Dân Palestine vẫn chịu nỗi đau dai dẳng dù Israel và Hamas ngừng bắn

Sau thỏa thuận ngừng bắn, dù không còn lo lắng về bom đạn, người dân Palestine vẫn đau đáu về những gì mà họ đang và sẽ phải chịu đựng từ mâu thuẫn dai dẳng giữa Israel và Hamas.

 Khan Yunish, phía nam dải Gaza sau cuộc không kích của Israel vào sáng 12/5. Ảnh: AFP.

Khan Yunish, phía nam dải Gaza sau cuộc không kích của Israel vào sáng 12/5. Ảnh: AFP.

Sáng 21/5, sau khi có thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel, anh M.I., 21 tuổi, sinh viên người Palestine tại Đại học Bách khoa Hà Nội, vui mừng gọi điện về cho mẹ.

“Bà bảo: ‘Mẹ chỉ muốn ngủ lúc này. Đã 11 ngày nay mẹ không được chợp mắt rồi”, anh M.I. chia sẻ với Zing và yêu cầu được giấu tên vì e sợ chính quyền Israel.

Anh cho biết suốt 11 ngày qua, dù ở Việt Nam, anh dường như cũng sống trong cơn ác mộng giống như gia đình mình ở Gaza.

“Ơn trời gia đình tôi vẫn an toàn, nhưng tôi đã mất vài người bạn. Khi nghe tin, tim tôi như vỡ toang. Đầu gối tôi nhũn ra và khụy xuống, tôi không thể tin đó là sự thật cho đến khi xem tin tức chính xác trên mạng. Tôi không thể làm gì cho họ ngoài việc cầu nguyện”, M.I. kể lại, tỏ ra không mấy lạc quan về tương lai sau lệnh ngừng bắn.

“Tôi rất vui vì thỏa thuận ngừng bắn, nhưng Gaza vẫn đang bị bao vây. Người bệnh ung thư vẫn không thể đến vùng khác để điều trị. Gaza vẫn nội bất xuất ngoại bất nhập. Thỏa thuận này chỉ là tạm thời. Hai bên từng nhiều lần ngừng bắn, nhưng cuối cùng xung đột vẫn tiếp diễn. Trẻ em ở Gaza vẫn chết oan uổng”, anh Adam Tallouzi, đang sinh sống tại thành phố Tulkarm, Bờ Tây, chia sẻ.

 Người dân tại Dải Gaza mừng rỡ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas chính thức có hiệu lực vào đầu ngày 21/5. Ảnh: Reuters.

Người dân tại Dải Gaza mừng rỡ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas chính thức có hiệu lực vào đầu ngày 21/5. Ảnh: Reuters.

“Ngay lúc này đây, khi tôi đang nói chuyện với bạn, Lực lượng Phòng vệ Israel đang tấn công nhà thờ Al Aqsa và buộc giáo dân người Palestine rơi khỏi đó”, anh nói với phóng viên Zing vào chiều 21/5.

Theo CNN, lực lượng an ninh Israel đã xông vào giáo đường Al Asqa ở Jerusalem vào khoảng chiều 21/5, trong lúc hàng nghìn người Palestine đang tụ tập để cầu nguyện. Lực lượng an ninh Israel đã dùng lựu đạn choáng và đạn cao su để giải tán đám đông, phóng viên CNN cho biết một số người, trong đó có cả trẻ em, đã bị tấn công trong khi cố gắng bỏ chạy.

Dù người dân Palestine không còn lo lắng bom rơi xuống đầu bất chợt, ít nhất là trong khoảng thời gian tới, họ vẫn còn đau đáu về những gì mà họ đã, đang, và sẽ phải chịu từ mâu thuẫn dai dẳng giữa Israel và Palestine.

Tương lai đổ sụp theo những tòa nhà

Từ khi sinh ra, M.I. đã đã trải qua 5 cuộc xung đột lớn nhỏ ở Gaza từ năm 2000. Cuộc chiến năm 2014 là dài nhất, diễn ra suốt 7 tuần, và cũng là cuộc đối đầu kinh hoàng nhất mà M.I. từng nếm trải.

“Tôi không bao giờ quên cái đêm mà quân đội Israel đưa hàng loạt xe tăng vào thành phố và tấn công ngẫu nhiên vào nhà dân. Khi đó tôi chỉ mới 14 tuổi. Họ nã bom trúng nhà một hàng xóm ngay sát nhà tôi. Chúng tôi khi đó như nằm kế quả bom vậy, dường như không có bất kỳ khoảng cách nào. Như thể khi đó chúng tôi đang ở rìa của cái chết vậy. Tiếng nổ khiến tôi kinh hãi đến mức chân mềm nhũn và không thể đứng dậy”, M.I. nhớ lại.

Xe tăng của Israel đã tiến vào phía bắc Dải Gaza vào đêm 17/7/2014, trong khi các pháo hạm hải quân tấn công phía nam Dải Gaza sau 10 ngày không kích, theo New York Times. Israel nói rằng cuộc xâm nhập này nhắm vào các đường hầm dẫn vào lãnh thổ Israel chứ không nhằm lật đổ Hamas.

