Đàm phán Saudi Arabia-Israel: Vì đâu sốt sắng?

Nỗ lực đàm phán nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel đang được Mỹ, Trung Quốc quan tâm. Trong ảnh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thủ tướng, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman. (Nguồn: AFP)

Dấu ấn lịch sử

Với Israel, bình thường hóa quan hệ với “quốc gia có ảnh hưởng nhất trong các nước Arab và thế giới Hồi giáo”, theo lời Thủ tướng Benjamin Netanyahu, là cần thiết, đặc biệt sau khi Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ thời gian qua. Theo chính trị gia này, kịch bản trên sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết căng thẳng nhiều thập kỷ giữa Nhà nước Do Thái với khối Arab nói chung và Palestine nói riêng.

Quan trọng hơn, nó giúp Thủ tướng Netanyahu “dễ thở” hơn khi làn sóng phản đối cải cách tư pháp ở trong nước vẫn chưa dừng lại.

Cuối cùng, việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, một khi thành công, chắc chắn sẽ củng cố vị thế đặc biệt của chính trị gia này trong lịch sử của đất nước Do Thái.

Đó là lý do Nhà nước Do Thái tích cực thúc đẩy tiến trình này với sự giúp đỡ của Mỹ. Đây có thể là vấn đề trọng tâm của ông Netanyahu khi thăm Trung Quốc, nước trung gian cho thỏa thuận Saudi Arabia-Iran.

Chính sách đa cực

Vậy Saudi Arabia thì sao?

Đầu tiên, quan hệ giữa hai bên được cải thiện sẽ góp phần hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông. Saudi Arabia hiểu rõ điều đó. Phát biểu cùng người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Riyadh, Ngoại trưởng Faisal bin Farhan khẳng định: “Theo chúng tôi, bình thường hóa (với Israel) mang lại lợi ích lớn cho cả khu vực”.

Thứ hai, Saudi Arabia có thể dùng vấn đề bình thường hóa quan hệ để khiến Israel nhượng bộ về Palestine. Việc Riyadh lần đầu bổ nhiệm Đại sứ không thường trú tới Palestine thể hiện lập trường, đồng thời khẳng định vấn đề Israel-Palestine sẽ xuất hiện trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về quan hệ Saudi Arabia-Israel. Đồng thời, điều này giúp Saudi Arabia tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dắt khối Arab Hồi giáo vùng Vịnh nói riêng và “ghi điểm” với thế giới Hồi giáo nói chung.

Ông Farhan nêu rõ: “Tuy nhiên, nếu không có một lộ trình hòa bình cho người Palestine và thách thức vẫn chưa được giải quyết, việc bình thường hóa quan hệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích… Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm lộ trình cho giải pháp hai nhà nước, chính nghĩa và công lý cho người Palestine”.

Cuối cùng, nhà phân tích Ali Shihabi, người có quan hệ gần gũi với chính quyền Riyadh, cho biết: “Những cuộc đối thoại tại đây (Hội nghị hòa bình Ukraine) là ví dụ tiêu biểu cho thành công từ chính sách đa cực của Saudi Arabia nhằm duy trì quan hệ tốt với cả Ukraine, Nga và Trung Quốc”. Việc bình thường hóa quan hệ với Israel không nằm ngoài định hướng này của chính quyền Saudi Arabia.

“Chúng tôi tin rằng bình thường hóa (quan hệ với Israel) sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả khu vực”, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan phát biểu trong buổi họp báo người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.

Cầu nối hai “trụ cột”

Washington thậm chí còn có nhiều lý do hơn để sốt sắng trong vấn đề này.

Đầu tiên, Washington quan ngại về ảnh hưởng chính trị ngày một lớn của Bắc Kinh tại Tây Á và đặc biệt là vùng Vịnh. Khi đó, việc đóng vai trò chủ động hơn trong thúc đẩy đàm phán Saudi Arabia-Israel không chỉ khẳng định vai trò của Mỹ, mà còn làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.

