Đảm bảo tiền lương cho người lao động

Qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Khánh Hòa, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Hầu hết DN áp dụng mức lương tối thiểu vùng để trích đóng bảo hiểm xã hội, còn mức lương thực trả cao hơn từ 1,5 đến 5 lần so với quy định nhằm thu hút, giữ chân người lao động (NLĐ).

Thực hiện tốt chính sách tiền lương

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Sodex Sport (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt chính sách tiền lương, thưởng và các chế độ bảo hiểm, phúc lợi cho hơn 200 lao động của đơn vị. Hiện nay, đơn vị đang thực hiện mức lương thấp nhất cho NLĐ mới vào làm là 4,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 15% so với mức lương tối thiểu vùng quy định (3,64 triệu đồng/người/tháng); còn trả lương giờ cho NLĐ là từ 21.000 đồng đến 79.000 đồng/giờ/người, cao hơn mức lương giờ quy định (17.500 đồng/người/giờ). Đối với những lao động đã qua đào tạo nghề, đơn vị trả mức lương cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, NLĐ rất an tâm làm việc, gắn bó với DN. Theo báo cáo của DN, việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng của đơn vị chỉ để thực hiện việc trích đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đơn vị kiến nghị, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024 cần ở mức tăng từ 5 đến 10% và thực hiện ngay từ tháng 1 để bảo đảm an sinh xã hội.

Công nhân Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam trong giờ lao động.

Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu) luôn đảm bảo việc làm, chính sách tiền lương, thưởng và phúc lợi khác dành cho hơn 3.400 công nhân. Hiện nay, mức lương bình quân của công nhân tại đơn vị gần 9 triệu đồng/người/tháng, trong đó người có mức lương cao nhất hơn 24 triệu đồng/tháng và thấp nhất hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, góp phần đảm bảo đời sống, thu nhập ổn định và tạo sự an tâm, gắn bó của công nhân với DN. Còn ở Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (thị xã Ninh Hòa), mức lương bình quân của hơn 2.800 công nhân gần 7 triệu đồng/người/tháng, trong đó người có mức lương cao nhất hơn 34 triệu đồng/tháng, thấp nhất hơn 4 triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Hùng - công nhân Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam chia sẻ: “Không chỉ bảo đảm các chế độ phúc lợi, hàng năm, công ty còn duy trì tăng lương, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống. Cụ thể, đầu năm 2023, công ty đã điều chỉnh tăng 7% lương cơ bản cho chúng tôi nên ai cũng phấn khởi”.

Tại Công ty TNHH Long Sinh (Khu Công nghiệp Suối Dầu), gần 200 công nhân có mức lương bình quân hơn 9,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó người có mức lương cao nhất hơn 32 triệu đồng/tháng và thấp nhất hơn 4,4 triệu đồng/tháng. Theo ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh, DN có bảo đảm chế độ tiền lương, thưởng và các phúc lợi cho công nhân thì họ mới an tâm làm việc, cống hiến, say mê lao động, sáng tạo để đưa DN phát triển. Do vậy, đơn vị luôn đảm bảo tiền lương cho NLĐ ở mức ổn định, để họ có điều kiện lo cho gia đình, yên tâm làm việc.

Cao hơn từ 1,5 đến 5 lần mức lương tối thiểu vùng

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, UBND tỉnh, mới đây, sở đã tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các DN trên địa bàn tỉnh. Kết quả rà soát cho thấy, các DN đều thực hiện trả lương cho NLĐ bằng hoặc cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 38 ngày 12-6-2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Hầu hết DN áp dụng mức lương tối thiểu vùng để làm cơ sở trích đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, còn DN thực trả cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 1,5 đến 5 lần. Đối với những nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nhất là thỏa thuận về trả lương cho NLĐ làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề được DN thực hiện cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu. Đối với lương tối thiểu theo giờ, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ về dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát, giúp việc nhà… đều trả cao hơn so với quy định về mức lương tối thiểu giờ quy định tại Nghị định số 38. Cụ thể, mức lương giờ phổ biến của các công việc được áp dụng từ 30.000 đồng đến hơn 50.000 đồng/giờ.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, trong quý I/2023, tình hình lao động trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không có tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng hoặc cắt giảm lao động với số lượng lớn. Tuy nhiên, các DN trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Một số DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu khó khăn, đơn hàng giảm nhẹ. Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng với những chính sách thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, hi vọng rằng trong thời gian tới, hoạt động du lịch của tỉnh sẽ ổn định trở lại; các DN sản xuất, chế biến có nhiều đơn hàng mới để tạo thêm việc làm cho công nhân.

VĂN GIANG

Mức lương tối thiểu vùng hiện đang áp dụng trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 38 của Chính phủ gồm:

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202304/dam-bao-tien-luong-cho-nguoi-lao-dong-1063412/