M.I. kể cha anh đã phải dìu anh trên vai, chạy chân trần suốt 5 km để tìm chỗ ẩn náu.

 Hàng hoạt tòa cao ốc ở Gaza bị đánh sập trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas. Ảnh: Reuters.

Hàng hoạt tòa cao ốc ở Gaza bị đánh sập trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas. Ảnh: Reuters.

“Sau cuộc chiến, những người sống sót như chúng tôi đã gượng dậy để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, Gaza vẫn tiếp tục bị tấn công và hứng chịu những hậu quả tồi tệ hơn”, anh nói, đề cập đến cuộc chiến mới nhất.

Anh M.I. cho biết ở Gaza, hầu như lúc nào mọi người cũng cảm thấy không an toàn và bất tiện. Mỗi ngày người dân ở đây chỉ có 4 tiếng được sử dụng điện. Họ cũng không có hệ thống lọc nước uống. “Không có bất kỳ tụ điểm vui chơi nào. Không có những khu vườn xinh đẹp. Không có những con phố lộng lẫy. Không sân bay, không cảng biển”.

Anh cho biết những tòa cao ốc mà Israel vừa đánh sập là những điểm sáng duy nhất của thành phố. Đó là nơi đặt các trung tâm từ thiện, trung tâm giáo dục, công ty, hãng truyền thông, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, hiệu thuốc,...

Đối với những người trẻ, những tòa nhà đặc biệt ý nghĩa vì đó là nơi họ lui tới học tiếng Anh và xin học bổng du học, với hoài bão tạo nên điều khác biệt cho quê nhà.

Rất nhiều nơi trong số đó chỉ còn là đống đổ nát.

“Tòa nhà biến mất, trung tâm biến mất, người trẻ sẽ xây dựng tương lai của họ bằng cách nào đây? Họ không còn cơ hội nào nữa, Israel đã phá hủy mọi thứ. Tôi tự hỏi vì sao Israel lại nhắm vào những nơi này, phải chăng nhằm đánh vào kinh tế của chúng tôi?”, M.I. nói.

“Chiếc lồng” Gaza

Anh M.I. cho biết mình có được cơ hội du học chính là nhờ các trung tâm về giáo dục trong những tòa nhà này. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như anh.

“Để ra khỏi Gaza, chúng tôi phải đăng ký xét duyệt trước hai tháng. Tuy nhiên, vài người bạn của tôi dù đã làm đúng quy trình nhưng mãi vẫn không được chấp thuận và đành phải bỏ học bổng. Ra khỏi Gaza thực sự rất phức tạp”, M.I. kể.

 Người dân tại Gaza muốn ra ngoài hoặc phải đi qua Israel, hoặc phải qua Ai Cập chứ không thể trực tiếp đi đến các nước hoặc khu vực khác.

Người dân tại Gaza muốn ra ngoài hoặc phải đi qua Israel, hoặc phải qua Ai Cập chứ không thể trực tiếp đi đến các nước hoặc khu vực khác.

Anh cho biết có 2 con đường để ra khỏi Gaza để đến các nước, và cả 2 đều vô cùng khó khăn.

Cách thứ nhất là đi qua chốt kiểm soát của Israel để tới sân bay Jordan. Rất ít người dám đi con đường này vì sợ bị quân đội Israel bắt lại để truy hỏi về Hamas.

Cách thứ hai là đi qua chốt kiểm soát của Ai Cập để đến sân bay Cairo. Cách này thì lại vô cùng tốn kém.

“Tôi đã phải trả khoảng 1.700 USD để đi qua chốt kiểm soát này”, anh M.I. nói.

Ra nước ngoài vốn đã khó khăn, vậy mà đi lại trong cùng khu vực lãnh thổ lại còn khó khăn hơn.

Anh M.I. cho biết đến Jerusalem là mơ ước của hầu hết người dân ở Gaza. Tuy nhiên, 100% người trẻ Palestine ở Gaza bị Israel cấm đến đó. Chỉ người 50 tuổi trở lên may ra mới được xem xét.

Ahmad Awad, 28 tuổi, hiện sống ở Hebron, Bờ Tây Palestine cũng mô ta tương tự. Anh cho biết Dải Gaza cách Bờ Tây khoảng 90 km, nhưng anh rất hiếm thấy ai từ Gaza đến được đây.

“Đi vòng quanh Trái Đất có khi còn dễ hơn từ Gaza đến Bờ Tây. Ngoài nhân viên của các tổ chức nước ngoài, các nhà ngoại giao, thì chỉ những bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc khó điều trị ở Gaza mới được xem xét đến đây với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền. Tuy nhiên, cũng chỉ có vài người trong hàng trăm nghìn trường hợp mới được chấp thuận”, anh nói.

