Đậm sâu nghĩa tình đồng đội

Đất nước đã yên tiếng súng, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27/7, ngày cả nước tưởng nhớ và tri ân công lao của các thương binh, liệt sỹ trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước tôi lại nhớ về đồng chí, đồng đội, những người đã anh dũng ngã xuống, những người đã để lại trên chiến trường một phần máu thịt... cho quê hương, đất nước có ngày hôm nay.

Đất nước đã yên tiếng súng, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27/7, ngày cả nước tưởng nhớ và tri ân công lao của các thương binh, liệt sỹ trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước tôi lại nhớ về đồng chí, đồng đội, những người đã anh dũng ngã xuống, những người đã để lại trên chiến trường một phần máu thịt... cho quê hương, đất nước có ngày hôm nay.

78 năm tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, nhưng bác Nguyễn Hữu Úc, bệnh binh 2/3, Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Thanh Liêm còn minh mẫn lắm. Nhớ lại những năm tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bác Úc xúc động nói: Tôi lên đường nhập ngũ ngày 10/4/1962, khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Tháng 2/1964, tôi cùng đơn vị hành quân đi B, vào chiến đấu tại chiến trường Bình Định, Quảng Ngãi. Hơn bốn năm trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu; năm năm, một tháng, mười lăm ngày bị giam cầm ở các nhà lao đế quốc – những năm tháng ác liệt, gian khổ mà hào hùng ấy để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm đậm sâu nhất, thiêng liêng nhất với tôi là tình đồng chí đồng đội, những người luôn sát cánh bên nhau trong mọi khó khăn gian khổ, thậm chí cả khi đối diện với cái chết.

Qua trò chuyện được biết, trong hơn 4 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Định, Quảng Ngãi, bác Úc bị thương nhiều lần. May mắn, các vết thương chủ yếu vào phần mềm, sau khi được chữa trị, bác Úc trở lại đơn vị tiếp tục sát cánh cùng đồng chí đồng đội tham gia chiến đấu.

Kể về những lần bị thương bác Úc chậm rãi nhớ lại: Tôi bị thương lần đầu vào mắt cá chân bên phải do đạn phản của địch khi cùng đơn vị tham gia đánh tập kích vào ga Phù Ly, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Hôm đó là ngày 25/2/1965. Được sự chăm sóc, chữa trị kịp thời của các y, bác sỹ, sự quan tâm, động viên thường xuyên của đồng chí, đồng đội, chỉ sau hơn một tháng, khi vết thương đã lành, tôi tiếp tục trở lại đơn vị chiến đấu.

Tuổi cao, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Úc vẫn giữ thú vui làm vườn.

Tuổi cao, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Úc vẫn giữ thú vui làm vườn.

Hơn hai năm sau, ngày 25/4/1967, tôi bị thương vào gan bàn chân phải trong trận đánh phòng ngự chống càn tại thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trận đánh này, Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng được giao nhiệm vụ phòng ngự chống càn tại thôn Vĩnh Xuân. Do không đủ lực lượng, Đại đội 2 biên chế thành 2 trung đội thiếu (mỗi trung đội chỉ có trên 10 người). Tôi là Trung đội trưởng Trung đội 1; đồng chí Nguyễn Bá Soạn (quê Ứng Hòa Hà Tây, nay là Hà Nội) là Trung đội trưởng Trung đội 2. Khi địch đánh đến Vĩnh Xuân, lợi dụng chiến hào, hầm hào của dân, trung đội của tôi là trung đội chủ công nên nổ súng trước. Trận chiến hôm đó diễn ra hết sức ác liệt. Lực lượng phòng ngự chống càn của ta đã giữ vững được trận địa trong ngày. Tối đến, đơn vị được lệnh rút quân.

Trong trận đánh này, trung đội của tôi hy sinh hơn một nửa. Tôi bị thương vào gan bàn chân phải, hiện mảnh đạn kim khí (m79) vẫn còn nằm trong gan bàn chân. Đồng chí Soạn vết thương cũ tái phát đơn vị đưa ra Bắc điều trị. Trước khi ra Bắc, tôi có viết một lá thư nhờ đồng chí Soạn chuyển giúp về quê. Không kể đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, anh Soạn đã trực tiếp mang thư đến trao tận tay gia đình tôi. Kể từ đó anh Soạn luôn giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình tôi.

Năm 1968, tôi bị địch bắt, gia đình, đơn vị bặt tin nhưng anh Soạn vẫn thường xuyên liên lạc, động viên, thăm hỏi gia đình tôi. Tháng 2/1973, khi tôi được trao trả tự do, được đi điều dưỡng tại Đoàn 125 ở Chí Linh, Hải Dương, anh Soạn là người đầu tiên đến thăm tôi. Gặp lại nhau anh em cảm động và vui mừng khôn xiết. Để giải tỏa nỗi băn khoăn trong lòng tôi, anh Soạn cười cho biết: Ra Bắc điều trị, khi vết thương lành, tôi về nhận công tác tại Đoàn 125. Hôm nhận danh sách về điều dưỡng tại Đoàn 125 lần này, thấy có tên anh tôi mừng lắm. Như vậy là anh còn sống. Thế là hạnh phúc lắm rồi! “Tôi kể chuyện này để mọi người hiểu hơn, tình cảm đồng chí đồng đội của chúng tôi trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường là vậy đấy, bình dị, chân thành, mà nặng sâu nghĩa tình” – bác Úc nói.

