Dân khổ, môi trường bị tàn phá - Kỳ 1: Dân 'không thấy', chính quyền 'ngó lơ'?

Chuyện về các mỏ đất và tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán đất bồi san lấp mặt với bao điều hệ lụy đã và đang gióng lên hồi chuông báo động…

Những ngọn đồi ở Lộc Bình loang lổ do khai thác đất san lấp

Những ngọn đồi ở Lộc Bình loang lổ do khai thác đất san lấp

Không dưng trở thành công trường… đất

Mới lần đầu gặp chúng tôi mà ông Nguyễn Con (ngoài 80 tuổi) cứ vồn vã như người quen lâu ngày gặp lại, bảo rằng “mừng lắm, mừng lắm”, tui cũng đang làm “đơn kiện” đây. Ông bảo, quê ở Vinh Hiền ông sang Tân An Hải (Lộc Bình, Phú Lộc) lập nghiệp từ sau ngày giải phóng, khai hoang và canh tác được 4,6ha đất để trồng rừng. Cách nay hơn 6 năm, ông nhượng bán cho ông Trần Đình 3ha với giá 200 triệu đồng. Hơn một năm sau thì doanh nghiệp mang tên Sơn Đình Thu do ông này làm chủ tiến hành khai thác đất để… bán.

Ông Con như chạm vào nỗi giận âm ỉ lâu ngày khi tôi hỏi ông kiện cái gì. Ông chỉ tay về phía con đường độc đạo lên núi loang lổ, bảo xưa chỉ là con đường nhỏ giờ thì to tênh hênh, xe chở đất ầm ầm suốt ngày, nhà tôi ở sát bên cạnh nên hứng trọn “nỗi buồn của đất” với bao ồn ào, bụi bặm và cả những hiểm nguy rình rập. Chúng tôi nhìn quanh vườn nhà ông Con, nhà cửa và cây cối đều phủ dày lớp bụi mà ngao ngán. Nhìn rộng ra xung quanh, nhiều nhà dân đã phải dùng bạt để tạm che bụi. Đúng là “họa vô đơn chí”, lợi cho một vài người mà làm khổ… trăm họ!

 Nhiều mỏ đất ở Phong Điền đang chỉnh trang hạ tầng công vụ để khai thác, hoạt động

Nhiều mỏ đất ở Phong Điền đang chỉnh trang hạ tầng công vụ để khai thác, hoạt động

Nhìn về phía con đường lên núi thấy có ngôi nhà bỏ hoang. Cách đây mấy năm đó còn là một lớp học mầm non của thôn. Từ khi việc khai thác đất ở Cồn Que này bung ra, lớp học này buộc phải di dời đi nơi khác để nhường chỗ cho xe đất vận hành với mật độ dày đặc. Cũng may cho các cháu mẫu giáo, bởi theo lời kể của chị chủ quán nước nằm cạnh tuyến đường thì cách nay 2 năm, cả xóm dưới chân núi này phải một phen xớn rớn khi bất thình lình vào buổi trưa có 1 tảng đá nặng chừng 2 khối lăn từ núi xuống làm đổ sập bức tường của một ngôi nhà làm cơ sở dệt may...

Có mặt vào thời điểm buổi trưa trời nắng nóng, điều mà chúng tôi ghi nhận là cả một đoạn Quốc lộ 49B chạy dọc xã Lộc Bình nhộn nhịp như một công trường. Xe chở đất lên xuống núi, rồi ngược xuôi khiến nhìn thôi đã chóng mặt. Cách địa điểm khai thác đất không xa là một số bãi tập kết đất ở ven đường. Chúng tôi được biết, đó được xem là trạm trung chuyển; nguồn đất khai thác từ mỏ chưa tiêu thụ kịp sẽ được tập kết về đây để từ đó tiếp tục chuyển bán cho các đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh các dự án cần bồi lấp, khách hàng còn có những hộ gia đình có nhu cầu bồi đắp đất vườn, mà phần lớn là các xã bên kia phá Cầu Hai. Nói chung, đất bồi ở đây không phải lo lắng nhiều về “đầu ra” nên các chủ đất có thể tăng tốc, vận hành hết công suất.

Ngước nhìn con đường dựng đứng, chạy thẳng lên núi Cồn Que, chúng tôi thấy có không ít những tảng đá lớn chênh vênh, sẵn sàng đổ ập xuống bất kỳ lúc nào. Đi một vòng dọc theo theo Quốc lộ 49B, lại nhìn lên phía Rẫm, thấy loang lổ những vạt đất lớn sáng rực màu đất sỏi mới tinh, nổi bật trên nền màu xanh của rừng trồng và vườn nhà. Vậy mà chưa hết, nghe đâu sau Cồn Que, sắp tới đây ông chủ đầu tư đất bồi này còn sẽ tiếp “khai trương” thêm một điểm khai thác mới ở gần phía cầu Tư Hiền để phục cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao.

“Đất tặc”

Không thể có chuyện đánh đồng việc khai thác đất bồi san lấp ở các mỏ đất được cấp phép và các trường hợp khai thác trái phép. Thế nhưng, cũng không phải ngẫu nhiên mà khai thác đất san lấp đã được xếp vào hội “tặc”. Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán đất với bao điều hệ lụy đã và đang gióng lên hồi chuông báo động ở Thừa Thiên Huế.

