Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, hội nhập, phát triển, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh

Nhiệm kỳ qua (2018-2023), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, Hội Nông dân tỉnh nỗ lực vươn lên, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là tổ chức đại diện của giai cấp nông dân, góp phần đưa tỉnh Sơn La đã trở thành “hiện tượng” nông nghiệp của cả nước, tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.

Lãnh đạo tỉnh và Hội Nông dân tỉnh khảo sát vùng trồng cà phê tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.Ảnh: PV

Xây dựng, củng cố tổ chức hội nông dân các cấp vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện của giai cấp nông dân, trong nhiệm kỳ qua, các cấp hội nông dân đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ, hội viên, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội được triển khai thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết 04, 05, 06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên trách hội nông dân cấp tỉnh theo quy định của Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh sắp xếp từ 5 phòng, ban, 1 trung tâm xuống còn 3 phòng, ban, 1 trung tâm, theo hướng tinh gọn, hiệu quả hoạt động; kiện toàn, sắp xếp lại các chi hội do sáp nhập bản, tiểu khu đảm bảo kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh có 12 tổ chức hội cấp huyện, 199 tổ chức hội cấp xã, 2.247 chi hội, tổng số 172.024 hội viên.

Gian trưng bày sản phẩm nông sản tiêu biểu của nông dân huyện Sốp Cộp được giới thiệu tại các sự kiện lớn.Ảnh: PV

Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp hội nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua, giúp nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo bước đột phá sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tiêu biểu, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống nhân dân. Các cấp hội vận động nông dân, hội viên thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh liên kết HTX, tổ hợp tác, nâng cao giá trị sản phẩm; vận động phát triển kinh tế tập thể; thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế các cây ngắn ngày, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, sử dụng giống mới chất lượng; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch..., đưa diện tích cây ăn quả các loại trong tỉnh lên 84.800 ha, sản lượng trên 450.000 tấn/năm; nâng thu nhập bình quân 1 ha đất trồng cây ăn quả đạt 300 triệu đồng/năm; 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hội nông dân các cấp tuyên truyền, vận động hàng trăm nghìn lượt hội viên, nông dân hiến hơn 292.000 m² đất, góp hơn 180 tỷ đồng, 50.000 ngày công lao động làm đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa..., góp phần nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 59 xã năm 2022, tăng 33 xã so với năm 2018.

Thực hiện rộng khắp, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2017-2022”, đến nay, Sơn La có 5 nông dân SXKD giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; 3 “Nhà khoa học của nhà nông”; toàn tỉnh có 30.069 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp.

Nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu livestream giới thiệu sản phẩm mận trên các trang mạng xã hội.

Hội viên, nông dân SXKD giỏi tương trợ, giúp đỡ 1.691 hộ nghèo vốn, kinh nghiệm làm ăn, cây, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 22 tỷ đồng, 65.068 ngày công. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên, đóng góp xây dựng 241 nhà “Mái ấm hội nông dân” tặng hội viên nông dân nghèo khó khăn về nhà ở, trị giá trên 7,2 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, hoạt động tư vấn hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân luôn được quan tâm. Đã tổ chức 178 hội nghị hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho 11.146 lượt hội viên; mở 6.631 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 364.401 lượt hội viên, nông dân; hỗ trợ trên 30 HTX xây dựng kho lạnh, cơ sở chế biến nông sản.

Đồng hành, hỗ trợ vốn cho nông dân vươn lên phát triển kinh tế, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 68 tỷ đồng, đầu tư 877 lượt dự án, hỗ trợ 2.833 hộ nông dân vay vốn. Ngoài ra, dư nợ của hội nông dân qua Ngân hàng CSXH tỉnh, Ngân hàng NN&PTNT đạt 2.550 tỷ đồng, cho hơn 42.100 hộ vay vốn.

Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tích cực phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đã có 110 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, mở ra cơ hội liên kết sản xuất chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Tham gia chuyển đổi số, giúp nông dân tiếp cận sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân các cấp phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân kỹ năng đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 4.319 hộ tham gia sàn TMĐT Postmart; 413 sản phẩm nông sản đưa lên sàn Postmart.vn, trong đó 59 sản phẩm OCOP.

Nhiệm kỳ 2023-2028, với mục tiêu xây dựng Hội Nông dân tỉnh Sơn La vững mạnh, thực sự là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp đáp ứng với yêu cầu thời kỳ mới; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ nông dân, tham gia chuyển đổi số, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường... Hội nông dân các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, xây dựng tổ chức Hội Nông dân tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy hội nông dân các cấp, đảm bảo hoạt động hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo, đa dạng, phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng vùng, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng.

Bàn giao Nhà mái ấm nông dân cho hội viên tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Hai là, xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, vững mạnh; chú trọng giáo dục nâng cao hơn nhận thức chính trị, tinh thần và lòng tự hào dân tộc cho nông dân; phát huy vai trò cộng đồng, gia đình, tinh thần tự học hỏi của hội viên, nông dân, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, hiểu biết pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thương mại nông sản.

Ba là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực phấn đấu trở thành chủ tịch, giám đốc HTX, doanh nghiệp nhỏ, trở thành hạt nhân thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”, tạo bước đột phá xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, tay nghề cao.

Mô hình trồng lúa SRI tại bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hằng năm, tối thiểu 60% hộ hội viên nông dân đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó 50% đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phấn đấu, mỗi năm có từ 1.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh trở lên.

Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Phát huy vai trò của các cấp hội phối hợp với các hiệp hội trong công tác nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

HTX rau an toàn bản Ta Niết, huyện Mộc Châu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Với tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, hội nhập, phát triển”, toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân quyết tâm phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023-2028.

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/dan-chu-doan-ket-doi-moi-hoi-nhap-phat-trien-xay-dung-to-chuc-hoi-nong-dan-vung-manh-J8c1aTWSg.html