“Gaza giống hệt như một chiếc lồng”, Tallouzi đồng ý và nhấn mạnh.

 Ít nhất 230 người ở Gaza đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Ảnh: AP.

Ít nhất 230 người ở Gaza đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Ảnh: AP.

Không chỉ ở Gaza, việc đi lại ở khu vực Bờ Tây cũng khó khăn không kém.

Con đường từ nhà anh Awad ở thị trấn Idhna, rìa thành phố Hebron, đến chỗ làm ở thành phố Jericho chỉ mất khoảng 70 phút lái xe. Thế nhưng đôi khi, anh phải mất cả ngày để đi vì phải qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát.

Từ thành phố Tulkarm thuộc Bờ Tây, anh Tallouzi cũng đã trải qua con đường vô cùng gian nan mới đến được Việt Nam. Từ nhà, anh phải đến thành phố Jericho ở chốt kiểm soát của Israel và nộp đủ thứ phí và thuế khóa tại đây.

Tiếp đến anh ngồi xe khách đi qua lãnh thổ Israel. Tại các trạm kiểm soát ở Israel, anh cho biết mình liên tục bị xúc phạm, mắng chửi. Sau 4 tiếng chờ đợi và kiểm tra giấy tờ, anh mới tiếp tục lên đường đến Jordan để bắt máy bay đến Việt Nam. Và, con đường từ Việt Nam trở về quê nhà cũng mệt mỏi tương tự, thậm chí còn bị gây khó dễ nhiều hơn.

“Israel đang kiểm soát mọi thứ”, Tallouzi nói.

“Hamas là bộ phận quan trọng của dân tộc Palestine”

Theo anh M.I., trước sự khiếm soát sát sao của người Israel ở nhiều vùng lãnh thổ, hành động của Hamas cho thấy họ đang “cố bảo vệ Palestine".

“Hamas không phải khủng bố. Họ cũng là người Palestine và đang muốn giải phóng đất nước”, anh nói.

Đồng suy nghĩ, anh Awad nói rằng trong thế kỷ qua, nhiều nhóm vũ trang đã bị coi là khủng bố trong quá trình đấu tranh giành tự do của họ, và Hamas cũng là một trong số đó.

Tuy anh và nhiều người dân Palestine không tán thành với chủ trương bạo lực của Hamas, anh khẳng định họ vẫn là “một bộ phận quan trọng của dân tộc Palestine”.

“Vì Israel đã gây áp lực lên Gaza quá lâu, Hamas kháng cự, đó là điều bình thường. Gaza là một cái lồng, và Hamas vùng vẫy ra khỏi cái lồng này để không bị mắc kẹt. Nếu có ai đó đánh bạn, bạn cũng sẽ hét lên thôi”, anh Tallouzi nêu quan điểm.

 Một đơn vị pháo binh của Israel tại biên giới với Gaza bắn vào các mục tiêu Hamas ở Gaza, hôm 12/5. Ảnh: AP.

Một đơn vị pháo binh của Israel tại biên giới với Gaza bắn vào các mục tiêu Hamas ở Gaza, hôm 12/5. Ảnh: AP.

Anh cũng nói thêm rằng Hamas không phải là chính quyền, vì vậy họ không có nghĩa vụ bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, khi những vùng đất linh thiêng nhất của người Palestine như nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa bị Israel gây khó dễ, Hamas đã đáp trả.

“Trong tháng lễ Ramadan linh thiêng nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi đến nhà thờ Al Aqsa ở Jerusalem để hành lễ và cầu nguyện nhưng người Israel không cho chúng tôi vào mà chỉ cho phép người Do Thái. Họ đuổi chúng tôi ra khỏi Sheikh Jarrah. Đó là cách mọi thứ bắt đầu vào 2 tuần trước”, Tallouzi nói.

Anh cũng cho rằng Israel đã lợi dụng hành động của Hamas để tấn công Gaza. “Nếu Hamas đánh bạn thì bạn hãy đánh lại Hamas chứ đừng đánh dân thường”.

Anh M.I. đồng tình: “Nếu Hamas có sức mạnh công nghệ và quân sự tương đương với Israel, họ cũng sẽ không tấn công Israel như cái cách Israel tấn công người Palestine”.

Ngoài ra, cả Tallouzi, M.I. và Awad đều cho rằng xung đột giữa Israel và Hamas và một cuộc chiến khập khiễng và không cân bằng.

“Trong đấu vật, người ta không thể so sánh tôi với The Rock. Trong chính trị và quân sự, người ta không thể so sánh Hamas và Israel”, anh Tallouzi nói.

Bé 6 tuổi được cứu từ đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel Bé gái Suzy 6 tuổi được cứu sau 7 tiếng kẹt trong đống đổ nát ở thành phố Gaza. Mẹ và 4 anh chị của bé đều thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel hồi cuối tuần qua.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-palestine-van-chiu-noi-dau-dai-dang-du-israel-va-hamas-ngung-ban-post1218179.html