Thứ hai, thời gian qua, quan hệ của Mỹ với Israel và Saudi Arabia, hai “trụ cột” trong chính sách Trung Đông, đang đối mặt với nhiều khó khăn: Washington nhiều lần chỉ trích chính phủ cánh hữu hiện nay của Nhà nước Do Thái. Saudi Arabia phản đối đề nghị của chính quyền Tổng thống Biden về giảm sản lượng dầu mỏ, đồng thời chủ động mở rộng quan hệ với cả Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa giữa hai “trụ cột” ở Trung Đông cho thấy cam kết của Mỹ với cả hai quốc gia này.

Cuối cùng, đó là câu chuyện đối nội. Khảo sát ngày 9/8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden ở mức 40%, cải thiện so với vài tháng trước đó, song chưa đủ để ông trở lại trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh chính sách đối nội, các chính sách đối ngoại, bao gồm thỏa thuận với Iran và thúc đẩy quan hệ Saudi Arabia-Israel, được cho là sẽ giúp ông Biden cải thiện tỷ lệ ủng hộ.

Mỹ đang cố gắng đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy đàm phán giữa Saudi Arabia và Israel. Trong ảnh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trao đổi với người đồng cấp Saudi Arabia, Faisal bin Farhan hồi tháng Sáu. (Nguồn: Reuters)

Thuận đà tiến tới

Trung Quốc có lý do để tham gia tích cực hơn vào quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Israel.

Trước hết, thành công của thỏa thuận bình thường hóa Saudi Arabia-Iran là động lực lớn để cường quốc châu Á tiếp tục mở rộng vai trò của mình tại Trung Đông.

Ngoài ra, thỏa thuận giữa Riyadh và Nhà nước Do Thái được cho là sẽ góp phần xây dựng, duy trì hòa bình ổn định tại khu vực then chốt với an ninh năng lượng của Trung Quốc, cũng như tiến trình triển khai Sáng kiến vành đai và con đường (BRI).

Cuối cùng, với vai trò trung gian đàm phán qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia-Iran và sắp tới có thể là Saudi Arabia-Israel, Trung Quốc sẽ khẳng định đóng góp vào các vấn đề quốc tế tương xứng với vị thế nước lớn theo cách riêng của mình, bảo đảm lợi ích của Bắc Kinh cũng như cộng đồng quốc tế.

Đợi gió để xuôi buồm

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, triển vọng của tiến trình bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel chưa rõ ràng. Riyadh vẫn kiên định lập trường rằng, thỏa thuận phải bao gồm vấn đề Palestine, trong khi chính phủ cực hữu của Nhà nước Do Thái vẫn duy trì thái độ cứng rắn với vấn đề này. Quan hệ trắc trở giữa Mỹ với cả hai nước khiến các nỗ lực thúc đẩy của Washington thiếu hiệu quả. Xứ cờ hoa do dự trước yêu cầu của Saudi Arabia, bao gồm các thương vụ vũ khí mới, cam kết bảo đảm an ninh và sự ủng hộ chương trình hạt nhân dân sự.

Trong khi đó, Trung Quốc, với vị thế và động lực mới ở Trung Đông, lại chưa thực sự có cơ hội để tham gia đàm phán giữa Riyadh và Nhà nước Do Thái. Ông Tuvia Gering, nhà nghiên cứu Viện Chính sách Trung Quốc-Israel tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc tế (INSS) tại Tel Aviv (Israel), cho biết ở hiện tại, tất cả cuộc đàm phán giữa Israel và Saudi Arabia đều do Nhà Trắng tổ chức.

Tuy nhiên, theo Điều phối viên chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby, “hiện các bên chưa nhất trí về hình thức, khuôn khổ đàm phán để tiến tới bình thường hóa quan hệ hay cân nhắc về an ninh tại khu vực. Các bên vẫn còn nhiều thứ phải thảo luận”. Trong bối cảnh đó, câu chuyện Saudi Arabia-Israel chắc chắn tiếp tục được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao thời gian tới.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-saudi-arabia-israel-vi-dau-sot-sang-238552.html