 Những vạt đồi ở vùng Rẫm, Lộc Bình, Phú Lộc do khai thác đất san lấp gần trở thành đồi trọc

Những vạt đồi ở vùng Rẫm, Lộc Bình, Phú Lộc do khai thác đất san lấp gần trở thành đồi trọc

Những ngày gần đây, về Phú Lộc chúng tôi nghe bàn tán chuyện trộm đất phá nát quả đồi dưới chân trụ điện cao thế ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn. Một quả đồi dưới đường dây 500kV bị đào bới tan hoang và bị múc đi một lượng đất rất lớn. Các đối tượng đã khoét sâu nhiều điểm dưới đồi, đặc biệt có nhiều hố sâu hơn 3 mét. Riêng ở phần trên quả đồi có chôn trụ điện cao thế 500kV đã bị đào sâu vào đến gần chân, uy hiếp đến sự an toàn của đường dây điện cao thế Bắc Nam, buộc ngành điện lực phải lên tiếng.

Cách thôn Hòa Vang (Lộc Bổn) không xa là thôn Thủy Cam (Lộc Thủy, Phú Lộc), nơi có mỏ đá Mỏ Diều nổi tiếng. Cũng tại khu vực này, một mỏ đất mang tên Đồng Tâm đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua. Mới đây có mặt tại mỏ đá Mỏ Diều, nằm cách Quốc lộ 1A không xa vào buổi trưa hè trời nắng nóng hầm hập, chúng tôi có dịp chứng kiến cảnh tượng xe chở đất, toàn loại 3 - 4 cầu, trọng tải từ 30 - 35 tấn nối đuôi vào ra. Con đường cấp phối nhỏ hẹp bị băm nát, thấy xuất hiện nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, bụi đất phủ đầy. Dừng bước ở trước cổng Công ty cổ phần mỏ đá Mỏ Diều, loay hoay rẽ lối vào mỏ đất Đồng Tâm để “trăm nghe không bằng một thấy”, thế nhưng người đi đường can “không vào được mô, nguy hiểm lắm!”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ông chủ mỏ Đồng Tâm từng bị xử phạt về hành vi chiếm đất rừng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường không riêng ở khu vực này.

Mới đây, vào tháng 3/2023, chỉ trong vòng 10 ngày, UBND phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) đã 2 lần lập biên bản vi phạm hành chính về pháp luật đất đai đối với một số cá nhân có liên quan nằm bên tuyến đường Trưng Nữ Vương. Trong đó, có trường hợp “tự ý san lấp đất nông nghiệp” và trường hợp còn lại cũng có lý do tương tự “xin hạ đất để chăn nuôi và trồng trọt (?)”. Được biết, cũng trên địa bàn thị xã Hương Thủy, hoạt động khai thác, vận chuyển đất làm vật liệu san lấp diễn ra sôi động trên tuyến Tỉnh lộ 7 theo hướng dư luận càng xôn xao thì trên hiện trường lại càng táo tợn hơn. Xe chở đất liên tục ngược xuôi, che chắn sơ sài đã gây rơi vãi đất đá làm hạ tầng đường sá bị xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm do bụi bẩn phát tán trong không khí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh.

Hàng chục năm về trước, những người dân bản địa phải lưu tán trong chiến tranh và từ Lộc Trì, Vinh Hiền đã quần tụ về lại Lộc Bình là dải đất hẹp nằm kẹp giữa một bên là đèo Phước Tượng, dãy núi Rẫm - Vinh Phong. Họ đã tận dụng những diện tích đất ít ỏi để lập vườn, trồng rừng, hình thành nên những xóm làng trù phú. Nhìn những con đường nhỏ dựng đứng, được mở ra từ đường nhựa lên núi để phục vụ chủ yếu cho việc khai thác rừng và chuyên chở đất khai thác, ông Lê Túy, một người dân sống nơi đây từ sau ngày giải phóng quê hương, lắc đầu ngao ngán. Theo ông Túy, việc mở những con đường không theo quy hoạch đặc biệt nguy hiểm khi trở thành những dòng chảy khi có mưa lớn, gây sạt lở đất và nhiều hiểm nguy kèm theo. Ông Túy nói, chuyện sờ sờ ai cũng có thể cảm nhận được, khổ nỗi là đang có tình trạng “dân không thấy”, còn “chính quyền thì làm ngơ”.

Từ nhiều năm nay, chúng tôi có dịp lên về Lộc Bình. Ấn tượng về vùng quê này lại là khung cảnh yên bình, thoáng mát. Gần đây, Lộc Bình được xem là điểm đến với nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang triển khai. Đã đến lúc cần phải có ngay những động thái mạnh và khoa học để bảo về vùng đất này trước nạn khai thác đất bừa bãi, ồ ạt trước khi để xảy ra những hậu quả khó lường.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý

Bài, ảnh: Nhóm PV

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/dan-kho-moi-truong-bi-tan-pha-ky-1-dan-khong-thay-chinh-quyen-ngo-lo-129046.html