Đậm đà chè Khuân

Được trời phú cho chất đất và nguồn nước phù hợp với cây chè, người dân làng nghề chè Khuân, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình trồng, chăm sóc, chế biến. Nhờ vậy, khi mùa Xuân đến gần cũng là lúc những cây chè nơi đây đâm chồi, nảy lộc, nhú lên những mầm xanh căng tràn sức sống, góp thêm hương vị của đất trời, tạo nên sản phẩm chè xanh thơm, ngọt, làm mê đắm lòng người.

Thu hái chè đảm bảo “một tôm, hai lá” khởi đầu cho quá trình chế biến thành công sản phẩm chè ngon của làng nghề.

Đường vào làng nghề chè Khuân giờ đây như bức tranh đẹp với phong cảnh làng quê thanh bình, trù phú, những đồi chè Xuân tỏa hương thơm ngào ngạt. Người dân làng Khuân nói về cây chè bằng cả niềm tự hào như nói về người bạn tri kỷ đã gắn bó, nuôi sống bao thế hệ. Chè pha được nước, màu vàng xanh, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, khi uống xong dư vị lưu mãi nơi đầu lưỡi, đó là tinh túy của đất trời kết tinh vào cây chè để ban tặng cho người dân nơi đây. Từ xa xưa, cây chè đã được trồng tại các gò, đồi của các hộ gia đình tại làng Khuân. Ở đây nhà nào cũng có chè, nhà ít thì vài chục mét vuông, nhà nhiều thì đến cả héc ta. Những vạt chè được trải rộng từ đồi thấp lên đồi cao, len lỏi vào những mảnh vườn trong nhà. Cây chè đã và đang dần khẳng định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân miền sơn cước.

Chè sau khi sao, người dân sàng tơi, nhặt cẫng… để phân loại, đảm bảo chất lượng chè.

Anh Trần Văn Luyện- Trưởng làng nghề đưa chúng tôi đi qua những con đường bê tông lượn theo các nương chè xanh mơn mởn đang mùa thu hái và vui mừng chia sẻ: “Hiện nay làng nghề có trên 100 hộ chuyên sản xuất thâm canh, chế biến chè với diện tích thu hái ổn định gần 40ha. Để cây chè phát huy hiệu quả kinh tế, xã khuyến khích người dân thay thế các giống chè cằn cỗi bằng các giống chất lượng cao, quy hoạch thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững và hướng theo quy trình sản xuất hữu cơ, đồng thời phát triển thành hàng hóa đảm bảo sạch, an toàn; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh, thu hoạch, chế biến chè xanh. Nhờ vậy, sản xuất, kinh doanh chè phát triển, năng suất, sản lượng và chất lượng ngày càng nâng lên. Với quá trình hình thành và lợi ích kinh tế cũng như việc giữ gìn, phát triển diện tích trồng chè của nhân dân, nghề sản xuất thâm canh, chế biến chè búp khô làng Khuân đã được UBND tỉnh công nhận là “Làng nghề truyền thống” năm 2006.

Chè làng Khuân pha được nước, màu vàng xanh, vị ngọt và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để có sản phẩm chè thơm ngon, người dân thường hái chè vào buổi sáng sớm, khi đó những giọt sương vẫn còn đọng trên lá tạo nên hương vị đậm đà khác biệt. Trên lưng chừng đồi chè của gia đình, đang hái chè chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Ái, khu Khuân 1 vui vẻ tâm sự với chúng tôi: “Nghề làm chè đòi hỏi người lao động phải thận trọng, kỳ công, chu toàn trong từng công đoạn thu hái, vò, sao, sấy... Từ tích lũy kinh nghiệm làm nghề, tôi nghĩ “bí quyết” tạo nên đặc sản chè Khuân thơm ngon là làm nghề chè bằng tình yêu hết mình với cây chè. Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, gia đình tôi chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, chế biến chè và tư duy mới, hướng đến giá trị sản xuất xanh, vì sức khỏe cộng đồng. Từ cây chè, gia đình đã có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, lo cho con, cháu học hành tiến bộ”.

Được biết, đến nay, một số doanh nghiệp ở nhiều nơi đã vào tận nhà dân ở đây đặt mua chè. Nhờ đoàn kết, cùng nhau làm chè an toàn nên người dân làng Khuân dần tạo được thương hiệu cho sản phẩm chè, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Hiện thu nhập của làng nghề đạt trên một tỉ đồng/năm. Thực tế cho thấy, để có được thành quả như ngày hôm nay là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống lâu đời và những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Người dân làng Khuân thu hái chè Xuân.

Cụ Đỗ Thị Thoa tuổi đã ngoài 70 tâm sự: “Tôi cũng không thể nhớ cây chè làng Khuân có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã thấy những đồi chè trải qua bao mùa mưa nắng vẫn bền bỉ, kiên trì bám đất như chính sức sống của làng nghề bao đời nơi đây… Đã mấy mươi năm cuộc đời gắn bó với cây chè, giờ đã về già nhưng hàng ngày, sau mỗi mẻ chè “ra lò” tôi vẫn có niềm vui là được giúp con, cháu để có sản phẩm chè đạt chất lượng, kịp giao cho khách hàng”.

Năm mới đang đến, mở ra cho làng nghề chè Khuân nhiều cơ hội nhưng đảm bảo chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè đặc trưng có giá trị kinh tế cao là việc làm quan trọng đối với làng nghề trước áp lực cạnh tranh của thị trường. Đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng- Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương đã có Nghị quyết đảm bảo cho nghề chế biến chè của làng Khuân phát triển với quy mô lớn. Đảng bộ, chính quyền và người dân làng Khuân tiếp tục cải thiện sự manh mún, nhỏ lẻ trong quy mô sản xuất; khuyến khích người dân tham gia vào làng nghề để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm chè đặc trưng, nâng cấp hệ thống máy móc chế biến đi đôi với giữ vững chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ gìn và phát huy danh tiếng chè Khuân đã có từ xa xưa.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/dam-da-che-khuan/189821.htm