Đâm chết người do bị đánh hội đồng, nam sinh sẽ bị xử phạt thế nào

Theo luật sư, người dưới 18 tuổi phạm tội giết người sẽ chỉ bị xử phạt tù có thời hạn, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đang tạm giữ hình sự Phan Quang Minh (16 tuổi, học sinh lớp 11, trường THPT Lý Chính Thắng) để làm rõ hành vi giết người.

Theo cơ quan chức năng, Minh và N.T.T. (17 tuổi, học sinh lớp 12 cùng trường với Minh) có mâu thuẫn từ trước. Trưa 11/10, sau khi tan trường, T. cùng nhóm bạn học chặn đánh Minh trước cổng trường, nhưng được mọi người can ngăn nên ra về.

Bị T. dùng tay đấm, Minh mở cặp lấy dao thủ sẵn đâm đối phương vào lưng khiến nạn nhân gục xuống. Sau đó, T. được đưa đến bệnh viện cấp cứu, song không qua khỏi do vết thương nặng, gây thủng phổi.

Gây án xong, Minh về nhà cất hung khí rồi lẩn trốn, song được gia đình vận động đã ra đầu thú. Tại cơ quan điều tra, ban đầu nam sinh khai dùng dao đâm nạn nhân để chống đỡ việc bị đánh hội đồng.

 Nạn nhân được đưa đến bệnh viện song tử vong. Ảnh: H.S.

Nạn nhân được đưa đến bệnh viện song tử vong. Ảnh: H.S.

Trao với với Zing về vụ việc, luật sư Dương Lê Ước An (Công ty luật hợp danh Đại An Phát) cho biết nam sinh lớp 11 hoàn toàn có quyền chống trả lại khi bị đánh hội đồng, nhưng việc chống trả dẫn đến gây chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự.

Luật sư An cho rằng: "Bạn nam trong sự việc trên mang dao theo bên người có thể xét chỉ để tự vệ cho bản thân, không có ý định giết người từ trước vì khi bị chặn đánh và bị đối phương đánh trước mới rút dao ra để đánh trả, không có ý định sẽ ra tay trước hay lên kế hoạch từ trước".

Theo luật sư An, Điều 22 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017 quy định:

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Cũng theo điều luật này, việc nam sinh gây ra chết người là “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này".

“Như vậy, trong trường hợp này bạn nam hoàn toàn có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có có hành vi xâm phạm kia. Tuy nhiên hành vi chống trả của bạn nam đã gây ra cái chết cho người kia nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư An phân tích.

Theo luật sư An, người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 91 BLHS quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi mà chỉ xử phạt tù có thời hạn.

Trường hợp phạm tội của nam sinh lớp 11 cũng không thuộc các tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 về tội giết người. Luật sư An cho biết theo khoản 2 Điều 123 BLHS 2015, mức xử phạt đối với nam sinh này có thể 7-15 năm tù.

Ngoài ra, luật sư An cho biết theo quy định tại điểm r, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội tự thú là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trường hợp người có hành vi phạm tội tự thú được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi đó, mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi, đây sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội.

Thư Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dam-chet-nguoi-do-bi-danh-hoi-dong-nam-sinh-se-bi-xu-phat-the-nao-post1364043.html