Ngoài trận đánh trên, theo lời bác Úc, trận đánh vào ngày 20/8/1967 cũng là một trong những trận đánh hết sức ác liệt và khó quên. Trận này, Tiểu đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh chống càn Chi đội xe thiết giáp M141, tại thôn An Thổ và An Thạch, xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong trận đánh này, Đại đội 2, Tiểu đoàn 3 tiếp tục biên chế thành 2 trung đội. Trung đội 1 do bác Úc làm Trung đội trưởng. Là trung đội chủ công nên Trung đội 1 được giao sử dụng súng B40, chỉ còn 3 quả đạn. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của trận đánh cũng như việc sử dụng hiệu quả khẩu B40, bác Úc giao cho đồng chí Đào Duy Tự, đảng viên, mới được bổ sung về trung đội giữ và sử dụng. Tuy nhiên, khi tới trận địa, đồng chí Tự trao đổi với bác Úc là chưa từng sử dụng súng B40, vì vậy muốn trao súng cho người đã biết sử dụng. Cũng chưa từng sử dụng súng B40 trong chiến đấu, nhưng trước tình thế hết sức cấp bách, bác Úc quyết định trao khẩu M79 mình đang giữ cho đồng chí Tự, còn mình nhận khẩu B40, bởi lẽ, bác Úc đã từng được hướng dẫn sử dụng B40 trong thời gian huấn luyện, luyện tập. Giữ khẩu B40 trong tay, trận này, bác Úc bắn trúng được 2 xe tăng địch (cháy một xe, đứt xích một xe). Với thành tích trên, sau trận đánh bác Úc được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai. Trận đánh này đồng đội của bác Úc cũng hy sinh nhiều, bác Úc bị thương vào đầu (viên đạn sượt qua trán)…

Trận đánh cuối cùng trước khi tôi bị địch bắt để lại trong tôi nhiều nuối tiếc và day dứt nhất – bác Úc chia sẻ. Ngày 2/1/1968, trong trận đánh càn tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, tôi và 3 đồng chí Tồn, Lập, Nẻ bị thương. Đơn vị gửi chúng tôi về thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An nằm hầm bí mật. Sau mấy ngày lùng sục, địch khui được hầm, chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng nhiều lần không được. Cuối cùng chúng hun khói và ném lựu đạn xuống hầm. Đồng chí Tồn, Lập, Nẻ hy sinh. Tôi bị ngạt thở phải đẩy nắp hầm luồn ra hầm pháo. Không may, tôi bị địch phát hiện và bị bắt chiều ngày 5/1/1968. Hàng chục năm đã trôi qua, đến giờ tôi vẫn tiếc nuối là không kịp hỏi để biết quê quán ba đồng chí đã nằm hầm bí mật cùng mình. Ba đồng chí ấy hy sinh trong hoàn cảnh nào, chỉ tôi là người biết rõ. Nhưng do không biết quê quán, tôi không thể tìm cách liên lạc và trao đổi thông tin tôi biết với gia đình các đồng chí ấy. Đây là nỗi day dứt canh cánh trong lòng tôi suốt mấy chục năm qua.

Không chỉ luôn sát cánh bên nhau nơi chiến trường ác liệt, thời gian hơn 5 năm tôi bị bắt, bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, các bạn tù cũng là đồng chí, đồng đội luôn yêu thương, quan tâm, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua mọi cực hình, tra tấn dã man của kẻ thù. Trong tù đày tăm tối, mọi người vẫn cùng nhau học tập, sinh hoạt, đấu tranh với kẻ thù... giữ vững tinh thần lạc quan và khí tiết kiên trung của người chiến sỹ cách mạng. Cảm động nhất là khi ai đó bị đánh đập, tra tấn, trừng phạt bởi đòn roi của kẻ thù, những người còn lại đều ân cần chăm sóc, nhường nhau từng miếng nước, viên thuốc, chút cơm... Có thể nói, tình đồng chí, đồng đội gắn bó, yêu thương, sẻ chia... đã giúp chúng tôi vững vàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ ở nơi được coi là “Địa ngục trần gian ấy”.

Đất nước đã yên tiếng súng, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27/7, ngày cả nước tưởng nhớ và tri ân công lao của các thương binh, liệt sỹ trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước tôi lại nhớ về đồng chí, đồng đội, những người đã anh dũng ngã xuống, những người đã để lại trên chiến trường một phần máu thịt... cho quê hương, đất nước có ngày hôm nay. Tôi là người may mắn có ngày trở về, trong cuộc sống hằng ngày, tôi luôn tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh. Từng có dịp được trở lại chiến trường xưa, được gặp lại những đồng đội một thời gắn bó, qua trò chuyện, trao đổi tôi được biết, hiện vẫn còn nhiều gia đình thương binh, liệt sỹ gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, tôi mong muốn, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức - xã hội và người dân, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/dam-sau-nghia-tinh-dong-doi-70194.html