Dẫn lối, đồng lòng, 'tam nông' phát triển

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, về lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, các cơ chế, chính sách được ban hành đã nhanh chóng vận dụng vào thực tiễn. Qua đó, tạo sức lan tỏa, động lực lớn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thích ứng linh hoạt với tình hình mới, đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo những dấu ấn quan trọng.

Ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

Kỳ I: Nền tảng vững, phát triển bền

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển nông nghiệp: “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện đại, bền vững, nền tảng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nông nghiệp đa dạng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản theo hướng OCOP...”.

Cụ thể hóa Nghị quyết

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, các chương trình, đề án, kế hoạch trọng tâm được tỉnh ban hành. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi từ các nguồn lực của tỉnh lồng ghép với hỗ trợ của Trung ương, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Ngày 27/6/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 74-NQ/TU (Nghị quyết 74) về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 74, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và sau này được thay thế bằng Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2023, chính sách đã hỗ trợ kinh phí trên 100 tỉ đồng cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình.

Là một trong những vùng trọng điểm về trồng cây ăn quả có múi, huyện Đoan Hùng đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm phát triển cây ăn quả, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 31/3/2021 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Hà Hải Long- Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng đánh giá: “Các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân từ Trung ương đến địa phương đã dẫn lối, chỉ đường, đúng, trúng vào tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân nên nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao, nhất là nghị quyết về phát triển cây bưởi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, diện tích bưởi của Đoan Hùng đạt trên 2.600ha, mang lại thu nhập hơn 400 tỉ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp của huyện”.

Những kết quả đạt được trong triển khai các nghị quyết về nông nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nông nghiệp trong nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, bền vững, chuyển dịch đúng hướng cả về cơ cấu nội bộ ngành và chất lượng sản phẩm nông sản, là cơ sở để tiếp tục có sự chú trọng đầu tư vào nông nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Mô hình nuôi cá “sông trong ao” của gia đình ông Thiều Minh Thế, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy mỗi năm cho doanh thu trên một tỉ đồng.

Nông nghiệp đổi mới, nông thôn khởi sắc

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp; hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hỗ trợ tem mác truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng, hỗ trợ chứng nhận các mô hình nông nghiệp an toàn; quản lý, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, diện tích bưởi đạt trên 5,6 nghìn ha; diện tích lúa chất lượng cao 32 nghìn ha, chiếm 55% diện tích gieo cấy; diện tích chè 14,5 nghìn ha. Trên địa bàn đã hình thành một số mô hình, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, liên kết theo chuỗi trên cây trồng, vật nuôi chủ lực, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Toàn tỉnh hiện có 450 vùng trồng trọt tập trung, 40 vùng sản xuất cây gỗ lớn, 65 khu nuôi thủy sản. Trên địa bàn tỉnh đã triển khai 108 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; có 63 HTX, 92 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn có liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện thiết lập, cấp và quản lý được 251 mã số cho 43 vùng trồng với tổng diện tích hơn 4.500ha, trong đó phục vụ xuất khẩu có 27 mã với diện tích hơn 660ha; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM đối với các cây trồng chính đạt 78%. Tỉ lệ đàn vật nuôi được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với đàn lợn đạt 42%, đàn gà đạt 15%... Khoảng 80 cơ sở chăn nuôi có sự hợp tác liên kết với các công ty đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh đã đưa vào ứng dụng phần mềm chuyển đổi số trong nông nghiệp “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số”; xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý toàn cầu trong quản lý trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Đã hỗ trợ 93 đơn vị chuyển đổi số nhập dữ liệu sản xuất bằng hệ thống phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc nông sản, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch động vật gắn mã QR Code; trung bình kích hoạt trên 6.200 tem kiểm dịch gắn mã QR Code, hơn hai triệu tem truy xuất nguồn gốc mỗi năm.

HTX dịch vụ sản xuất sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao cung cấp khoảng 40 loại rau, củ, quả cho một số siêu thị lớn như Co.opmart, Winmart. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX cho biết: “HTX được huyện và các ngành chức năng hỗ trợ triển khai dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, trong đó được hỗ trợ về xây dựng mã số, mã vạch, mã QR Code... giúp nông sản có được chỗ đứng trên thị trường, các thành viên HTX nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong sản xuất”.

Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) toàn tỉnh đã có 249 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao.

Nông nghiệp phát triển đã tạo đà cho các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), mang lại diện mạo mới cho các vùng quê. Đến nay, toàn tỉnh có sáu đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành NTM, 136 xã đạt chuẩn NTM, 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất tại các địa phương đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Từ năm 2021 đến nay, có 51 công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được triển khai, giá trị khối lượng thực hiện đạt 1.860 tỉ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 40,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,4 lần năm 2020, tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%...

Kỳ II: Động lực mới cho “tam nông”

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dan-loi-dong-long-tam-nong-phat-trien/208368.htm