Đan Phượng: Nỗ lực đưa 3 xã cuối cùng về đích Nông thôn mới kiểu mẫu

Là một huyện ven đô có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Đan Phượng luôn phấn đấu là huyện đi đầu của Hà Nội trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đóng góp vào thành quả chung của huyện, nông dân huyện Đan Phượng đã và đang nỗ lực để cùng huyện đưa 3 xã cuối cùng về đích NTM kiểu mẫu.

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Đan Phượng không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của hội gắn liền với thực hiện hoàn thành, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Vẻ đẹp của nông thôn kiểu mẫu

Với những kết quả đã đạt được trong công tác hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân huyện Đan Phượng, đã góp phần quan trọng vào thành tựu của chương trình NTM trên địa bàn huyện. Đến nay toàn huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt NTM nâng cao, 12/15 xã đạt NTM kiểu mẫu, và còn 3 xã đang thẩm định để về đích NTM kiểu mẫu, cán đích 100% xã đạt NTM kiểu mẫu. Hạ Mỗ, Liên Hồng, Thọ An là 3 xã cuối cùng của huyện Đan Phượng chờ “nâng hạng” NTM kiểu mẫu.

Là một xã có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong nhiều năm qua, Hạ Mỗ đã quan tâm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất hoa ly, phát triển diện tích bưởi VietGAP, phát triển, nâng cao giá trị nghề làm đậu phụ truyền thống làng Trung Đích.

Đồng thời, xã khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp. Có nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, thương mại, dịch vụ phát triển, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, kết quả thu nhập bình quân năm 2023 đạt 76,1 triệu đồng/người/năm.

Xã Liên Hồng có 107 công ty, doanh nghiệp và 83 hộ sản xuất kinh doanh. Xã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tích cực tuyên truyền động viên nhân dân chủ động đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển ổn định, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó thu nhập từ thương mại dịch vụ từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2023 của xã đạt 75,6 triệu đồng/năm.

Festival nông sản - văn hóa - ẩm thực - du lịch huyện Đan Phượng năm 2023 diễn ra tại xã Hạ Mỗ

Còn xã Thọ An thì quan tâm phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt các dự án phát triển nông nghiệp làm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong, ngoài xã thực hiện tốt đào tạo lao động, giải quyết việc làm.

Thọ An có nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả. Ví dụ như mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên diện tích 1.800m2. Mô hình đã tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động thời vụ, mỗi năm mang lại thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng. Mô hình trồng măng tây với diện tích 2.000m2 cho thu nhập ước tính mỗi năm khoảng 100 đến 120 triệu đồng...

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, để cán đích NTM kiểu mẫu theo lộ trình, các cấp Hội Nông dân huyện xác định lĩnh vực kinh tế là then chốt để xây dựng NTM bền vững. Vì vậy trong nhiều năm qua, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Hằng năm, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo đã thu hút hàng nghìn hội viên đăng ký tham gia.

Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, sản xuất hàng hóa tập trung cho năng xuất vượt trội so với các mô hình truyền thống. Toàn huyện đã thành lập 6 chi hội, 104 Tổ Hội nghề nghiệp; xây dựng được 54 mô hình kinh tế tập thể điển hình về trồng cây ăn quả, trồng nho hạ đen gắn du lịch canh nông trải nghiệm; rau an toàn; rau giá, đậu phụ; chăn nuôi trâu, bò; lợn, gà, thỏ; trồng hoa đào, hoa ly, quất cảnh, chuối tây, chuối tiêu hồng; phát triển nghề mộc dân dụng…

Là địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM, Đan Phượng đang tiếp tục khẳng định là huyện “đầu tàu” trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, và người nông dân tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dan-phuong-no-luc-dua-3-xa-cuoi-cung-ve-dich-nong-thon-moi-kieu-mau-163938.html