bàn huyện Nông Cống nghe chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024.

Từ kết quả tốt đẹp của “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 với mục tiêu đến hết quý III năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đây là mục tiêu lớn lao nhằm kịp thời hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, giúp người dân có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Chủ trương đúng đắn của Đảng nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngay sau hội nghị phát động cuộc vận động, tại điểm cầu Tỉnh ủy và các điểm cầu trong tỉnh đã hưởng ứng quyên góp, ủng hộ Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong hai năm 2024-2025 được gần 38 tỷ đồng.

Trong hội nghị chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” được tổ chức vào tháng 2/2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên phải toàn tâm, toàn ý với công việc, sâu sát thực tiễn, gần dân, trọng dân, hiểu dân và gắn bó với Nhân dân; chủ động, tích cực nắm bắt tình hình Nhân dân, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu, động lực phấn đấu cao nhất, xem đây là bổn phận, trách nhiệm của mình. Người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị phải thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương, tự soi, tự sửa, tiêu biểu về nhân cách, lối sống, đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tránh việc mới, né việc khó, thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của Nhân dân.

Lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là sự khẳng định nhất quán tư tưởng lấy dân làm gốc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đến đời sống của người dân. Người dân luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời người dân cũng trực tiếp thụ hưởng giá trị to lớn của quá trình đó. “Dân thụ hưởng” không dừng lại trên lý thuyết, trong nghị quyết mà được thể hiện sinh động, thuyết phục trong hiện thực đời sống của mỗi người dân xứ Thanh. Đó chính là động lực để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực lao động, cống hiến để xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đỗ Duy Đông (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dan-thu-huong-nhin-tu-nhung-quyet-sach-vi-dan-213217.htm